HỌ ĐOÀN-NGÀY NAY


Cụ Đoàn Duy Thành

Cụ Đoàn Duy Thành sinh năm 1929 ở Hải Dương, sớm tham gia kháng chiến. Tháng 9.1951, ông bị Pháp bắt đầy đi Côn Đảo và từng tổ chức vượt ngục. Về làm quản lý, ngoài thành công khoán hộ nông nghiệp ở Hải Phòng, lấn biển, ông còn đi đầu tư trong việc xây dựng đội tàu kinh doanh quốc tế. Hải Phòng trở thành một, trong những địa phương phát triển nhanh nhất nước… Thời kỳ quốc gia bị lạm phát nặng, ông Thành là một trong những người đầu tiên đề ra chủ trương nhập vàng để đóng góp ổn định tình hình đồng tiền mất giá và tạo nguồn thu cho ngân sách đang rất khó khăn. Tổng cộng đã nhập được 160 tấn vàng, lãi hơn 1 tỉ USD, góp phần giảm lạm phát từ 780%/năm xuống còn 67% vào năm 1990. 

Ông Đoàn Mạnh Giao

Những gia đình hiếm hoi mà cả cha và con đều có thời làm bộ trưởng, như gia đình ông Đoàn Mạnh Giao. Nhưng những người con cũng phải chịu nhiều áp lực trước cái bóng của người tiền nhiệm đồng thời là cha đẻ của mình.

Dưới đây là những câu chuyện rất riêng tư mà nguyên Bộ trưởng - chủ nhiệm Văn phòng chính phủ Đoàn Mạnh Giao chia sẻ về người cha Đoàn Trọng Truyến của mình.

Những điều học được và không học được

Cha tôi vừa là một chính trị gia, vừa là một nhà khoa học. Con đường cách mạng mà ông chọn khiến ông trở thành một chính trị gia, nhưng chúng tôi, 7 người con của ông, đều biết rằng sâu thẳm trong ông luôn là trái tim của một nhà khoa học. Cha tôi có thói quen ham đọc sách và biết nhiều ngoại ngữ. Tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Đức, tiếng Trung… ông đều rất giỏi. Khi ông cần học tiếng Nga, ông dán đủ các hình vẽ kèm theo ghi chú bằng tiếng Nga trong nhà vệ sinh.

Đến năm 50 tuổi, khi làm việc với các chuyên gia Đức, ông lại đi học tiếng Đức. Không bao giờ ông rời tay khỏi cuốn sách. Kể cả khi ăn cơm, ông cũng kè kè cuốn sách bên cạnh, vừa ăn vừa đọc. Dù biết thói quen đó không tốt cho sức khỏe của ông, nhưng không ai có thể khuyên được ông. Thói quen này của ông sau này ảnh hưởng đến chúng tôi. Học tập cha, dù công việc có bận rộn đến mấy, tôi vẫn cố gắng duy trì thói quen đọc sách khi có thời gian rảnh.

Khi còn sống, cha tôi rất say mê nghiên cứu lý luận. Ông đọc không ngừng những tác phẩm của Mác - Lênin. Khi về công tác tại HV Hành chính Quốc gia, sau một thời gian sang thăm HV Hành chính Quốc gia Pháp (ENA) - trường hành chính nổi tiếng ở Pháp. Tại đó, cha tôi đã tiếp thu nhiều cái mới và là một trong những người đầu tiên ủng hộ những khái niệm về “Xã hội dân sự”, “Nhà nước pháp quyền”, “Tam quyền phân lập”.

Thời kỳ đó, chúng ta chưa dễ chấp nhận những khái niệm này, nên cha tôi đã phải hứng chịu không ít khó khăn, sự lên án và cả sự thiệt thòi do những người có quan điểm trái ngược ông gây ra. Nhưng ông luôn im lặng, không kêu ca, không bất mãn. Với ông, đại cục đất nước quan trọng hơn chuyện danh vọng cá nhân.

Gia đình tôi có 7 anh em. Sau khi sinh được 5 người con trai, cha mẹ tôi mới đẻ tiếp được hai cô con gái. Vì rất mong mỏi có con gái, nên hai cô em gái của tôi sau này rất được ông bà yêu thương, thậm chí có phần cưng chiều hơn các con trai. Nhờ sự giáo dục của ông bà, anh em chúng tôi không bao giờ có tư tưởng phân biệt con trai con gái, trưởng nam hay thứ nữ. Chúng tôi bình đẳng trong gia đình.

Tôi học được ở cha mẹ tôi sự nhân hậu, chia sẻ với những người xung quanh mình. Ngày cha tôi còn sống, ông rất quý mến hàng xóm láng giềng. Những năm sau hòa bình, những dịp Tết đến, ông thường đi chúc Tết những người láng giềng của mình, kể cả những công chức lưu dung mà khi đó nhiều người vẫn có tâm lý tránh né vì sợ liên lụy.

Mẹ tôi không giữ vị trí này nọ như cha, nhưng cách sống của bà cũng khiến rất nhiều người nể phục. Khi cha tôi làm bộ trưởng, tôi mới là một anh sĩ quan cấp trung úy. Tiêu chuẩn bộ trưởng được 3 tút thuốc lá, còn tiêu chuẩn sĩ quan như tôi được 3 bao. Thương chúng tôi, mỗi lần tôi về thăm nhà, mẹ tôi thường dành cho tôi một tút thuốc lá của cha để mang lên đơn vị chia cho anh em. Nhưng có một lần về, mẹ tôi thông báo đã đem hết phần tiêu chuẩn tháng đó của cha tôi gồm vài tút thuốc, ít kẹo bánh cho anh gác cổng ở bộ vì anh ta chuẩn bị làm đám cưới.

Lúc đó, trong lòng tôi có chút hậm hực vì thiếu thuốc hút. Nhưng càng sau này, tôi càng hiểu và cảm phục tấm lòng của mẹ. Không có tút thuốc lá đó, tôi chỉ thiếu thốn đi một chút trong 1 tháng. Nhưng có lẽ anh gác cổng sẽ có một đám cưới hạnh phúc hơn và một kỷ niệm đẹp hơn về ngày cưới của mình. Sau này tôi cũng học cách chia sẻ từ mẹ, và mỗi lần như vậy, tôi thấy lòng mình trở nên ấm áp.

Tôi vẫn hay bảo với bạn bè mình rằng có những điều từ cha mẹ, mình rất phục, rất ngưỡng mộ, nhưng không thể học được. Cha mẹ tôi đến lúc ngoài 80 tuổi, mẹ tôi đã ngồi xe lăn, vẫn dành cho nhau tình yêu rất ngọt ngào. Cha vẫn gọi mẹ bằng tên đầy âu yếm và tự tay đưa cho bà từng viên thuốc uống khi ốm đau, bệnh tật. Trước khi mẹ tôi mất, cha tôi rất khỏe mạnh, minh mẫn. Ông vẫn đọc sách, vẫn tham gia làm từ điển, vẫn nghiên cứu khoa học. Nhưng kể từ sau cái chết của mẹ tôi, cha tôi suy sụp nhanh chóng. Chỉ sau đó vài năm, cha tôi qua đời. Trước khi mất, nằm mê man trên giường bệnh, được nghe lại bản nhạc Serenade, bản nhạc kỷ niệm của cha mẹ tôi thời trẻ, ông vẫn rơi nước mắt.

Noi vào cha để tự dặn mình

Thời cha tôi làm Chủ nhiệm văn phòng rất khác với thời của tôi. Vì thời của ông, Văn phòng chính phủ rất gần thủ tướng, chủ yếu giúp việc cho thủ tướng. Nhưng sau này, khi hoàn cảnh xã hội thay đổi, yêu cầu đối với vị trí mà tôi đảm nhiệm cũng thay đổi: Nhiều việc lặt vặt hơn, áp lực về tài chính cũng nặng hơn...

Cha tôi vẫn luôn dặn tôi một điều: người làm văn phòng phải luôn tâm niệm mình là người “bưng, bê, kê, đặt”, nghĩa là giúp việc cho thủ tướng để công việc thuận lợi nhất có thể. Mỗi văn bản được trình lên thủ tướng đều được chủ nhiệm Văn phòng chính phủ xem xét kỹ trước và tham gia ý kiến đóng góp với thủ tướng, đòi hỏi chủ nhiệm Văn phòng chính phủ có thể không nhất thiết phải am hiểu sâu, nhưng phải am hiểu rộng nhiều vấn đề để phát hiện ngay ra “mùi” vấn đề và kịp thời đóng góp ý kiến.

Tôi học được ở cha tôi tinh thần dân chủ. Với cấp dưới, tôi không ép họ buộc phải theo ý mình nếu như họ không phục. Anh chuyên viên của tôi có thể lên gặp tôi, trình văn bản và đưa ra ý kiến của anh ta. Đôi khi ý kiến của anh ta trùng với ý kiến của tôi, đôi khi chúng tôi suy nghĩ trái ngược nhau. Tôi sẽ nói với anh ta suy nghĩ của tôi. Nếu anh ta không đồng ý với ý kiến đó, tôi không bắt anh ta sửa ý kiến của mình, mà chỉ ghi thêm một dòng ý kiến riêng của tôi, để Thủ tướng có thể tham khảo hai ý kiến khác nhau. Tôi luôn tin sự dân chủ, cởi mở trong một cơ quan sẽ giúp cho công việc phát triển.

Thời bây giờ, một anh cán bộ dưới quyền có thể tuân lệnh bộ trưởng của anh ta, nhưng bảo anh ta yêu quý đến mức tôn thờ thì chưa chắc. Nhưng thời của những người như cha tôi chính là như thế. Cha tôi và nhiều trí thức khác đi theo cách mạng vì lòng ngưỡng mộ, tôn thờ với Bác Hồ và nhiều nhà lãnh đạo khác như Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng.

Còn nhớ những ngày cuối đời, cha tôi nằm liệt hôn mê trong bệnh viện Việt Xô, con cái vào thăm, ánh mắt ông hầu như chẳng có phản ứng gì. Nhưng khi bác Đỗ Mười - thủ trưởng cũ của ông - đến thăm, tôi thấy nước mắt chảy ra từ khóe mắt ông. Dù sức lực đã suy kiệt đến tận cùng, sự trung thành của cha tôi với lý tưởng, sự kính trọng của ông với các nhà lãnh đạo cấp trên của mình vẫn không có gì thay đổi.

Văn hóa phong bì đã trở thành phổ biến trong xã hội ta hiện nay. Người ta đưa phong bì cho nhau mỗi dịp hội thảo, mỗi khi đến thăm nhau, mỗi khi nhờ vả nhau điều gì đó, nhưng có lẽ cả người đưa và người nhận đều không thực sự chân thành, trân trọng nhau. Nhưng thời của cha tôi, mỗi món quà người ta dành tặng nhau đều là tấm lòng. Cha tôi quý từng quả táo mà bác Phạm Văn Đồng mang cho mỗi dịp đi công tác nước ngoài về. Hằng năm, ao cá trong Phủ Chủ tịch đều được đánh bắt những con lớn để thả thêm những con mới. Mỗi dịp như thế, mỗi gia đình lãnh đạo trung ương lại được mang biếu một, hai con cá. Gia đình tôi thường nhận món quà từ ao cá Bác Hồ với sự trân trọng và biết ơn thực sự. Đến bữa cơm, chúng tôi ăn con cá đó với sự biết ơn từ đáy lòng.

Ngày ấy, tôi đã từng chứng kiến có người từ dưới địa phương lên mang biếu cha tôi 10 cân gạo, nhưng cha tôi tìm mọi cách để trả lại món quà biếu đó. Với thế hệ của ông - thế hệ đã sống trong sáng, sống hết mình và giàu lòng tự trọng - nhận một cân gạo biếu với họ cũng là tội lỗi. Nó khác xa so với văn hóa phong bì bây giờ

Cha tôi không chỉ tay cặn kẽ từng việc, dặn con thế này, dạy con thế kia. Khi tôi lên làm bộ trưởng, ông cũng chưa bao giờ bảo tôi phải làm việc này hay không được làm việc kia. Nhưng ông dạy con từ chính nhân cách của ông. Mỗi khi nhớ đến cha, tôi biết dặn mình phải tránh những việc xấu

(Theo Lan Hương/ Khám Phá) 

Cụ Đoàn Việt Hùng

Ngày 12-8-1927 (15-7 năm Đinh Maõ) cụ Đoàn Việt Hùng được sinh ra trên đất mỏ. Năm 19 tuổi, cụ tham gia hoạt động cách mạng trên địa bàn Hồng Quảng và Hải Phòng bị thực dân Pháp bắt giam và lao động khổ sai tại Đồng Nọi- Lạng Sơn. Sau khi nắm chắc địa bàn và tình hình quân địch. Tháng 6-1949 cụ đã cùng các đồng chí của mình tổ chức cướp súng của địch tự giải thoát trở thành chiến sỹ Trung đoàn Cao Bắc Lạng. Năm 1950 cụ được kết nạp vào Đảng và là cán bộ trinh sát quân báo Trung đoàn 174 Đại đoàn 316 tham gia chiến dịch Tây bắc rồi chiến dịch Điện Biên Phủ. Hòa bình lập lại, cụ được biệt phái làm công tác cải cách ruộng đất và sửa sai. Từ năm 1958 cụ chuyển ngành làm công tác quy hoạch, kế hoạch, kiến thiết cơ bản của ngành Thủy lợi, nông nghiệp ở thành phố Hà Nội, tỉnh Hà Nam và tỉnh Hà Tây...Năm 1987 cụ nghỉ hưu. Do có nhiều công lao đóng góp cho sự nghiệp cách mạng cụ được Chủ tịch̀ nước tặng huân chương Chiến thắng hạng ba, Huân chương kháng chiến hạng nhất, huy hiệu chiến sỹ Điện Biên...

Sau khi nghỉ hưu cụ tiếp tục tham gia các công tác của tổ dân phố và công việc của Họ Đoàn. Cụ là một trong những thành viên khởi xướng thành lập Ban liên lạc họ Đoàn toàn quốc nay là Hội đồng Đoàn tộc Việt Nam là thành viên Ban chỉ đạo xây dựng Đền thờ tổ Họ Đoàn tại Đoàn Thượng Gia Lộc Hải Dương. Đầu xuân Đinh Dậu 2017 cụ được Trung ương Hội người cao tuổi Việt Nam tặng quà và giấy mừng thọ tuổi 90. Nhân dịp lễ vu lan Đoàn Gia kính chúc cụ mạnh khoẻ, trường thọ vui vầy bên gia đình, xóm làng quê hương, dòng họ. 





Ông Đoàn Sinh Hưởng

Một vị tướng trong QĐNDVN từng đánh giặc và trở thành dũng sĩ diệt Mỹ khi ông 18 tuổi và trở thành Anh hùng LLVT QĐNDVN vừa tròn 26 tuổi đó là tướng :  Đoàn Sinh Hưởng  

Ông tham gia nhiều trận đánh huy hoàng như ; trận Khe sanh, đường 9 Nam Lào, chiến dịch Tây nguyên giải phóng Buôn Mê Thuột.

Tham gia đánh chiếm sở chỉ huy sư 23 của quân đội Sài gòn giải phóng Buôn mê Thuột 

Chiếc xe tăng 980 do tướng Hưởng chỉ huy dẫn đầu mũi đột kích thích sâu tung hoành ngang dọc tiến công vào sở chỉ huy 23 ( Nguỵ) trở thành chiếc xe tăng lịch sử của QĐND VN anh hùng 


 Ông kể, từ nhỏ đã say mê những “Lá cờ thêu sáu chữ vàng”, “Dế mèn phiêu lưu ký”, “Tướng quân Nguyễn Chích”... Để rồi đến lúc tuổi hoa niên, ông đã hào hứng xung phong vào quân ngũ.

“Ngày 28/9/1966, tôi lên đường nhập ngũ giữa lúc các chiến trường miền Nam đang đầy khói lửa. Năm đó tôi mới 17 tuổi và suýt nữa không được đi vì chiều cao, cân nặng không đạt”, tướng Hưởng nhớ lại.

Những năm chiến tranh,  Đoàn Sinh Hưởng vào sinh ra tử ở những chiến trường ác liệt nhất: Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Tây Nguyên...

Ký ức về ‘thời hoa lửa’ của ông là những chiến thắng trong các chiến dịch lớn như Mậu thân 1968, đường 9 Khe Sanh, đường 9 Nam Lào, chiến dịch Tây Nguyên, chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Miền Nam.

Những nơi đã đi qua, những giây phút chứng kiến cảnh đồng đội ngã xuống ở tuổi thanh xuân... đều được ông kể lại rành mạch.

Dường như, bao nhiêu kỷ niệm thời binh lửa đều được ông nâng niu, gói ghém kỹ lưỡng trong tâm khảm. Để đến khi nhắc lại, dù sau gần nửa thế kỷ, những chi tiết ấy vẫn vẹn nguyên, chất chứa.

Năm 1967 khi vừa tròn 18 tuổi, Đoàn Sinh Hưởng được kết nạp Đảng ngay trên chiến hào ở chiến trường Khe Sanh. Một vinh dự lớn lao cho một người lính trẻ mới tròn 1 năm quân ngũ.

Sáng đọc thơ, chiều chăm cây cảnh

...Ngày 6/1/2003, Đoàn Sinh Hưởng được giao nhiệm vụ làm tham mưu trưởng Quân khu 4 khi đang công tác tại binh chủng tăng, thiết giáp.

“7 năm phục vụ ở Quân khu, giữ đến chức tư lệnh với hàm trung tướng, ngày chia tay tôi cảm thấy tự hào.

Với tôi cuộc đời như con tàu không có ga cuối cùng, không có khái niệm chia tay. Chỉ mong sau ngày chia tay, anh em đồng đội đồng chí vẫn dành cho nhau một nụ cười, một sự chia sẻ”, trung tướng Hưởng bùi ngùi.

Sau khi về hưu, tướng Hưởng có cho mình một cuộc sống khác, giản dị về vật chất và đủ đầy về tinh thần.

Ông tự tay lựa chọn, trồng và chăm sóc một vườn cây đặc biệt ở xóm 4, Nghi Ân (Nghi Lộc, Nghệ An).

Khu vườn rộng đến 1.700m2 trồng tới hơn 400 gốc cây cảnh được cắt tỉa tỉ mỉ thực sự là một không gian độc đáo.

“Nói đúng ra là tôi về vườn chứ không về hưu” – tướng Hưởng dí dỏm – “Bởi cuộc sống vốn không hề dừng lại. Tôi vẫn còn nhiều dự định, nhiều công việc”.

Ít ai biết, từ lúc về hưu, trung tướng Đoàn Sinh Hưởng vẫn tích cực tham gia vào rất nhiều hoạt động xã hội có ý nghĩa.

Ông hiện là chủ tịch quỹ từ thiện ‘Mãi mãi tuổi 20’ kết nối, chia sẻ cho rất nhiều hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh, bệnh tật trên khắp cả nước.

“Dù đi nhiều, xa nhà nhiều nhưng tôi vẫn giành riêng một khoảng thời gian nhất định để chăm sóc vườn cây, đọc sách ngâm thơ. Nó khiến tâm hồn thư thái, cuộc sống thêm ý nghĩa”, vị tướng đúc kết.

Nếu ai đã từng đọc, sẽ nhận ra, thơ ông chất chứa những kỷ niệm chiến trường, những hồi ức khó quên về thời hoa lửa, dào dạt tâm trạng và cảm xúc.

Có lẽ, vì thế mà đã có rất nhiều bài thơ của Đoàn Sinh Hưởng được phổ nhạc, trong đó bài được nhiều người nhớ đến nhất là ‘Hoa mua tím Truông Bồn’, một khúc trữ tình da diết và bi tráng!

Hoa mua tím Truông Bồn

Anh trở lại Truông Bồn

Tìm lại kỷ niệm xưa

Nơi gặp em ngày ấy

Tím một trời hoa Mua.

Hoa Mua ơi! lần đầu

Sao đẹp mãi trong tôi

Hỡi em, người con gái

Để nhớ mãi không thôi!.

Người con gái năm xưa

Trong khói lửa đạn bom

Tuổi thanh xuân dâng hiến

Hoa Mua tím Truông Bồn.

Anh trở về tìm lại em

Vẳng nghe câu hò ví dặm

Mầu hoa Mua và muối mặn

Kỷ niệm xưa không về!

Chỉ còn lại một màu xanh

Kỷ niệm xưa còn đâu đó

Tượng đài em cao hùng vĩ

Ngàn đời tím ngát màu hoa mua....

Ông Đoàn NGuyên Đức

 Ông Đoàn Nguyên Đức có biệt danh là bầu Đức (sinh 1962 ), quê quán tại xã Nhơn Mỹ, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định.

Hơn 50 năm trước cậu bé Đoàn Nguyên Đức hàng ngày chăn trâu trên cánh đồng bên cạnh sân bay Phù Cát, tỉnh Bình Định, ước mơ một ngày nào đó sẽ tậu được cho mình một máy bay riêng. Ước mơ tưởng như viển vông đó nay đã thành hiện thực. 

Tốt nghiệp cấp 3 hệ 10 năm (năm 1982), Đoàn Nguyên Đức vào TP.HCM thi đại học. Năm ấy, ông Đức thi trượt. Không nản lòng, bầu Đức tiếp tục vừa làm vừa học, quyết thi đại học, nhưng tới lần thi thứ 4, ông vẫn không đậu. Bước ngoặt để Đoàn Nguyên Đức trở thành thương gia là khi ông 22 tuổi sau 4 lần thi đại học không thành. Bầu Đức từng kể về "bí kíp lạ lùng" để trở thành doanh nhân hàng đầu Việt Nam: “Chính vì thi rớt đại học, tôi lại thành đạt như bây giờ”. 

Bầu Đức khởi nghiệp bằng việc trực tiếp điều hành một phân xưởng nhỏ vào năm 1990 có tên xí nghiệp tư nhân Hoàng Anh chuyên đóng bàn ghế cho học sinh tại xã. Kể từ năm 1990 đến nay, doanh nghiệp của ông Đức đã phất lên như diều gặp gió. Sau đó, ông mở rộng hoạt động kinh doanh sang sản xuất hàng nội thất rồi nhiều lĩnh vực khác như khoáng sản, gỗ, cao su, thủy điện, địa ốc đến bóng đá...

Năm 1993, ông thành lập xí nghiệp tư doanh Hoàng Anh Pleiku. Đến năm 2006, nó trở thành công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai với nhiều lĩnh vực kinh doanh như khoáng sản, gỗ, cao su, thủy điện, địa ốc và bóng đá.

Từ năm 2001 đến nay, cái tên Bầu Đức càng nổi như cồn sau những sự kiện làm nên các “ tít” lớn trên hầu hết các báo Việt Nam và cả trên thế giới như: việc ông mua chân sút số một Đông Nam Á Kiatisak và trả lương đến 15.000 USD một tháng vào năm 2002; hợp tác với câu lạc bộ bóng đá nổi tiếng của Anh Arsernal để mở học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai Arsenal JMG vào năm 2007... 

Doanh thu kể từ năm 2005 của công ty đã vượt quá 1.200 tỷ đồng, các năm sau đều cao hơn năm trước. Năm 2007, ông thành lập học viện bóng đá mang tên học viện Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal JMG để tuyển sinh và đào tạo cầu thủ trẻ theo mô hình của học viện cầu thủ trẻ Arsenal.

Vào năm 2008, công ty bắt đầu niêm yết chứng khoán tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) với mã HAG. Tổng khối lượng cổ phiếu niêm yết ban đầu gần 180 triệu đơn vị, đến nay, khối lượng cổ phiếu HAG đang lưu hành đã lên tới hơn 537 triệu, tương đương mức vốn hóa thị trường khoảng 16.067 tỷ đồng. Ông là người giàu nhất trên sàn chứng khoán năm 2008.

Đầu năm 2008 ông còn định mua 20% cổ phần của câu lạc bộ Arsenal. Và ông đã tậu cho mình một chiếc máy bay riêng (Beechcraft King Air 350, trị giá 7,5 triệu USD) như điều mà ông từng mơ ước 40 năm về trước. Điều đặc biệt là ông tậu chiếc máy bay này từ tiền túi cá nhân để phục vụ công việc chung của tập đoàn.

Tính đến thời điểm 31/1/2008 tổng giá trị tài sản ròng của HAGL Group đã đạt 25.576 tỷ đồng, vượt xa so với con số 11.600 tỷ đồng đầu năm 2007. Tháng 11 năm 2010 tổng vốn hóa thị trường của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đạt 22.524,09 tỷ đồng.

Năm 2011, ông cùng với các doanh nhân làm bóng đá khác vạch ý tưởng và thành lập công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Cũng trong năm này, ông được Wall Street Journal đánh giá là một trong 30 doanh nhân quyền lực nhất Đông Nam Á.

Võ sư Đoàn Đình Long

Sinh năm 1947, võ sư Đoàn Đình Long xuất thân từ môn phái Thiếu Lâm. Năm 1978, ông theo học hệ phái Suzucho Karatedo từ võ sư Lê Văn Thạnh, trưởng tràng hệ phái Karatedo hệ Suzucho Việt Nam, và quyết định gắn bó lâu dài với karate. Bốn năm sau, dưới sự dẫn dắt của võ sư Đoàn Đình Long, lò võ karatedo đầu tiên của Hà Nội đã ra đời.

Năm 1992, ông được Tổng cục Thể dục – Thể thao (nay là Ủy ban Thể dục – Thể thao) mời huấn luyện cho đội tuyển quốc gia Việt Nam. Rất nhiều học trò của ông đã đạt được thành tích cao trên đấu trường trong nước và quốc tế như: Nguyễn Hoàng Ngân, Nguyễn Anh Tuấn, Trần Văn Thông, Phạm Hồng Hà, Phạm Hồng Thắm, Vũ Quốc Huy, Hà Kiều Trang, Nguyễn Thị Thu Trang…

Năm 2001, sau ca mổ tim lần thứ ba, ông nghỉ chức HLV trưởng đội tuyển quốc gia, về “ở ẩn”.

Năm 2010, hệ phái Đoàn Long Karatedo do chính võ sư Đoàn Đình Long sáng lập đã ra đời tại võ đường 75 Đặng Văn Ngữ, thuộc Trung tâm Thể dục – Thể thao quận Đống Đa, Hà Nội. Với mục đích đào tạo các thế hệ thanh thiếu niên lành mạnh về tinh thần, cường tráng về thân thể, hoàn thiện bản thân theo nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Võ sư Đoàn Đình Long đã huấn luyện và giảng dạy trên 30.000 môn sinh.

Võ sư Đoàn Đình Long có niềm đam mê võ thuật từ khi còn rất nhỏ. Nhưng số phận thật trớ trêu do bệnh tim quái ác, thời trai trẻ ông đã ba lần phải đối diện với “lưỡi hái tử thần”. Bác sỹ và người thân khuyên ông không nên vận động mạnh vì dễ gặp nguy hiểm bị đột quỵ. Nhiều lần chống chọi với các ca mổ căn bệnh tim nhưng không vì vậy mà ông rời xa niềm đam mê dành cho võ thuật. Mục đích lớn nhất trong việc rèn luyện võ thuật của ông là phải có ý chí, quan trọng nhất là tự chiến thắng chính bản thân mình. Để có một thân thể dũng mãnh khỏe mạnh, kiên cường, đầy ý chí cao thượng trước hết phải tu dưỡng đạo đức, tâm hồn trong sáng, hoàn thiện nhân cách, sống có ích cho xã hội.

Một điều mà chúng ta có thể nhận ra được là võ thuật chưa bao giờ thôi cháy bỏng trong con người tuy nhỏ bé nhưng lại rất kiên cường.

Đoàn Quốc Việt - CEO BIM Group

PROFILE - Có người bảo anh là “người hùng” của ngành kinh doanh du lịch khách sạn. Có người lại bảo anh là điển hình của ngành nuôi trồng thuỷ hải sản XK với 2.800 ha diện tích nuôi trồng, năng suất trên 14.000 tấn tôm và 17.000 tấn hàu mỗi năm... Cũng có người bảo anh là một doanh nhân mang nặng nghĩa tình, luôn đau đáu nỗi niềm tri ân quá khứ. Anh là ai? Đêm ven bờ Vịnh Hạ Long, khách sạn Plaza kiêu hãnh hắt lên bầu trời đen thẫm những quầng sáng lung linh huyền ảo. Tôi như lạc trong miền cổ tích. Và câu hỏi: “Anh là ai?” vẫn chưa có lời đáp và chưa đến hồi kết thúc...

Trong quá khứ và hiện tại, làng DN VN có một người được dư luận biết đến từ lâu bởi những đóng góp của anh vào sự nghiệp phát triển kinh tế chung của đất nước. Người ta biết đến anh không chỉ qua những công trình do anh đầu tư xây dựng, mang lại hiệu quả to lớn về kinh tế - xã hội, mà là những công việc từ thiện trong chương trình xoá đói giảm nghèo, giúp đỡ xây dựng nhiều trường học, xây dựng các nhà tình thương, nhà tình nghĩa, phụng dưỡng các bà mẹ VN anh hùng, những người gặp hoàn cảnh cơ nhỡ khó khăn, những người khuyết tật, giúp đỡ học sinh nghèo vượt khó ở nhiều tình thành trong cả nước. Trong năm qua, anh đã cùng cán bộ CNV của Cty tình nguyện đóng góp hơn 5 tỷ đồng để xây dựng một trường học khang trang cùng với thiết bị hiện đại tại tỉnh Quảng Ninh, tham gia xây dựng nhà tình nghĩa, tặng gia đình chính sách, thương binh thuộc huyện Tiên Yên với giá trị 300 triệu đồng, ủng hộ lễ hội Hạ Long năm 2007 200 triệu đồng cùng nhiều hoạt động từ thiện xã hội khác. Anh là kỹ sư Đoàn Quốc Việt - Tổng Giám đốc Cty TNHH Đầu tư phát triển sản xuất Hạ Long - Cty cổ phần thuỷ sản BIM.

Đoàn Quốc Việt sinh ra và lớn lên ở Thủ đô Hà Nội. Năm 1976, tốt nghiệp Trường đại học Bách khoa. Ra trường với tấm bằng giỏi, anh được nhận vào làm việc tại Viện nghiên cứu kỹ thuật điện. Năm 1986, anh được cử sang Ba Lan làm ở Viện nghiên cứu Sinh học. Tại đây, sau thời gian phấn đấu làm việc và đưa ra nhiều sáng kiến trong quá trình thực hiện đề tài khoa học về động thực vật, anh được các chuyên gia của Viện đánh giá rất cao về trình độ nghiên cứu cũng như năng lực phát huy công việc.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở Ba Lan, năm 1989 anh trở về nước. Cũng trong thời gian này, Chính phủ cho phép 5 thành phần kinh tế được kinh doanh sản xuất. Hưởng ứng tinh thần đó, anh vui mừng huy động hết vốn liếng của gia đình, vay mượn bạn bè, ngân hàng để lao vào hoạt động kinh doanh. Dựa vào những kiến thức được học và thực tế, anh đã lập được nhiều đề án xây dựng chiến lược kinh doanh. Một trong những đề án của anh được gia đình và bạn bè ủng hộ nhất đó là đề án về Đầu tư phát triển du lịch khách sạn. Để biến ước mơ thành hiện thực, anh lên đường tìm đến những nơi có tiềm năng phát triển du lịch tốt. Sau khi khảo sát tình hình thực tế tại các tỉnh thành phía Bắc, anh nhận thấy Quảng Ninh là mảnh đất có thể thỏa mãn khát vọng lớn của mình bởi cơ chế thu hút các nhà đầu tư. Hơn nữa, Quảng Ninh còn là một tỉnh giàu tài nguyên thiên nhiên, có tiềm năng về du lịch, dịch vụ, vận tải biển, có đường giáp biển thuận lợi cho việc xây dựng đô thị biển, nuôi trồng và xuất khẩu thuỷ hải sản. Đầu năm 1994, anh Đoàn Quốc Việt quyết định thành lập Cty và một loạt dự án lớn được hình thành mà khởi đầu là dự án khách sạn Plaza, nằm ven bờ Vịnh Hạ Long, với tổng mức đầu tư vốn ban đầu là 11 triệu USD. Khách sạn được xây dựng với quy mô 200 phòng, cao 13 tầng, đạt tiêu chuẩn quốc tế 4 sao. Tháng 5-1997, khách sạn Plaza được đưa vào hoạt động đúng như dự đoán của anh Việt: Nếu một khách sạn được đầu tư lớn về thiết bị, có địa điểm lý tưởng và tinh thần phục vụ chu đáo thì sẽ thu hút được khách quốc tế rất đông. Sau chưa đầy một năm, khách sạn đón hàng chục nghìn khách trong nước và quốc tế, doanh thu đạt hàng chục tỷ đồng và được bầu chọn là một trong những khách sạn cao cấp, phục vụ khách tốt nhất tại VN.

Là người có tầm nhìn chiến lược, năm 1999 nhận thấy ở Quảng Ninh có đường biển biên giới giáp Trung Quốc, lượng khách buôn bán và du lịch từ Trung Quốc vào rất đông. Trước tình hình đó, anh Việt bàn với toàn thể CBCNV quyết định đầu tư vào vận tải biển. Chủ trương của anh đưa ra được toàn thể CBCNV nhiệt tình hưởng ứng và đội tàu cao tốc cánh ngầm Mũi Ngọc với năng lực vận chuyển hàng nghìn khách/ngày được ra đời phục vụ các tuyến Hạ Long - Móng Cái, Hạ Long - Hải Phòng. Sau chưa đầy một năm hoạt động dự án này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điều đặc biệt đã mở ra con đường thuỷ thuận tiện cho khách buôn bán và khách du lịch quốc tế.

Thành công tiếp nối thành công. Khát vọng thắp lên khát vọng. Không bằng lòng với kết quả đạt được, năm 1999, thực hiện chương trình “đổi đất lấy hạ tầng” anh lại tiếp tục đầu tư tuyến đường bao biển Hùng Thắng với chiều dài 4,2 km, rộng 42 m, tổng vốn đầu tư gần 100 tỷ đồng. Tiếp đó là dự án khu đô thị mới Hùng Thắng được Cty đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng gồm nhiều hạng mục như: Trung tâm du lịch thương mại, khu nghỉ dưỡng, biệt thự biển, khu vui chơi, khách sạn 5 sao…

Có người bảo anh là người may mắn trên con đường chinh phục đỉnh cao sự nghiệp của mình. Nhưng họ đâu có biết, cái “may mắn” ấy là kết quả của những tháng ngày thấm đẫm bao giọt mồ hôi của chàng sinh viên trẻ tuổi mang trong mình nhiều khát vọng. Việt không nhớ anh đã ngốn bao nhiều sách vở, bao nhiều lần lang thang trong các ngõ ngách của phố phường Hà Nội cũng như ở trời Tây để tìm kiếm và nghiên cứu những công trình xây dựng có kiến trúc đẹp với mong muốn bù đắp lại những gì còn thiếu trong sách vở. Miệt mài và đam mê, như dòng sông nhỏ bồi đắp phù sa để tự trang bị cho mình hành trang vào đời.

Theo thời gian, Đoàn Quốc Việt đã từng bước khẳng định mình trong làng doanh nhân VN. Từ những năm 2000, không ít DN kinh doanh chế biến thuỷ hải sản lâm vào tình trạng lao đao, thậm chí phá sản, song bằng tố chất của một kỹ sư nghiên cứu Sinh học đã từng được các chuyên gia nước ngoài đánh giá cao về tài năng nghiên cứu khoa học, anh Đoàn Quốc Việt lại bắt tay vào triển khai dự án mới: Nuôi trồng và chế biến thuỷ hải sản đặc biệt là giống tôm điển hình đạt năng suất cao ở các tỉnh Kiên Giang, Bình Thuận, Quảng Ninh…mà trung tâm gây giống I của Cty đặt tại đảo Phú Quốc chuyên cung ứng nguồn con giống sạch bệnh, chất lượng cao, được kiểm định nghiêm ngặt sau khi đánh bắt từ Ấn Độ Dương. Trung tâm biệt lập với khu dân cư nhằm đảm bảo vệ sinh nguồn nước và môi sinh. Trại nuôi tôm II ở Kiên Giang có diện tích hơn 2500 ha được áp dụng công nghệ vi sinh trong nuôi tôm và quản lý môi trường, hàng năm cung ứng từ 12 - 15 tấn, tôm được đưa cho nhà máy với thời gian vận chuyển chỉ trong 2 giờ. Nhà máy đặt tại Kiên Giang được thiết kế theo tiêu chuẩn HACCP, sử dụng thiết bị của hãng MYCOM, công suất 10 ngàn tấn/năm với các sản phẩm chế biến gồm: tôm loại HOSO, HLSO, PD/PUD, SHUSHI, NOBASHI, Hàu đông lạnh và các sản phẩm theo đơn đặt hàng. Mô hình này tuyệt đối không sử dụng kháng sinh, nguồn gốc rõ ràng và thoả mãn yêu cầu khắt khe của các thị trường nhập khẩu trên thế giới. Anh Việt hồ hởi:“Mô hình chế biến của chúng tôi đạt tiêu chuẩn theo đánh giá của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản VN (VASEP). Để thực hiện thành công mô hình này, chúng tôi cũng gặp không ít khó khăn trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng, tuyển dụng lao động vì các dự án này đều triển khai ở các vùng sâu vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, điện, nước, giao thông không thuận tiện. Song bằng sự tâm huyết với nghề, sự nỗ lực của đội ngũ CBCNV trong Cty cùng với sự giúp đỡ tạo điều kiện của các ban ngành từ Trung ương đến địa phương, chúng tôi đã khắc phục và triển khai tốt dự án này trong thời gian ngắn”.

Đối với anh Việt, thương trường như chiến trường, đầy cam go thử thách nhưng anh quan niệm: “không có việc gì khó, chỉ sợ không đồng lòng”. Và trong anh luôn chất chứa nỗi niềm được tri ân với quá khứ. Anh tâm sự: “Tôi sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, bản thân cũng là một người lính chống Mỹ, trải qua cuộc chiến tranh ác liệt của dân tộc, thấu hiểu nỗi đau, mất mát của các gia đình thương binh, liệt sĩ. Tôi là người có may mắn được sống sót qua cuộc chiến tranh đó và lại được sản xuất kinh doanh trong một đất nước hoà bình và đã gặt hái được những thành công ban đầu. Vì vậy, tôi luôn nghĩ, mình còn sống là còn cống hiến, muốn làm những gì có ích cho xã hội, cho cộng đồng. Nếu không có các bậc cha anh đi trước, không có đồng đội, bạn bè đã hi sinh cho công cuộc giải phóng dân tộc, làm sao tôi có được như ngày hôm nay”.

Nhìn lại chặng đường hơn 10 năm thành lập, trải qua bao vất vả thăng trầm, bao vinh quang và gian khó, ngày hôm nay anh Việt cùng toàn thể CBCNV của Cty TNHH phát triển sản xuất Hạ Long đã gặt hái được những kết quả thật đáng tự hào: từ số vốn 1tỷ đồng khi thành lập nay đã tăng lên 600 tỷ đồng, và dự kiến sẽ đạt 1.200 tỷ vào cuối năm 2008; số cán bộ CNV từ 10 người nay đã là 1200 người với mức thu nhập bình quân từ 2,5 đến 3 triệu/người/tháng, doanh thu 2006 đạt 165,86 tỷ đồng. Năm 2007 đạt 238,72 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 19,46 tỷ đồng.

Năm 2008, Cty tiếp tục đầu tư 2800 ha tại Ninh Thuận để sản xuất kinh doanh muối và phát triển các dự án về tổ hợp sân golf, bệnh viện, trường học… ở nhiều địa phương khác nhau. Với những thành tích đạt được trong 10 năm qua, Tổng Giám đốc Đoàn Quốc Việt và tập thể CBCNV Cty đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý từ Trung ương đến địa phương: Bằng khen của Bộ Thuỷ sản: đơn vị đã có thành tích SX tiêu biểu điển hình trong phong trào thi đua yêu nước ngành thuỷ sản giai đoạn năm 2001 – 2005; Bằng khen đơn vị có thành tích về nghiên cứu khoa học và triển khai công nghệ năm 2002. Được Tổng cục Thuế tuyên dương là đơn vị thực hiện tốt nghĩa vụ nộp Thuế toàn quốc năm 2005; Được UBND tỉnh Quảng Ninh tặng cờ thi đua: Đơn vị dẫn đầu ngành Thuỷ sản... Tổng Giám đốc Đoàn Quốc Việt đã được Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) trao tặng kỷ niệm chương và được vinh danh là một trong 100 Doanh nhân tiêu biểu toàn quốc năm 2007.

Theo CEO VN