Dân chơi đồ cổ suốt từ Bắc vào Nam đều ngả mũ nón thán phục Tuấn Bun Hà Nội

Post date: Jul 18, 2012 6:19:32 AM

Dân chơi đồ cổ suốt từ Bắc vào Nam đều ngả mũ nón thán phục Tuấn Bun Hà Nội - đại gia của thế giới đồ cổ. Thán phục không phải vì hàng ngàn hiện vật đồ cổ vô giá đang chen chúc nhau chất đống trong nhà của gã, mà ngả mũ nón thán phục vì...

1. Tên họ: Đoàn Anh Tuấn. Nhà đã 3 đời định cư ở đất Kinh kỳ. Có nòi chơi đồ cổ từ đời ông cố nội. Dân Hà Nội cũ ở 36 phố cổ Hà thành đều biết tiếng gia tộc họ Đoàn không phải vì có tài buôn bán lụa là gấm vóc mà là vì tuốt tuột cái gia tộc họ Đoàn này từ lớn bé, trẻ già, đàn ông đàn bà đều có chung một thứ máu mê đồ cổ.

Mấy chục năm trước của thế kỷ trước, đồ cổ cũng giống như vàng như ngoại tệ đô la, đồng bảng, đồng mác đó là những thứ quốc cấm, dính vào là có cơ đi suốt, vào tù ngồi bóc lịch như bỡn ấy vậy mà cả cái dòng tộc họ Đoàn này vẫn cứ âm thầm đeo bám nỗi đam mê đó, khác nào ủ hòn than hồng trong đống tàn tro để... chờ cơ. Được gia đình bỏ tiền của nuôi cho ăn học chu đáo đàng hoàng.

Có tài hội họa. Được cử sang Bun-ga-ri học mỹ thuật 5 năm. Có lẽ vì thế mà gã được mang tên Tuấn "Bun". Về nước, bằng đỏ chói. Dán cái mác hoạ sĩ được đào tạo ở nước ngoài to tướng trên trán. ấy vậy mà gã lại quẳng cây cọ đi, chê cái nghề vẽ là nhạt. Gã vẽ đẹp.

Nhưng không thích vẽ. Gã vẽ lăng nhăng, chẳng bao giờ bày triển lãm cá nhân. Gã cũng chẳng bao giờ kiếm ăn bằng nghề vẽ.Tiếc gã có bằng đỏ ngoại quốc, trường này trường nọ đánh tiếng mời gã về gõ đầu sinh viên.

Gã cũng lắc đầu. Nhà gã suốt ngày đóng cửa im ỉm. Không giống mấy ông văn nghệ sĩ đồng bọn, cửa giả cứ mở thông thống suốt ngày líu tíu bạn bè ra vào nhậu nhẹt, tán láo.

Trong nhà gã lúc nào cũng tối lờ mờ, lom khom bóng mấy ông cụ (cả cụ non lẫn cụ già) thì thào, lau lau chùi chùi, đắc ý sờ mó xuýt xoa cứ như một ổ buôn bạc giả. Nhưng rõ ràng không phải bọn buôn bạc giả, mà đó là dân chơi đồ cổ. Dân chơi đồ cổ thứ thiệt chính hiệu của đất Tràng An.

- Tại sao ông bỏ nghề họa sĩ cao quý mà lại đắm đuối cái nghề đồ cổ?

- Xin đính chính.Với tôi không có cái nghề đồ cổ mà chỉ có cái thú chơi đồ cổ. Tôi chơi đồ cổ chỉ vì một lý do đơn giản. Tôi muốn đi tìm câu trả lời cho câu hỏi mỗi khi được cầm trên tay những báu vật này

- Câu hỏi gì vậy ?

- Câu hỏi là: Cái vò này, cái chum này... ngày xưa các cụ nhà ta dùng để làm gì?

- Những ông chơi đồ cổ phải ranh ma lắm?

- Ranh ma cũng chẳng lại được với ông trời. Mọi sự trên đời này có được không phải cậy cái sự ranh ma, mà trông ở cái duyên. Đồ cổ lại càng đúng như thế. Mình có duyên thì sẽ gặp. Có duyên thì phúc lộc sẽ bá vai nhau tới tận nhà. Nhưng mà theo tôi người chơi đồ cổ phải luôn lưu tâm tới hai điều: Điều thứ nhất là phải biết dừng. Điều thứ hai là lộc bất tận hưởng.

- Dân đồ cổ kháo nhau Tuấn "Bun" chơi đủ mọi thứ đồ cổ không kiêng kỵ niên đại, cũng chẳng chê gốc gác quốc tịch của ta hay của tây. Nhưng ông dị ứng đồ trục vớt. Tại sao vậy?

- Tôi kiên quyết không chơi đồ trục vớt. Tôi không thích cái thứ đồ chất hàng đống trên thuyền, đem đi bán rồi gặp bão, gặp tai nạn rủi ro gì đó đắm thuyền chìm nghỉm dưới đáy sông, đáy biển. Thứ đồ đó chỉ là hàng hoá mới ra lò, chưa qua tay người dùng, chưa có chủ. Theo tôi, đồ cổ còn quý ở chỗ nó phải có chủ.

Và chủ nó là ai ? Cái ấn vàng do anh thợ vàng đúc ra đang nằm trong tay anh thợ vàng, thì không thể có giá trị bằng cái ấn vàng đang nằm trong tay nhà vua, được nhà vua dùng hàng ngày thường xuyên đóng dấu cái rụp nay chặt đầu người này, mai ban thưởng vàng bạc cho người khác. Và nó lại càng quý hơn nếu cái ấn ấy đã trải qua mấy triều đại, mấy đời vua.

2. Vóc người tầm thước. Nhanh nhẹn. Da dẻ hồng hào. Râu ba chòm. Ăn mặc lôi thôi một cách cố tình. Tướng mạo trông từa tựa như nhà văn Nguyên Hồng, nhưng có vẻ hiện đại hơn nhờ có búi tóc củ hành ở sau ót. Tuy vậy, nhìn toàn cảnh, nếu đem so đo với thế hệ @ thì trông ông quê một cục.

Nhưng có lẽ như vậy mới là một tay chơi đồ cổ sành điệu của thế giới đồ cổ. Đến gõ cửa nhà gã. Một ngôi nhà 3 tầng mới xây. Số lẻ. Trong một cái ngõ cũng số lẻ ở phố Kim Ngưu chen chúc, bụi bậm.

Một cô bé ra mở cửa. Mặt rầu rầu, không cười không nói và cũng không vâng dạ chào hỏi. Đi qua cái hành lang nhỏ lát gạch Tàu, bước chân đầu tiên leo lên gác là đập mắt, va tay, va chân vào thôi rồi cơ man toàn là những chum, vại, bát đĩa, nồi niêu hàng trăm thứ, hàng ngàn thứ lũ lượt xếp hàng theo từng bậc cầu thang.

Leo lên gác hai, vào một căn phòng rộng tới ngót nghét trăm mét vuông, ngút mắt là hàng ngàn thứ đồ cổ to nhỏ kì quái đủ loại muôn hình, muôn vẻ, xếp chật ních. Phải lách chân mới tới được bộ bàn ghế cổ kê ở góc nhà. Một tủ kính đặt ở ngay sau lưng bộ bàn ghế. Trong tủ bày cơ man đá quý dạng thô chưa chế tác.

- Ông giàu nứt đố đổ vách ?

- Nhầm. Tôi nghèo. Có người chửi tôi giả nghèo giả khổ để đùa bỡn cái sự giàu có của thiên hạ. Nhưng tôi là người theo đạo Phật. Tôi đâu dám cợt nhả đùa bỡn người đời.

Tôi nghèo và tôi vẫn đang tiếp tục nghèo. Từ khi chơi đồ cổ đến hôm nay, Tuấn "Bun" này chỉ mua vào chứ chưa hề bán ra một thứ đồ cổ nào. Tôi kiếm tiền nhờ có nghề làm đồ gỗ giả cổ và nghề chế tác đá quý.

- Ông bán cả nhà để mua đổ cổ ?

- Thưa vâng. Năm 1998 Nhà nước ban hành luật di sản thừa nhận quyền sở hữu tư nhân đồ cổ cho những người chơi đồ cổ. Tôi đã bán ngay ngôi nhà mặt phố Trương Định để lấy tiền mua đồ cổ. Ngôi nhà này là nhà tôi đi thuê.

- Nghe nói ông đang chuẩn bị thành lập bảo tàng tư nhân để khuếch trương bảng hiệu, danh tính ?

- Trò khỉ. Tôi mua đồ cổ để chơi và để tặng. Năm Giáp Thân, tôi đã hiến tặng cho Bảo tàng Lịch sử Trung ương 2 trống đồng Đông Sơn có niên đại 2500 năm.

Tôi cũng hiến tặng Bảo tàng Thái Bình 93 cổ vật rất quý và hiếm. Tặng Bảo tàng Quảng Ninh 105 cổ vật cũng rất quý hiếm từ thời Hậu đồ đá, thời Đông Sơn và thời nhà Trần. Đổi lại tôi được tặng một cái giấy khen rất đẹp.

- Ông có máu điên ?

- Tôi không điên. Nguyên tắc chơi đồ cổ của tôi là giữ đồ cổ cho mọi người. Chơi đồ cổ sướng lắm. Hiến tặng đồ cổ cho bảo tàng là để cho mọi người có điều kiện đến để xem để họ cũng được sướng như mình. Tôi hy vọng một ngày nào đó công việc hiến tặng đồ cổ sẽ được xã hội hoá.

3. Đầu năm 2005 Hiệp hội câu lạc bộ UNESCO Việt Nam ký quyết định thành lập câu lạc bộ UNESCO nghiên cứu và bảo tồn cổ vật Việt Nam và bổ nhiệm ông Đoàn Anh Tuấn làm Chủ tịch. Ông Tuấn hồ hởi và tâm đắc lắm: Đồ cổ là văn hoá vật thể vô cùng quý hiếm, là minh chứng của thời gian để lại lưu giữ những giá trị của lịch sử dân tộc.

Nhiệm vụ của câu lạc bộ là phải nghiên cứu, bảo tồn và phổ biến cho cộng đồng nhằm góp phần xã hội hoá văn hoá, nâng cao trình độ dân trí, thức tỉnh lòng tự hào dân tộc theo đúng chủ chương chính sách của Đảng và Nhà nước.

Một năm qua câu lạc bộ đã tổ chức được 2 cuộc triển lãm trưng bày cổ vật ở các tỉnh và đánh giá, xác định niên biểu hàng ngàn cổ vật vô giá.

Và câu lạc bộ hiện đang phối hợp với Sở Văn hoá thông tin thành phố Hà Nội tổ chức trưng bày cổ vật các giai đoạn lịch sử dân tộc Việt Nam các thời kỳ Hậu đồ đá mới, thời kỳ Phùng Nguyên, Đông Sơn, thời kỳ 10 thế kỷ đầu Công nguyên, thời kỳ Lý, Trần, Lê, Nguyễn, Chăm Pa, óc Eo, các hiện vật thế kỷ 18 đến thế kỷ 20. Và các sưu tập gốm sứ Trung Hoa.

Ngày mồng 3 Tết ta, gọi điện đến nhà chúc Tết thì được trả lời: Ông Tuấn đang thường trực ở ngoài nhà triển lãm. Điện Kính Thiên trong khu thành cổ Hà Nội ngày xuân tấp nập người đời dạo chơi thăm viếng. Năm gian nhà rộng bày kín những cổ vật vô cùng quí hiếm.

Ông Tuấn sướng lắm. Ông hể hả khoe: Nhờ có câu lạc bộ mới tập hợp được nhiều anh em chơi đồ cổ tham gia đông vui, hùng hậu như thế này. Thế là thắng lợi to rồi. Hỏi ông những ngày tới làm gì thì ông bảo:

- Tôi đang chuẩn bị hiến tặng Đền Hùng nhiều cổ vật quý hiếm. Và sẽ có nhiều anh em chơi đồ cổ thành viên của câu lạc bộ cũng sẽ tham gia hiến tặng cùng với tôi lần này

Trích từ giaothongvantai.com.vn/.../Co_ga_Tuan_khung_trot_me_do_co