Quan nghè Đoàn Đại Lang
CỤ QUAN NGHÈ ĐOÀN ĐẠI LANG
Cụ Quan nghè ĐOÀN LẠN hay ĐOÀN LANG (đời thứ 18)
Trong gia phả là cụ ĐOÀN ĐẠI LANG
Đặc Tấn Phụ Quốc Thượng Tướng Quân
Hộ Quốc sắc phong Thượng đẳng chi thần.
Theo gia phả Tộc Đoàn Đông Yên do ông Đoàn Công Lễ dịch thuật vào năm Cảnh Hưng (1760) và do ông Đoàn Công Dung phục sao chữ hán và dịch âm tiếng việt thì cổ bổn của Đoàn Tộc ông Thái Thỉ Tổ ĐOÀN ĐẠI LANG tự là An Phận, cùng bà Nhứt nương hiệu An Tâm. Nguyên quán xã Khuôn Phụ, Huyện Gia Phước, Phủ thừa tuyên Hạ Hồng, tỉnh Hải Dương.
Theo sách Đại Nam Thập Lục:
“Giáp tý, Gia Long năm thứ 3 [1804]
Lấy Đoàn Công Lễ làm đội trưởng coi giữ tôn lăng ở Chiêm Sơn, Tức lăng Hiếu chiêu hoàng hậu Đoàn thị tức lăng Vĩnh Diên ở xã Chiêm Sơn. Đền thờ ở bãi Đông An thuộc tỉnh Quảng Nam, trước đặt giám thủ đội trưởng 2 người, dân phu 20 người, tự điền 5 mẫu; đến nay người họ là Công Lễ đem việc tâu lên, mới cho làm đội trưởng, cho suất dân phu 10 người coi giữ ”.
Như vậy theo chính sử thì cụ Đoàn Công Lễ là đội trưởng coi việc trông coi Lăng và nhà thờ. Cụ cũng là người chép cuốn Gia phả Đoàn tộc Đông Yên.
Trong gia phả có ghi:
Trong năm Lê Hồng Đức, có sắc lệnh trưng binh, ông mang vợ con theo phò vua Lê Thánh Tông đi đánh giặc Chiêm Thành, lập công bắt được tướng Chiêm Thành là Trà Toản, sau khi vua đánh giặc đã xong, vua bèn hạ chiếu cho tướng sĩ ban sự hồi trào, còn cụ Đoàn Công Huyền tấu cùng vua Lê xin ở lại tỉnh Quảng Nam, quy dân lập ấp, khai khẩn ruộng đất thành lập xã hiệu lúc bấy giờ gọi là Quảng Nam xứ.
Trong gia phả do cụ Đoàn Công Lễ dịch thuật có ghi: “Mả ông bà Cụ Đoàn Đại Lang đồng tán ở xã Khuông Phụ “
Làng Khuông Phụ xưa có tên là làng Khuông, thuộc tổng Phương Duy, làng nằm sát sông Đĩnh Đào, từ ngã ba sông Trõ đến ngã ba sông Rồng. Sau cách mạng tháng Tám làng thuộc xã Dân Chủ, đến năm 1948 là một làng thuộc xã Yết Kiêu cho đến nay. Làng có 10 dòng họ cùng sống quần tụ đoàn kết bên nhau. Trong đó họ Đoàn chiếm phần lớn trong làng.
Theo văn bia, làng Khuông Phụ có từ thời tiền Lê (thế kỷ thứ XI), trong cổ sử làng đã có các vị tiên hiền như cụ nghè Đoàn Đại Lang, khoá sinh Đoàn Văn Lục, Đoàn Văn Khánh, cụ đồ nho Đoàn Văn Sỡi...
Theo cổng thông tin điện tử huyện Gia Lộc: Tương truyền, xưa kia có nhiều người học hành có tiếng như Nguyễn Trung Ngạn (thường gọi là ông Tứ), Đoàn Đại Lang (thường gọi là ông nghè Lang), ...
Ông Nghè là một tên gọi khá quen thuộc (nhưng mang sắc thái khẩu ngữ) của dân gian ta, chỉ những ai đỗ tới bậc tiến sĩ trước đây.
Đây là học vị cao nhất trong hệ thống thi cử thời phong kiến. Muốn đạt được danh hiệu cao quý này, mọi sĩ tử phải đạt được 3 kỳ thi chính do triều đình nhà nước thời đó quản lý: Thi Hương (thi tuyển lấy tú tài, cử nhân); Thi Hội (thi chọn trong số người đỗ cử nhân để lấy một số người giỏi); Thi Đình (kỳ thi mở ngay tại sân điện rồng của nhà vua cho những người vượt qua kì thi hội).
Như vậy, thi Đình là kỳ thi cuối cùng, long trọng và khó khăn nhất đối với mọi sĩ tử. Từ cuộc thi này, nhà vua sẽ trực tiếp chọn ra những tài năng ưu tú nhất của đất nước. Ai đỗ sẽ được gọi là tiến sĩ (Đầu bảng tiến sĩ được phong danh hiệu Trạng nguyên). Và để tôn vinh công trạng này, các vị tiến sĩ được triều đình sủng ái đặc biệt, như được dự yến tiệc và nhận phẩm phục vua ban. Sau đó, địa phương nơi vị tiến sĩ sinh ra và lớn lên sẽ tổ chức một lễ đón rước rất linh đình, rầm rộ, thường gọi là Lễ đón tiến sĩ vinh quy (bái tổ).
Theo quan niệm của nhiều nơi, nghè mới chính là nơi trú ngụ thường ngày của Thành Hoàng. Chỉ khi nào có đám người ta mới làm lễ rước Thành Hoàng vào đình, xong việc lại rước trở về nghè. Và nếu ở địa phương nào có ai đó đỗ đạt tới bậc tiến sĩ, thì chính các vị tiến sĩ sẽ được vinh dự nhận trọng trách đón rước Thành Hoàng. Các vị tiến sĩ lúc này có sắc phục riêng và tuân thủ theo một nghi thức rất long trọng. Vì vậy, họ được gọi là Ông Nghè, với chức trách đứng tại nghè để thực thi công việc tế lễ. (Phải chăng vì vậy mà dân gian dùng đại từ Ông với hàm ý trang trọng?).
Như vậy cụ quan nghè Đoàn Đại Lang là Quan nghè thì phải được ghi lại trong ở đâu đó trong chính sử?
Khi tìm hiểu về các cụ quan Nghè được nghi trong các tư liệu lịch sử thì Bia số 4 Văn Miếu Quốc tử giám số TT 8 ký hiệu N01316.
VĂN BIA ĐỀ DANH TIẾN SĨ
KHOA BÍNH TUẤT NIÊN HIỆU QUANG THUẬN NĂM THỨ 7 (1466)
Theo tư liệu lịch sử:
Trời giúp hoàng gia, văn minh thịnh trị, trọng dùng hiền tài, thịnh hành khoa mục. Vào năm Bính Tuất niên hiệu Quang Thuận thứ 7 (1466) là năm mở khoa thi Hội, Bộ Lễ tập hợp hơn 1.100 sĩ tử tới kinh đô dự thi đua tài văn chương, chọn được 27 người ưu tú.
Ngày 12 tháng 3, Hoàng thượng ngự điện Kính Thiên, đích thân ra bài thi. Sai Đề điệu là Sùng tiến Nhập nội Hữu Đô đốc kiêm Thái tử Thiếu bảo Lê Cảnh Huy, quyền Thượng thư Chính sự viện kiêm Cẩn Đức điện Đại học sĩ Thái tử tân khách Nguyễn Như Đổ; Giám thí là Hàn lâm viện Đại học sĩ, quyền Ngự sử đài Ngự sử đại phu Trần Bàn cùng trăm quan nghiêm túc chia giữ các việc.
Hôm sau, quan Độc quyển là Hàn lâm viện Thừa chỉ Nguyễn Trực, Hàn lâm viện Thừa chỉ quyền Hữu Thị lang Bộ Hộ kiêm Cẩn Đức điện Đại học sĩ Nhập thị Kinh diên kiêm Tả xuân phường Thái tử Tả dụ đức Nguyễn Cư Đạo, Hàn lâm viện Học sĩ hành Hải tây đạo Tuyên chính sứ ty Tham tri kiêm Bí thư giám Học sĩ Vũ Vĩnh Trinh dâng quyển lên đọc, Hoàng thượng xem xét, định thứ bậc cao thấp. Cho bọn Dương Như Châu 8 người đỗ Tiến sĩ, bọn Nguyễn Nhân Thiếp 19 người đỗ đồng Tiến sĩ.
Ngày 26 làm lễ xướng danh, ban cho ân mệnh. Quan Bộ Lễ rước bảng vàng ra treo ngoài cửa Đông Hoa để tỏ sự vinh quang, lại ban cho áo mũ, yến tiệc. Mồng 3 tháng 3 nhuận, các Tiến sĩ được vinh quy. Triều đình hậu lễ ưu đãi kẻ sĩ, ơn vinh thật rất mực vậy. Nhưng lúc bấy giờ bia đá đề danh vẫn chưa dựng. Đến năm nay là năm Giáp Thìn niên hiệu Hồng Đức năm thứ 15 (1484) mới sai thần là (Đàm) Văn Lễ soạn bài ký khắc vào đá dựng ở cửa nhà Thái học để làm cho thịnh điển được đầy đủ. Thần tự thấy mình là kẻ vụng về nông cạn, sao đủ sức tuyên dương thánh điển! Kính nghĩ Thánh thiên tử ưu đãi nhân tài, vì tư văn thế đạo mà lo nghĩ, rộng mở quy mô mẫu mực cho đời sau. Thần kính vâng lời ngọc, xiết bao cảm kích, rất mực vui mừng, kính cẩn cúi đầu rập đầu làm bài ký.
Trời đất không có dụng tâm mà làm nên cuộc sinh hóa, chính nhờ có bốn mùa giúp công; thánh nhân dụng tâm mà để tự nhiên như chẳng làm, giao phó cho nhân tài giúp trị. Nhân tài đối với quốc gia có quan hệ rất lớn vậy. Cho nên kẻ sĩ phải có dưỡng dục, về sau mới mong nổi bật tiếng tăm. Lại phải lựa chọn bổ dụng, về sau mới khỏi bỏ sót hiền tài ở nơi thôn dã. Xét từ các đời Đường Ngu Tam đại, cho đến mấy đời Hán Đường Tống, các trường học được lập ra thì nhân tài mới có chỗ tác thành. Phép khoa cử có thi hành thì nhân tài mới được trọng dụng. Mặc dầu hiệu quả trị nước hay dở khác nhau, song các đời chưa từng không coi sự thu dụng nhân tài làm việc trước tiên vậy.
Kính nghĩ thánh triều, Thái Tổ Cao hoàng đế định yên đất nước, chăm lo giáo dục anh tài. Thân hành hỏi han rộng khắp tìm kiếm hiền tài; đích thân chiêu vời thi hạch học sĩ. Mặc dầu tên khoa Tiến sĩ chưa đặt, mà khí mạch nền tư văn đã nối liền; há chẳng phải việc gây dựng một thế hệ nhân tài được bắt đầu từ đây ư?
Thái Tông Văn hoàng đế sáng suốt kế thừa tiên đế, chấn chỉnh Nho phong, khuyến khích hiền tài cả nước, kẻ sĩ họp lại như mây, lại xem xét điển chế của tiên vương để đổi mới khoa mục. Bắt đầu từ năm Nhâm Tuất mở khoa thi, hiền tài lọt vào vòng trọng dụng, cổ động chí khí anh hào trong bốn bể, mở mang vận hội văn chương thịnh đạt muôn vạn năm, há chẳng phải gọi là mở đường giúp người sau, không để có chỗ thiếu sót đó chăng?
Nhân Tông hoàng đế giữ gìn nền nếp đã hoàn thành đầy đủ, mọi việc đều theo khuôn nối phép, mở mang khoa cử, khiến cho nền nhân văn càng rạng tỏ thêm.
Kính nghĩ Hoàng thượng là bậc vua bậc thầy của muôn dân, nắm quyền định đoạt, trọng dụng Nho sĩ để tô điểm thái bình. Năm Quý Mùi (1463) là khoa thứ nhất trong buổi Trung hưng, lấy nhân tài nhiều hơn mấy khoa trước. Đó là nhờ liệt thánh đã dày công hun đúc tác thành, nay đã đến ngày hái quả, trồng cây kỷ cây tử để lấy gỗ làm rường làm cột. Nhưng từ năm Nhâm Tuất (1442) đến năm Quý Mùi (1463) hoặc 6 năm thi một lần, hoặc 5 năm đặt một khoa, lòng Hoàng thượng vẫn lo là chưa đủ để chiêu vời kẻ sĩ. Bèn xem đủ sách hội điển các triều, châm chước định ra quy chế 3 năm mở một khoa, lấy từ năm Bính Tuất này (1466) làm khoa đầu. Những người thi đỗ trong khoa này đều tỏ ra xứng đáng. Nay về đường văn học chính trị, bổ nhiệm người chăn dân ở các địa phương, thảy đều từ kỳ thi ấy mà ra. Từ nay về sau pháp độ thành văn càng thêm đầy đủ. Thi Hội có sách đăng khoa đã đủ để biểu dương sự thịnh vượng của đương thời, khắc đá đề danh có bia lại càng thêm đủ để khuyến khích rộng rãi cho đời sau.
Thế thì những người được ghi tên lên tấm đá này phải nên cảm kích ơn vua, trau mài danh tiết để lo đền đáp. Còn các sĩ tử ngước mắt nhìn lên cũng sẽ hăng hái lòng trung nghĩa, trau giồi học hành, đức hạnh để mong có ngày hiển dương đắc dụng. Như thế là để đợi chờ bậc tuấn kiệt theo nhau mà đến, kẻ tài năng chân chính xuất hiện tiếp nhau, văn chương đủ để giúp nước, đạo đức đủ để giúp đời, là để cho vua và dân ta được như vua và dân đời Nghiêu Thuấn, là để cho lễ nhạc nước ta được như lễ nhạc đời Ân, Chu. Nhân tài nước nhà thịnh vượng, hiệu quả chính trị tốt đẹp, càng lâu xa càng lớn lao sáng láng. Thế thì các bậc thánh tổ thần tông xây dựng quy mô, khuyến khích phong hóa chẳng những làm vẻ vang cho một thời, lại còn nêu cao nếp tốt cho muôn thuở. Guồng máy cổ vũ chấn hưng, diệu kế hun đúc xoay chuyển cũng lớn lao cùng với càn khôn, công tạo tác sánh ngang tạo hoá, càng lâu dài càng bền vững, rạng rỡ đời đời, đúng như câu cách ngôn "Cùng trong phạm vi trời đất mà tạo tác muôn vật không bỏ sót", đạo đức cao cả, công nghiệp lớn lao thật rất mực vậy!
Thần kính cẩn làm bài ký.
Bia dựng ngày 15 tháng 8 niên hiệu Hồng Đức thứ 15 (1484).
Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, 8 người:
DƯƠNG CHÂU 楊珠(2)người xã Lạc Thổ huyện Siêu Loại.
BÙI VIẾT LƯƠNG 裴曰良(3)người xã Dũng Tuyền huyện Nam Xương.
QUÁCH HỮU NGHIÊM 郭有嚴(4)người xã Phúc Khê huyện Thanh Lan.
HÀ CÔNG TRÌNH 何公程(5)người xã Tỉnh Thạch huyện Thiên Lộc.
LƯƠNG HỐI 梁誨(6)người xã Hà Lỗ huyện Đông Ngàn.
NGUYỄN ĐÔN PHỤC 阮敦復(7)người xã Tri Lễ huyện Thanh Oai.
ĐOÀN LẠN 段爛 (8)người xã Hồng Lục huyện Gia Lộc (9).
PHẠM THỪA NGHIỆP 范承業(10)người xã Ngọ Kiều huyện Gia Lâm.
Ghi chú:
(8). Đoàn Lạn (?-?) người xã Hồng Lục huyện Trường Tân (nay thuộc xã Tân Hưng huyện Gia Lộc tỉnh Hải Dương). Ông làm quan Thừa tuyên sứ và từng được cử đi sứ sang nhà Minh (Trung Quốc).
(9). Đời Lê sơ chưa có tên huyện Gia Lộc. Huyện này, đời Lý-Trần và đầu đời Lê sơ là huyện Trường Tân thuộc châu Hạ Hồng. Năm Quang Thuận thứ 10 (1469) đời Lê Thánh Tông, khi lập Nam Sách thừa tuyên, huyện Trường Tân đổi tên là huyện Gia Phúc thuộc phủ Hạ Hồng. Đời Tây Sơn, kiêng chữ Phúc (chữ họ Nguyễn Phúc của các chúa Nguyễn), đổi là huyện Gia Lộc. Tên huyện từ đó không thay đổi. Nay là huyện Gia Lộc tỉnh Hải Dương.
Như vậy trong Bia ghi cụ Đoàn Lạn là người xã Hồng Lục là ghi thởi điểm sau này. Tại thời điểm năm 1469 là huyện Gia Phúc thuộc phủ Hạ Hồng.
Khi tra phiên âm chữ quốc ngữ thì chữ ĐOÀN LẠN 段爛 và ĐOÀN NHẤT LANG 段 一郎được tra cứu như sau:
Theo cách suy diễn thì cụ Quan nghè ĐOÀN ĐẠI LANG là cụ ĐOÀN LẠN. vì không thể có 2 cụ quan nghè cùng một địa điểm được ghi trong sử được.
Cụ Đoàn Lạn đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân vậy trong chính sử những tư liệu nào ghi lại?
Khi nghiên cứu chính sử chép tại. Đại Việt Sử ký toán thư” có ghi:
“Bính Tuất, [Quang Thuận] năm thứ 7 [1466], (Minh Thành Hóa năm thứ 2).
Tổ chức thi hội cho các thí sinh trong cả nước. Lấy đỗ 27 người.
Tháng 3, ngày 12, vua ngự ra điện Kính Thiên, thân hành ra đề bài văn sách hỏi các đế vương trị thiên hạ.
Sai Sùng tiến nhập nội tả đô đốc kiêm thái tử thiếu bảo Lê Cảnh Huy và quyền Chính sự viện thượng thư kiêm Cẩn Đức điện đại học sĩ thái tử tân khách Nguyễn Như Đổ làm đề điệu, Hàn Lâm viện đại học sĩ quyền ngự sử đài đô ngự sử đại phu Trần Bàn làm giám thí. Hàn lâm viện thừa chỉ Nguyễn Trực, Hàn lâm viện thừa chỉ quyền Hộ bộ hữu thị lang kiêm Cẩn Đức điện đại học sĩ nhập thị kinh diên tả xuân phường thái tử tả dụ đức Nguyễn Cư Đạo, Hàn lâm viện học sĩ hành Hải Tây đạo Tuyên chính sứ ty tham tri kiêm bí thư giám học sĩ Vũ Vĩnh Trinh làm độc quyển.
Lấy bọn Dương Như Châu 8 người đỗ tiến sĩ; bọn Nguyễn Nhân Thiếp 19 người đỗ đồng tiến sĩ. Quy chế 3 năm một lần thi hội là bắt đầu từ khoa này.
Ngày 26, xướng danh bọn tiến sĩ Dương Như Châu. Vua ban ân mệnh. Lễ bộ đem bảng vàng yết ở ngoài cửa Đông Hoa.
Tập thủy trận ở Giao Thủy.
Tháng 3 nhuận, ngày mùng 3, ban cho bọn tiến sĩ Dương Như Châu vinh quy.”
“Đinh Hợi, [Quang Thuận] năm thứ 8 [1467], (Minh Thành Hóa năm thứ 3).
Tháng 12, ngày Giáp Ngọ, làm lễ tế mùa đông, vua xưng là "hiếu tôn đức hoàng". Danh hiệu"Quốc hoàng" có từ đây.
Lấy bọn Quốc tử giám thụ Nguyễn Nhân Tùy, Huyện thừa Đinh Bô Cương, Giám bạ Đào Nhân Tùy, Tri huyện Lê Bá Tu, Minh hình tri viên ngoại lang Đào Lang Chủng làm giám sát ngự sử các xứ Hải Tây, Hải Đông, Hải Bắc, Hải Nam.”
Như vậy theo chính sử thì 8 người đỗ Tiến sĩ được ghi nhận. Tuy nhiên ở đây sử lại ghi là Đào Lang.
Có 2 câu hỏi cần xem đó là:
1. Tại sao bọn Quốc Tử giám Đào Lang không phải ghi là Đoàn Lạn hay Đoàn Lang? Đây là một câu hỏi cũng cần phải suy nghĩ và tìm hiểu.
2. Và xứ Hải Tây là vùng nào?
Theo Khâm Định Việt sử:
Thuận Hóa: Đời Hùng Vương xưa, Thuận Hóa là nước Việt Thường; nhà Tần, thuộc Tượng quận; nhà Hán, là quận Nhật Nam; nhà Tấn, là nước Lâm Ấp; nhà Tùy năm Đại Nghiệp nguyên niên đổi đặt là quận Tị Ảnh; cuối đời nhà tùy lại mất về Lâm Ấp; nhà Đường, khoảng niên hiệu Trinh Quán vỗ yên được Lâm Ấp, lại đặt làm Nam Ảnh châu; nhà Tống là Chiêm Thành, những đất Địa Lý, Ma Linh, Bố Chính, Ô Châu và Lý Châu đều thuộc vào địa bàn này.
Lý Thái Tông thân đi đánh Chiêm Thành, chúa Chiêm Thành dâng 3 châu; Địa Lý, Ma Linh và Bố Chính; Lý Nhân Tông đổi Địa Lý làm châu Lâm Bình, Ma Linh làm châu Minh Linh, Bố Chính làm châu Bố chính; Trần Anh Tông năm Hưng Long thứ 15 đem 2 châu Ô và Lý đặt làm Thuận Châu và Hóa Châu.
Duệ Tông năm Long Khánh thứ đổi Lâm Bình làm Tân Bình; thuộc Minh chia đặt làm 2 phủ: Tân Bình và Thuận Hóa; hồi đầu triều Lê đổi làm 2 lộ: Tân Bình và Thuận Hóa, thuộc đạo Hải Tây; năm Quang Thuận thứ 7 đặt làm Thuận Hóa thừa tuyên; năm Hồng Đức thứ 21 đổi làm xứ quản lĩnh 2 phủ: Tân Bình và Thiệu Phong; khoảng giữa niên hiệu Hồng Thuận gọi là trấn; bản triều, Thái tổ Gia dụ hoàng đế trấn trị phương nam, dựng đô thành ở Thuận Châu, Hi Tông hiếu văn hoàng đế đem đất Nam Bố Chính đặt Bố Chính doanh, lấy sông Gianh làm giới mốc, còn Bắc Bố Chính thuộc về Nghệ An; năm Cảnh Hưng thứ 47 quân nhà Trịnh vào xâm lấn, đặt làm xứ Thuận Hóa; năm Gia Long nguyên niên chia đặt 3 doanh "trực lệ" là: Quảng Bình, Quảng Trị và Quảng Đức; năm Minh Mệnh thứ 2 đổi doanh Quảng Đức làm phủ
Thừa Thiên; năm thứ 8 đổi doanh Quảng Trị làm trấn Quảng Trị, doanh Quảng Bình làm trấn Quảng Bình, đều bớt bỏ 2 chữ "trực lệ", năm thứ 12 đổi trấn Quảng Trị làm tỉnh Quảng Trị, trấn Quảng Bình làm tỉnh Quảng Bình; năm Tự Đức thứ 6 đổi tỉnh Quảng Bình làm đạo, hợp vào phủ Thừa Thiên; năm thứ 29 lại đặt tỉnh Quảng Trị như cũ.
Như vậy Tân Bình và Thuận Hóa, thuộc đạo Hải Tây
Vậy câu hỏi tại sao là sử ghi là Đào Lang mà không phải Đoàn Lạn??
Theo sử họ Đoàn được ghi trong một số gia phả:
Tổ Đoàn Thượng với thứ thất phu nhân Phạm Thị Đoan người làng Gia Viên. Bà sinh ra Đoàn Văn, Đoàn Thị Châu.
Tướng Đoàn Văn giữ chức Đô thống trấn thủ đảo Vân Đồn còn gọi là Đảo Quan (nay là huyện Vân Đồn, Quảng Ninh). Sau khi Hồng Châu thất thủ, Đoàn Văn chạy lánh nạn vào Núi Ngọc, ái Châu làng Đồng Đội, huyện Ngọc Sơn, phủ Tĩnh Gia, Thanh hóa (nay là xã Tân Dân, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hoá) xây đền thờ cha mẹ ở chân núi Ngọc (bị giặc Minh phá làm đồn binh chống dân ta và nghĩa quân Lê Lợi. Đoàn Văn sinh ra Đoàn Trang Tùng và Đoàn Cao Sơn. Đô thống Đoàn Văn được dân làng Đinh Xá, tổng Văn Mỹ, huyện Bình Lục, Hà Nam thờ cùng với cha là Đông Hải Đại Vương Đoàn Thượng tại đình làm thần Thành Hoàng.
Con trưởng Đoàn Văn là Đoàn Trang Tùng chuyển cư về gần cựu quán ở làng Hội Xuyên, huyện Trường Tân, lộ Hồng Châu (nay là thôn An Tân, xã Gia Tân, huyện Gia Lộc, Hải Dương), trông nom phần mộ và phát triển dòng họ ở vùng này. Hội xuyên về sau chia thành 3 làng Hội Xuyên An Xuyên và Gia Xuyên. Lúc mới về Hội Xuyên thì Trang Tùng ẩn tính Đào (họ Đào) vì e nhà Trần trả thù, sau thấy ổn nên đã công khai danh tính đổi lại họ Đoàn. (Thời điểm sau này sang họ Đào như thế nào? cũng là một giả thuyết cần suy luận).
Cụ là con của Đoàn Văn, ở lại Thanh Hóa, con cháu phát triển nhanh lập thành làng Đồng Đội. Hồi ấy có viên quan Hoạn gốc Trà phương huyện Vĩnh Bảo dậy nghề trồng thuốc lào làm hàng hóa, nên làng rất trù phú.
Cụ Đoàn Cao Sơn lập làng Đồng Đội, truyền bá nghề trồng cây thuốc làm hàng hoá nên làng rất trù phú. Đầu thế kỷ 15 rất đông hậu duệ của Đoàn Cao Sơn bị giặc Trường Phụ (giặc Minh) đuổi để chúng chiếm vùng đất chân núi Ngọc lập khu đồn trại khống chế nghĩa quân Lê Lợi ở Lam Sơn. Nên người họ Đoàn phải chạy loạn đến vùng đất phía bắc cách làng Đồng Đội 10 cây số, lập làng Thượng Đình, Quảng Xương (Thanh Hoá) và tham gia nghĩa quân Lam Sơn.
Tổ Đoàn Thượng với chính thất phu nhân Lý thị sinh ra Đoàn Hưng Nhượng.
Cụ sinh năm 1194 (Giáp dần) tại Thung Độ xã Gia Phúc Huyện Trường Tân.
Cụ liên hệ với các tộc trưởng miền núi, nhất là đạo chúa Thao ở huyện Kim Bôi.
Cụ Đoàn Hưng Nhượng hướng dẫn các nghĩa sĩ tập trận, sử dụng thành thạo thuyền nan 3 thang, mỗi gia đình có một con thuyền đi lại trong khi lụt lội, vừa sử dụng trong chiến trận.
Vào tháng 3 âm lịch năm 1223 (Quý Mùi), nước từ thượng nguồn đổ về, một đoàn thuyền của Hoàng tộc nhà Lý đi lễ phật chùa Hương đã bị quân họ Trần lặn xuống đục đáy làm thuyền chìm. Trong sự hoảng loạn, thuyền của cụ Đoàn Hưng Nhượng xông ra cứu trợ. Trần Thủ Độ lặn mình xuống nước thoát chết, Hoàng than Quốc Thích nhà Lý không người nào sống sót.
Đánh nhau với Trần Thủ Độ ở đầm Trằm Lông cách Ngọc Trục ba cây số, Ngài bị tử thương có đền ở Ngọc Trục và Trằm Lộng, tổng Đông Lồ, ứng Hòa, Hà Tây (Hà Nội), các triều đại đều có sắc phong thượng đẳng thần.
Có ngọc phả Thần tích đầy đủ chi tiết còn lưu giữ ở nơi thờ và chép trong sách “Đức Thánh Đông Hải Đại Vương Đoàn Thượng “
Sau khi cụ Đoàn Thượng bị nhà Trần đánh bại và hy sinh. Vợ Con cụ Đoàn Hưng Nhượng cùng tùy tùng chạy vào phía nam đến Châu ái Núi Ngọc khai hoang lập ấp và đổi sang họ Đào.
Khi nhà Hồ mất nước, đất nước thuộc nhà Minh. Trương Phụ đuổi dân làng Đồng cội lấy nơi xây đồn ải tại chân núi Ngọc. con cháu họ Đoàn phải đi ra phía Bắc lập thành làng Thượng Đình phủ Quảng Xương, Thanh Hóa (khoảng năm 1400) Đến nay chưa rõ hậu duệ của tướng Đoàn Hưng Nhượng.
Như vậy trong lịch sử của dòng họ Đoàn đã đổi sang họ Đào. tuy nhiên thời điểm nào đổi lại và đổi lại như thế nào chúng ta cũng cần tìm hiểu thêm tài liệu.
Theo chính sử ghi chép thì:
“Đinh Hợi, [Quang Thuận] năm thứ 8 [1467], (Minh Thành Hóa năm thứ 3).
Tháng 5, ngày mồng 1, Lễ bộ thượng thư Phạm Công Nghị tâu rằng:
"Đời xưa khi dựng nước, nhân tên nước mà đặt tên họ (tính), nhân chia đất mà ban tên họ (thị). Như ông Tiết khi được phong ở đất Thương, được ban họ Tử (Tử thị), ông Tắc khi được phong ở đất Thai, được ban họ, để lập tông phái. Từ đó về sau, các đời đều có tên họ, như Ngu Thuấn là họ Diêu (Diêu tính), Hạ Vũ họ Tự (Tự tính), Chu Văn họ Cơ (Cơ tính); mà Cửu khanh, Tam công, Ngũ thần, Thập loạn đều có công lao với nước, nhưng chưa từng thấy ai được ban họ (nhà vua) cả. Đến Hán Cao Tổ cho là Lâu Kính có công dâng kế sách dựng đô thành bèn ban cho họ Lưu, Đường Cao Tổ khen Thế Tích có khí tiết bề tôi trong sạch nên ban cho họ Lý. Đó đều là phương sách chế ngự hào kiệt mà thôi. Nhưng nguồn vừa khơi ra mà dòng đã thành vẩn đục. Người làm tôi thì cũng cho thế là vinh hạnh, mà không hiểu rằng họ hàng phải có phả hệ, tuyệt đối không thể lẫn lộn được. Cái sai của việc ban tên họ có quan hệ rất lớn. Vì người làm tôi mà cùng họ với vua thì bất kính, người làm con mà quên mất gốc thì bất hiếu. Làm sao có kẻ bất kính bất hiếu mà làm nên việc được? Nên sửa bỏ lệ ấy đi. Tất cả bề tôi đã được ban cho họ nhà vua đều cho đổi lại theo họ cũ của ông cha để cho tông phái nhà vua được phân minh, cội gốc các họ được rõ ràng.
Vua y theo.
Có lẽ sau giai đoạn này một thời gian họ ta mới đổi lại họ Đào thành họ Đoàn.
“Tháng 12, ngày Giáp Ngọ, làm lễ tế mùa đông, vua xưng là "hiếu tôn đức hoàng". Danh hiệu"Quốc hoàng" có từ đây. Lấy bọn Quốc tử giám thụ Nguyễn Nhân Tùy, Huyện thừa Đinh Bô Cương, Giám bạ Đào Nhân Tùy, Tri huyện Lê Bá Tu, Minh hình tri viên ngoại lang Đào Lang Chủng làm giám sát ngự sử các xứ Hải Tây, Hải Đông, Hải Bắc, Hải Nam.”
“Tân Mão, [Hồng Đức] năm thứ 2 [1471], (Minh thành Hóa năm thứ 7). Mùa xuân, tháng giêng, ngày mồng 2, vua cho là khi đại quân sắp vào đất giặc, quân lính càng cần phải luyện tập. Do đó, xuống chiếu cho quân Thuận Hóa ra biển tập thủy chiến.
Ngày mồng 1 tháng 3 hạ được thành Chà Bàn, bắt sống hơn 3 vạn người, chém hơn 4 vạn thủ cấp, bắt sống Trà Toàn rồi đem quân về.
Thổ quan châu Thuận Bình là bọn Đạo Nhị tới chầu.
Bấy giờ đại giá về tới Thuận Hóa, tri châu là Đạo Nhị và em là Đạo Đồng cùng hơn 100 bộ đảng đem 5 con voi đến cống.
Tri châu động Du Phác là Đạo Lự cũng đem ngà voi và thổ sản đến cống.
Tháng 6, lấy đất Chiêm thành đặt làm thừa tuyên Quảng nam và vệ Thăng Hoa. Đặc chức Án sát sứ ở 12 thừa tuyên và đặt 3 ty ở Quảng Nam.
Định phạm vi cai quản của cai đạo giám sát ngự sử thuộc ngự sử đài: Như Thanh Hóa, Nghệ An đạo giám sát ngự sử thì kiêm coi các ty của vể Cẩm y: Lực Sĩ, Canh Ban, Xá Nhân; ty Ngũ thành binh mã, ty nghi vệ, Cảm y vệ phó trung quân phủ, và quân dân ba ty các xứ Thanh hóa, Nghệ An, Hải Dương, Yên Bang đạo giám sát ngự sử kiêm coi ty Thần tỷ, vệ Tráng sĩ, vệ Kim ngô, phó quân Thần sách tứ vệ. Đông quân phủ, quân dân ba ty cá xứ Hải Dương, yên Bang, Sơn Nam, Thuận Hóa, Quảng Nam đạo giám ngự sử kiêm coi sáu vệ ty Điện triều, Nam quân phủ, quân dân ba ty cá xứ Sơn Nam, Thuận Hóa, Quảng Nam. Tam Giang Hưng Hóa đạo giám sát ngự sử kiêm coi bốn vệ Hiệu lực, bốn vệ Thần tượng, bốn vệ Mã nhà, Tây quân phủ, quân dân ba ty các xứ Tam Giang, Hưng Hóa. Kinh Bắc, Lạng Sơn đạo giám sát ngự sử kiêm coi giám Thượng Y và Ngự Dụng, các thợ của Công Bộ, cục Tuyên đạt, cục Ứng sự; các sở, ty Đồn điền, Tàm tang, Tinh mễ, Chủng thái, Điền mục, Bắc quân phủ, quân dân ba ty các xứ Kinh Bắc, Lạng Sơn.”
Trong các tài liệu sử có hai điểm ta cần lưu ý đó là:
Đội quân Thuận Hóa là đội quân nào?
Bấy giờ đại giá về tới Thuận Hóa, tri châu là Đạo Nhị và em là Đạo Đồng, Tri châu động Du Phác là Đạo Lự và là ai?
Theo gia phả Tộc Đoàn Đông Yên do ông Đoàn Công Lễ dịch thuật vào năm Cảnh Hưng (1760) và do ông Đoàn Công Dung phục sao chữ hán và dịch âm tiếng việt thì cổ bổn của Đoàn Tộc ông Thái Thỉ Tổ ĐOÀN ĐẠI LANG tự là An Phận, cùng bà Nhứt nương hiệu An Tâm. Nguyên quán xã Khuôn Phụ, Huyện Gia Phước, Phủ thừa tuyên Hạ Hồng, tỉnh Hải Dương.
Trong năm Lê Hồng Đức, có sắc lệnh trưng binh, ông mang vợ con theo phò vua Lê Thánh Tông đi đánh giặc Chiêm Thành, lập công bắt được tướng Chiêm Thành là Trà Toản, sau khi vua đánh giặc đã xong, vua bèn hạ chiếu cho tướng sĩ ban sự hồi trào, còn cụ Đoàn Công Huyền tấu cùng vua Lê xin ở lại tỉnh Quảng Nam, quy dân lập ấp, khai khẩn ruộng đất thành lập xã hiệu lúc bấy giờ gọi là Quảng Nam xứ .
Sách Toàn thư ghi: “Tháng 8 (Canh Dần 1470) quốc vương Chiêm Thành Bàn La Trà Toàn thân hành đem hơn 10 vạn quân thủy bộ cùng voi ngựa đánh úp Châu Hóa. Tướng trấn giữ biên thùy Châu Hóa là bọn Phạm Văn Hiển đánh không nổi, phải dồn cả dân vào thành rồi cho chạy thư báo cấp... Ngày mồng 6 (tháng 11) vua xuống chiếu thân hành đi đánh Chiêm Thành... Vua bèn gọi 26 vạn tinh binh, xuống chiếu thân chinh... Hôm ấy, sai Thái Sư Lân quận công Chinh lỗ tướng quân Đinh Liệt Thái bảo Kỳ quận công Chinh lô tướng quân Lê Niệm đem thủy quân 3 phủ vệ Đông, Nam, Bắc đi trước. Ban hành 24 điều lệnh đánh Chiêm Thành trao cho các quân doanh và các vệ ty Cẩm Y, Kim Ngô, Thần Vũ, Điện Tiền... Ngày 18 thủy quân vào đến đất Chiêm Thành... Ngày mồng 7 (tháng 2) vua tự mình dẫn hơn 1.000 chiếc thuyền, hơn 70 vạn tinh binh ra 2 cửa biển Tân áp và cựu Tọa dựng cờ thiên tử, đánh trống hò reo mà tiến... Ngày mồng 1 tháng 3 hạ được thành Chà Bàn, bắt sống hơn 3 vạn người, chém hơn 4 vạn thủ cấp, bắt sống Trà Toàn rồi đem quân về... Tháng 6, lấy đất Chiêm Thành đặt làm Thừa tuyên Quảng Nam và vệ Thăng Hoa. Đặt chức án sát sứ ở 12 thừa tuyên và đặt 3 ty ở Quảng Nam.
Quân Thuận Hóa bắt sống được Trà Toàn dẫn đến trước mặt vua. Trà Toàn cúi đầu quỳ xuống.
Vua hỏi qua người phiên dịch rằng:
“Ngươi là chúa nước Chiêm phải không? “.
Toàn trả lời: “Vâng “.
Vua hỏi: “Có biết ta là vua không? “.
Toàn trả lời: “Tôi nhìn thấy phong thái, đã biết là thánh thượng rồi “.
Vua hỏi: “Ngươi có mấy con rồi “.
Trả lời: “Tôi có hơn 10 đứa con “.
Đỗ Hoàn nói: “Hắn đã kêu van xin làm thần tử, xin bệ hạ tha cho khỏi chết “.
Vua nói với Toàn:
Trong đám gươm giáo, ta sợ ngươi bị hại, nay may mà còn sống đến đây, ta thực yên lòng “.
Bèn sai đưa Trà Toàn ra ngoài ty Trấn điện làm nhà nhỏ cho ở đấy. Các quan dẫn Toàn ra hơi gấp. Vua bảo:
“Đưa đi thong thả thôi, người ta là vua của một nước, sao lại bức nhau đến như vậy? “.
Ngày mồng 2 tháng 3, vua thấy đã phá được thành Chà Bàn, liền xuống chiếu đem quân về.
Tháng 6, Đặt đạo Quảng Nam. Nhà vua đem đất Chiêm Thành đặt làm Quảng Nam thừa tuyên, quản lĩnh 3 phủ, 9 huyện, đặt 3 ty: Đô ty, Thừa ty, và Hiến ty và đặt vệ quân Thanh Hóa gồm 5 cơ sở.
Sau chiến thắng, Lê Thánh Tông thực hiện chính sách mới, bình định và Việt hóa dân chúng người Chăm và sát nhập lãnh thổ miền bắc Chiêm Thành (từ đèo Hải Vân tới bắc Phú Yên ngày nay) vào Đại Việt. Tháng 6 năm 1471, lãnh thổ miền bắc Chăm Pa được lập thành thừa tuyên Quảng Nam và vệ Thăng Hoa.
Theo suy luận cụ Đoàn Đại Lang theo gia phả họ Đoàn Đông Yên liệu có phải là một trong trong 3 anh em Đạo Nhị và em là Đạo Đồng, Tri châu động Du Phác là Đạo Lự hay không??
Cũng theo suy luận cụ Đoàn Đại Lang theo gia phả họ Đoàn Đông Yên phải là cụ Đoàn Lạn đỗ tiến sĩ và là cụ Đào Lang Chủng làm giám sát ngự sử các xứ Hải Tây? (Tân Bình và Thuận Hóa, thuộc đạo Hải Tây). Như vậy cụ mới trong quân Thuận Hoá được.
Theo gia họ Đoàn Quảng Bình Quảng Trạch thì làng Tiên năm 1470 có ba anh em Tam quan họ Đoàn thấy long mạch nơi này rất đẹp sơn thủy hữu tình, nơi giao thủy của ba dòng nước hội tụ, bèn về đây lập làng.
Ông Nghi Trung Bá. Quản Giáp bình Nam tướng quân, giao cho Trấn thủ châu Bố Chính.
Ông An Toàn Bá, Thượng tướng Phủ Tân (Tiên) Bình, Thuận Hóa.
Ông Dung Thành Bá. Phủ Tâm (Tiên) Bình Thuận Hóa
Trong gia phả có các câu đối câu:
THẬP BÁT QUẬN CÔNG TAM QUAN TƯỚNG
BÁCH NHÂN TIẾN SỶ NHỊ TRẠNG NGUYÊN.
“Nhất phiến cô trung thiên địa bạch
Lưỡng giang chính khí nhạc hà lưu “.
“Kiến mộc thiên chí quy nhất bổn
Trường Giang vạn phái tổng đồng nguyên”.
“Đại địa xuất Quan công, PHỤ danh tướng triều lê, TỬ danh tướng triều Lê
Bố châu thừa hiệp trấn, thượng linh giang lập địa, hạ linh giang lập địa.”
“Bút lĩnh linh giang trường tồn vạn đại
Đoàn gia lĩnh tộc thịnh vượng ức niên. “
Và câu đối:
“Sinh thời oanh liệt tam quan tướng
Tử hậu Anh linh vạn cổ thần”.
Và họ Đoàn là họ nhà Võ, thường múa võ khi tế lễ. Họ Đoàn nói đó là Thần bí đạo gia truyền.
Cả ba ông từ làng Thổ hào Thanh Chương Nghệ An. Phò vua Lê Thánh Tông vào đánh giặc Chiêm Thành năm Hồng Đức Canh Dần 1470.
Xem xét cài tài liệu sử và gia phả chúng ta thấy khớp thông tin ở một số chi tiết như: về thời gian, về sự kiện, về số lượng quan tam tướng, chỉ có tên chưa được khớp.
Khi tra phiên âm chữ quốc ngữ thì chữ ĐOÀN LẠN 段爛 và ĐOÀN NHẤT LANG 段 一郎 chúng ta đã nhận thấy chữ Lan -Chữ Lan 爛, Chữ Đông 東, Chữ Môn 門
Trong câu đố chữ ngày xưa sưu tầm được có câu:
Cô Lan mà đứng cửa đông
Đố ai đối được làm chồng cô Lan
-Chữ Lan 爛, Chữ Đông 東, Chữ Môn 門
Nên giải thích đây là loại câu đố “vừa đố vừa giảng”. Lời giải (chữ Lan) được nói tới 2 lần, ở đầu dòng 1 và cuối dòng 2, và được cấu tạo với chữ “đông” nằm trong chữ “môn” (cửa). Thực ra đây là một lối viết sai. Trong cách viết chính qui, phải thay chữ “đông” bằng chữ “giản”. Nhưng dù sao phải nhận rằng việc viết chữ Lan có chữ Đông (không phải chữ Giản) trong chữ Môn khá phổ biến, coi như được mặc nhiên công nhận. Theo sách Lịch triều Đăng Khoa lục q.1 tr. 14a ghi Đoàn Lạn hoàng giáp khoa, 2 chữ Lan và Lạn đều viết với chữ Đông bên trong chữ Môn.
Có lẽ nào cụ Đoàn Lạn hay Đào Lang là Đạo Đồng? vì Đạo Nhị, Đạo Đồng, Đạo Lư: Đều là danh hiệu thổ tú.
Và trong vùng Nghệ An trong chữ Đào và Đạo có lẽ là một.
Theo gia phả Tộc Đoàn Đông Yên do ông Đoàn Công Lễ dịch thuật vào năm Cảnh Hưng (1760) và do ông Đoàn Công Dung phục sao chữ hán và dịch âm tiếng việt thì cổ bổn của Đoàn Tộc ông Thái Thỉ Tổ ĐOÀN ĐẠI LANG tự là An Phận, cùng bà Nhứt nương hiệu An Tâm. Nguyên quán xã Khuôn Phụ, Huyện Gia Phước, Phủ thừa tuyên Hạ Hồng, tỉnh Hải Dương.
Như vậy cụ Đoàn Đại Lang tự An phận có phải là ông An Toàn Bá hay không?
Do bia tiến sĩ được dựng ngày 15 tháng 8 niên hiệu Hồng Đức thứ 15 (năm 1484) nên đã ghi cụ ĐOÀN LẠN là người xã Hồng Lục huyện Gia Lộc. Đời Lê sơ chưa có tên huyện Gia Lộc. Huyện này, đời Lý-Trần và đầu đời Lê sơ là huyện Trường Tân thuộc châu Hạ Hồng. Năm Quang Thuận thứ 10 (1469) đời Lê Thánh Tông, khi lập Nam Sách thừa tuyên, huyện Trường Tân đổi tên là huyện Gia Phúc thuộc phủ Hạ Hồng. Nên cụ ĐÀO LANG trong chính sử đã có lẽ được ghi đúng lại là cụ ĐOÀN LẠN (ĐOÀN LANG) và quê là huyện Gia Phúc thuộc phủ Hạ Hồng.
Như vậy sự sai lệch trong văn bia với gia phả gốc là do thời điểm dựng bia cách đó 18 năm (1466 đến 1484).
Trong ghi chép sử của họ Đoàn có một chỗ chưa khớp như là:
“Hậu duệ của danh thần Đoàn Nhữ Hài có Đoàn Đại Lang từ Khuôn phụ huyện Gia Phúc (Gia Lộc, Hải Dương) tòng quân theo vua Lê Thánh Tông đi đánh dẹp Chiêm Thành lập công bắt Trà Toàn, khải hoàn hồi triều. Đoàn Đại Lang xin được ở lại đất Ba Châu (Duy Xuyên, Quảng Nam) khai hoang lập nghiệp sinh dòng họ Hậu Duệ có Đoàn Công Huyền “.
Ở đây các cụ khi xưa khi chép gia phả chỉ căn cứ vào cụ Đoàn Đại Lang trước khi vào đánh Chiêm thành thì đã làm quan ở Thuận hóa đóng quân ở Bố Chính .... “Bắc Bố chính thuộc về Nghệ An” nên mới có khi suy diễn cụ Đoàn Đại Lang là hậu duệ của cụ Đoàn Nhữ Hài.
Theo Đại Việt sử ký tiền biên trang 413 NXB KHXH Hà Nội 1867 ghi:
Thấy Nghệ An là một vùng đất có vị trí chiến lược quan trọng, giáp biên giới Chiêm Thành, thường bị quân Chiêm dòm ngó, quấy nhiễu. Vua Trần giao cho Đoàn Nhữ Hài quản lĩnh 2 hiệu quân Thần Sách, Thần Vũ kiêm Kinh lược sứ Nghệ An. Lĩnh mệnh nhà Trần, Đoàn Nhữ Hài dẫn quân đóng tại mảnh đất “Nguyệt Tiên – Thanh Chương Nghệ An bây giờ “. Trong thời gian thực hiện nhiệm vụ Kinh lược đại sứ Nghệ An, Đoàn Nhữ Hài thấy mảnh đất mà mình đang đóng quân là một vùng đất có vị trí đẹp, thuận lợi cho việc xây dựng vị trí chiến lược.... nên ông đem gia nô, con cháu vào định cư khai khẩn lập làng trên mảnh đất “Nguyệt Tiên “này.
Hay trong một số gia phả có ghi:
Đoàn Lạn người làng Tây Liễu (Bá Liễu) nay là thôn Bá Liễu, Lục Hồng, phường Hải Tân, thành phố Hải Dương, dự khoa thi Đình Nguyên năm Bính Thân 1466, niên hiệu Hồng Đức thứ 7, đời vua Lê Thánh Tông, đỗ Đệ nhị giáp Tiến sỹ xuất thân (Hoàng Giáp). Ông làm quan đến chức Thừa tuyên sứ và được cử đi sứ sang nhà Minh (Trung Quốc). Sau khi về nước thì Đoàn Lạn đã làm sớ tâu lên triều đình xin gia phong cho cụ Đoàn Nghĩa Ảm vì chiến công đánh giặc bảo vệ biên cương Đại Việt. Vua Lê Thánh Tông đã gia phong tặng mỹ tự cho cụ Đoàn Nghĩa Ảm là Hiển ứng linh phù, trung đẳng phúc thần Đại Vương, giao cho bản xã, địa phương phụng thờ như cũ. Hoàng Giáp Đoàn Lạn có tài ngôn thuyết đời được nhà Minh (Trung Quốc) phải trả vùng đất Lê Hoa về nước Đại Việt thành công. Khi Ngụy Mạc Đăng Dung tự trói lên biên giới quỳ lạy dâng vùng đất Lê Hoa cho nhà Minh năm Mậu Tuất. Từ đó nhà Minh xóa tên Lê Hoa của Đại Việt, lập huyện Mông Tự nhập vào Trung Quốc.
Dân làng thôn Bá Liễu, Lục Hồng, phường Hải Tân, thành phố Hải Dương lập đền thờ hoàng làng thờ cụ Đoàn Nghĩa Ảm có công với nước với dân giúp vua Lý Nhân Tông đánh giặc Tống vào thế kỷ thứ XI và thờ ngài tiến sĩ nho học thời nhà Lê 1466 (Hai vị thờ tại Đình làng đều là người họ Đoàn, người gốc làng Bá Liễu).
Ở đây có một chi tiết là cụ Đoàn Lạn sinh ra ở thôn Bá Liễu, Lục Hồng, phường Hải Tân. Như vậy nơi cụ quan nghè Đoàn Đại Lang sinh ra tại thôn Bá Liễu nhưng mộ tán tại làng Xã Khuông Phụ, Gia Lộc Hải Dương.
Hoàng Giáp Đoàn Lạn có tên trong bia văn miếu ký hiệu N01316 và trong các sách Liệt huyện đăng khoa V36a; Lịch triều đăng khoa I.14a; Lịch đại đăng khoa 10b; Đại Việt lịch đại Tiến sỹ khoa thực lục 15a.
Như vậy chỉ căn cứ vào lược sử hai cụ cùng một làng mà cho là cụ Đoàn Lạn là hậu duệ của cụ Đoàn Nghĩa Ảm thì gây khó cho việc chứng minh sau này.
Vậy cụ Đoàn Đại Lang quê quán xã Khuôn Phụ, Huyện Gia Phước, Phủ thừa tuyên Hạ Hồng, tỉnh Hải Dương là hậu duệ của cụ nào?
Đã từ lâu con cháu tộc Đoàn Đông yên vẫn đi tìm nguồn gốc của dòng họ. Tuy là biết mộ ông bà Đoàn Đại Lang đồng tán ở Khuông Phụ và họ Đoàn trên cả nước đa số từ Gia Lộc Hải Dương đi các miền đất nước. Song biết chính xác mối liên hệ thế nào thì cũng chỉ dựa vào những thông tin thu lượm và tìm kiếm sau này.
Khi tìm hiểu về làng Khuông Phụ thì tại đây đa số là họ Đoàn. Đình làng xưa thuộc về họ Đoàn. Tại đây vẫn còn bảo vật là bát hương cổ.
Họ Đoàn Văn tại làng Khuông Phụ vẫn giữ được bát hương cổ của họ Đoàn, trên bát hương có khắc hai chữ ĐẠI VƯƠNG. Theo lời kể của những người họ Đoàn tại làng thì có niên đại khoảng 700 đến 800 năm.
Đây là bằng chứng để chứng minh họ Đoàn Văn tại đây là con cháu của cụ Đoàn Thượng.
Đến năm 1990 cụ Đoàn Chương cháu đời thứ 14 từ cụ Đoàn Đại Lang đã tìm được văn bản bằng chữ nho có liên quan đến dòng họ Đoàn Đông Yên.
Trong nội dung văn bản là vụ sử kiện đất đai giữa họ Đoàn, Họ Võ và họ Đặng. Các họ phải trình văn bản để chứng minh nguồn gốc đất đai tranh chấp sau thời Mạc triều. Trong đó Họ Đoàn xuất trình gia phả năm Cảnh Thống Lê Hiến Tông (1497): Năm Hồng Đức Lê Thánh Tôn trưng binh Đoàn Nhất Lang cùng Huyền Đoàn thê tử tùng quân chinh chiêm chủ chấp Trà Toàn có công lưu cữ Quảng Nam lập thành Đông Yên Châu con cháu cụ Đoàn Nhất Lang chi nhánh Đoàn mãi Công thập cửu thế (19 đời).
Xem xét lại gia phả họ Đoàn thì: Cụ Đoàn Trang Tùng sinh ra cụ Đoàn Nhất Lang, Đoàn Nhị Lang, Đoàn Tam Lang. Trong tam kiệt nổi bật là Đoàn Tam Lang tên huý là Đoàn Thiện Hưng (Đoàn Phúc Hưng), chức cai hương thiên hộ. Thế kỷ 13, giặc Nguyên Mông xâm lược nước Đại Việt, nhà Trần mộ binh tuyển tướng, cả 3 anh em Đoàn Nhất Lang, Nhị Lang, Tam Lang đều tòng quân được xung vào quân của phó tướng Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư.
Theo ghi chép lại thì con trưởng của cụ Đoàn Văn là Đoàn Trang Tùng chuyển cư về gần cựu quán ở làng Hội Xuyên, huyện Trường Tân, lộ Hồng Châu (nay là thôn An Tân, xã Gia Tân, huyện Gia Lộc, Hải Dương), trông nom phần mộ và phát triển dòng họ ở vùng này.
Mộ cụ Đoàn Đại Lang và nơi sinh của cụ Đoàn Nhữ Hài như trên bản đồ.
Như vậy qua văn bản kiện thì cụ Đoàn Công Huyền là đời thứ 19 theo chi nhánh của cụ Đoàn Nhất Lang. Cụ Đoàn Nhất Lang con của cụ Đoàn Trang Tùng ở làng Hội Xuyên, huyện Trường Tân, lộ Hồng Châu.
Trong một số gia phả của họ Đoàn có ghi: “Hậu duệ của danh thần Đoàn Nhữ Hài có Đoàn Đại Lang từ Khuôn phụ huyện Gia Phúc (Gia Lộc, Hải Dương) tòng quân theo vua Lê Thánh Tông đi đánh dẹp Chiêm Thành lập công bắt Trà Toàn, khải hoàn hồi triều. Đoàn Đại Lang xin được ở lại đất Ba Châu (Duy Xuyên, Quảng Nam) khai hoang lập nghiệp sinh dòng họ Hậu Duệ có Đoàn Công Huyền “. thì cũng đúng một phần nào nhưng chính xác vẫn là cụ Đoàn Đại Lang là đời thứ 18 theo nhánh cụ Đoàn Nhất Lang đời thứ 12.
Còn cụ Đoàn Tam Lang (Đoàn Phúc Hưng) Đời thứ 12 sinh ra cụ Đoàn Phúc Trung đời thứ 13. Cụ Đoàn Phúc Trung sinh ra cụ Đoàn Nhữ Hài đời thứ 14.
Xét về thời điểm lịch sử. Từ cụ Đoàn Nhữ Hài (năm 1280-1335) đến cụ Đoàn Đại Lang (năm 1471) khi vua Lê thánh Tông vào Quảng Nam có khoảng cách thời gian khoảng 140 năm. Trong giai đoạn này nước ta trải qua Nhà Hồ (1400-1412) rồi giặc Minh đô hộ. Đến năm 1428 Lê Lợi khởi nghĩa và làm lễ lên ngôi Hoàng đế ở thành Đông Kinh (Thăng Long) khôi phục tên nước Đại Việt mở đầu triều đại nhà Lê. Họ Đoàn ta đã không nối được gia phả, không ghi được chi tiết khoảng 4 đến 6 đời.
Đây cũng là câu hỏi lớn cho thế hệ sau này cần tìm hiểu và tiếp tục tra cứu lịch sử.
Vì sao gia phả, không ghi được chi tiết khoảng 4 đến 6 đời như vậy?
Có 2 phỏng đoán sau:
Một là trong giai đoạn này nước ta trải qua Nhà Hồ (1400-1412) rồi giặc Minh đô hộ. Đến năm 1428 Lê Lợi khởi nghĩa và làm lễ lên ngôi Hoàng đế ở thành Đông Kinh (Thăng Long) khôi phục tên nước Đại Việt nên gia phả thất lạc? Nhà Minh đốt sách nhằm đồng hóa dân tộc Việt?
Trong các tài liệu sưa tập có ghi lạiccuộc chiến tranh Minh - Hồ (1406–1407) dẫn đến sự thống trị lần thứ tư của Trung Quốc đối với Việt Nam (1407–1427). Xét về cả mặt sắc tộc, kinh tế và văn hóa. Sử ký Đại Việt chính thống (Đại Việt Sử Ký Toàn Thư - 大 越 史記 全書) đã mô tả các phương thức giết chóc của quân Minh như sau:
Nhờ các tác phẩm của các học giả Việt và Pháp École française d’Extrême-Orient (EFEO, hay Viện Viễn Đông Bác Cổ) trong suốt những năm 1930, cuốn sách trước có tên “越 嶠 書” (Việt Kiệu Thư) do tác giả Li Wenfeng viết. (李文鳳) cuối cùng đã được phát hiện và đưa ra ánh sáng. Bên trong cuốn sách cũ này có một sắc lệnh chính thức của Hoàng đế Vĩnh Lạc nhà Minh thông báo rằng:
“Bất cứ khi nào quân đội của bạn vào An Nam, ngoại trừ văn bản Phật giáo và Đạo giáo, tất cả các tài liệu viết và in về An Nam đều phải bị đốt cháy. Các tấm bia do Trung Quốc dựng lên trong thời gian trước phải được bảo vệ cẩn thận. Ngược lại, những tấm bia đó do người An Nam dựng lên phải bị triệt hạ hoàn toàn, không sót một cái nào”.
Như vậy họ Đoàn chúng ta cũng như các dòng họ khác không giữ được Gia phả trong giai đoạn này, không chắp nối được các đời cũng là một điều dễ hiểu và thông cảm.
Phỏng đoán thứ hai là họ Đoàn trong giai đoạn này một số đã đổi sang họ Đào sau này khôi phục lại gia phả nên có phần thất lạc các chi và các nhánh. Chỉ có chi nhánh Họ Đoàn nào lớn và làm quan mới có điều kiện ghi lại Gia phả? Giả thuyết này khó thuyết phục hơn.
KẾT LUẬN.
Qua các tài liệu lịch sử có thể bước đầu chúng ta đoán Cụ Quan nghè Đoàn Đại Lang như sau:
Cụ là hậu duệ đời thứ 18 kể từ cụ Đoàn Liêm Duy đời thứ nhất; Cụ Đoàn Văn Khâm đời thứ 5, cụ Đoàn Thượng Đời thứ 9; cụ Đoàn Văn đời thứ 10; cụ Đoàn Trang Tùng đời thứ 11; Cụ Đoàn nhất Lang đời thứ 12. Trong đó thất lạc 6 đời không ghi được chi tiết gia phả.
Cụ Quan Nghè ĐOÀN ĐẠI LANG là cụ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân ĐOÀN LẠN 段爛 người xã Hồng Lục huyện Gia Lộc trong Văn bia tiến sĩ năm Bính Tuất niên hiệu Quang Thuận thứ 7 (1466).
Cụ Quan Nghè ĐOÀN ĐẠI LANG trong sử ghi là Minh hình tri viên ngoại lang ĐÀO LANG được cử làm giám sát ngự sử các xứ Hải Tây. Tân Bình và Thuận Hóa, thuộc đạo Hải Tây. Năm 1467.
Cụ Quan Nghè ĐOÀN ĐẠI LANG (An Phận) là Ông An Toàn Bá, Thượng tướng Phủ Tân (Tiên) Bình, Thuận Hóa. (thuộc xứ Hải Tây) trong Tam quan họ Đoàn là Nghi Trung Bá, An Toàn Bá và Dung Thành Bá. Cụ chính là trạng nguyên được ghi trong gia phả họ Đoàn Quảng Bình Quảng Trạch với câu đối:
THẬP BÁT QUẬN CÔNG TAM QUAN TƯỚNG
BÁCH NHÂN TIẾN SỶ NHỊ TRẠNG NGUYÊN.
Cụ được ghi trong gia phả và trong chính sử là đội quân Thuận Hoá có công giúp vua Lê Thánh Tông bình Chiêm thành và bắt được Vua Chiêm là Trà Toàn.
Cụ là thổ tú Đạo Đồng được nghi trong chính sử: “Bấy giờ đại giá về tới Thuận Hóa, tri châu là Đạo Nhị và em là Đạo Đồng cùng hơn 100 bộ đảng đem 5 con voi đến cống”. Trong sừ cụ chính là ông An toàn Bá (An Phận) Thượng tướng Phủ Tân (Tiên) Bình, Thuận Hóa và là Đạo Đồng.
Cụ đã từng đi sứ nhà Minh. Cụ có tài ngôn thuyết đời được nhà Minh (Trung Quốc) phải trả vùng đất Lê Hoa về nước Đại Việt thành công. Khi Ngụy Mạc Đăng Dung tự trói lên biên giới quỳ lạy dâng vùng đất Lê Hoa cho nhà Minh năm Mậu Tuất. Từ đó nhà Minh xóa tên Lê Hoa của Đại Việt, lập huyện Mông Tự nhập vào Trung Quốc.
Cụ có tên trong bia văn miếu ký hiệu N01316 và trong các sách Liệt huyện đăng khoa V36a; Lịch triều đăng khoa I.14a; Lịch đại đăng khoa 10b; Đại Việt lịch đại Tiến sỹ khoa thực lục 15a.
Cụ được sắc phong qua các đời vua:
Đặc Tấn Phụ Quốc Thượng Tướng Quân
Hộ Quốc sắc phong Thượng đẳng chi thần.
Cụ được dân làng thôn Bá Liễu, Lục Hồng, phường Hải Tân, thành phố Hải Dương lập đền thờ hoàng làng tại đình làng.
Cụ là thân phụ của cụ Đoàn Công Huyền. Trong gia phả có ghi: Cụ Đoàn Đại Lang theo Lê Thánh Tông đi đánh giặc Chiêm Thành, lập công bắt được tướng Chiêm Thành là Trà Toản, sau khi vua đánh giặc xong Tấu cùng vua Lê để lại cụ Đoàn Công Huyền ở lại tỉnh Quảng Nam, quy dân lập ấp, khai khẩn ruộng đất thành lập xã hiệu lúc bấy giờ ở Quảng Nam xứ.
Cụ là ông của Đặc tấn phụ quốc thượng tướng quân, Cẩm Y vệ Đô chỉ huy sứ ty Đô chỉ huy sứ Chưởng vệ sự. Thạch Quận Công ĐOÀN CÔNG NHẠN. Hậu Duệ là Đoàn Công Nhạn được chúa Nguyễn phong chức tước Thạch Quận Công. Đoàn Công Nhạn sinh ra con trưởng là Đoàn Công Quảng, làm quan thời chúa Nguyễn, tước Quốc Cữu sầm Oai hầu và Đoàn Thị Ngọc là vợ chúa Nguyễn Phúc Lan, là mẹ chúa Nguyễn Phúc Tần. Bà Đoàn Thị Ngọc có công dạy dân trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ kéo sợi dệt vóc lụa Nguyễn ánh tranh được làm vua hiệu Gia Long đã tôn miếu hiệu cho cụ bà nội là Trịnh thục Từ tĩnh Mẫu duệ Kính hiếu Chiêu Hoàng Thái hậu và xây phần mộ gọi là lăng Vĩnh Diên hiện còn ở Chiêu Sơn là di tích lịch sử văn hoá đã được xếp hạng cấp bằng công nhận cấp Nhà nước.
Con cháu của cụ chi này vẫn còn nhiều ở Duy Xuyên Quảng Nam. Có nhiều người hậu duệ đã chuyến cư vào thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Nam bộ, có người trở ra Bắc Bộ, có số người định cư nước ngoài...
Năm 2019 tộc Đoàn Đông Yên. Duy Trinh Quảng Nam cùng họ Đoàn trên cả nước đã tu sửa lăng mộ của cụ tại gò đất quan nghè tại Làng Khuông Phụ.
LƠI KẾT
“Hiểu đạo nghĩa sẽ thành gần gũi.
Rõ nguồn cội sẽ chẳng cách xa “.
Việc hiểu rõ cụ Quan nghè Đoàn Đại Lang là một việc làm đầy ý nghĩa. Họ Đoàn Đông Yên cũng như những người con họ Đoàn trên cả nước đều có quyền tự hào về những cống hiến to lớn của cụ Quan nghè Đoàn Đại Lang
Đặc Tấn Phụ Quốc Thượng Tướng Quân
Hộ Quốc sắc phong Thượng đẳng chi thần.
Để xứng đáng với dòng tộc họ Đoàn, mọi người chúng ta ra sức cùng nhau học tập, nâng cao kiến thức về họ Đoàn, lịch sử dân tộc, văn hoá dân tộc, hiểu biết về cuộc sống dân tộc mình và Thế giới.
Con cháu họ Đoàn Đông Yên luôn khắc tâm bài thơ lục bát nói lên nguồn gốc và công trạng của ông bà tiền Đoàn Tộc đối với quê hương và dòng tộc:
Tôn đồ phổ hệ quá diệt miên
Thập cửu thế dư đời đời truyền (19 đời)
Bắc địa phò Vương bình cẩu tặc
Nam thiên lập xã khẩn điền viên
Đông Yên Đoàn Tộc khai cơ thì
Ngoại thích Nguyễn triều Thạch Quận Tiên
Khanh Tướng Công Hầu truyền lục thế
Nhi tôn tập ấm tiếp liên niên.
Hy vọng, cuốn sách sẽ góp phần truyền tải tình yêu về dòng họ đến tất cả bà con, nhằm mục tiêu liên kết các chi họ, tìm về cội nguồn, tôn vinh tổ tiên, động viên con cháu cùng nhau xây dựng dòng họ ĐOÀN phát triển bền vững.
Chúng ta nguyện đoàn kết cùng nhau thực hiện mục tiêu thiết thực và cụ thể đó, góp phần cùng các dòng tộc khác trong cả nước xây dựng một họ ĐOÀN
ĐOÀN KẾT VỮNG MẠNH.
Hà nội mùa Xuân năm 2022.
Chủ biên soạn:
ĐOÀN MINH TUẤN
Hậu duệ đời thứ 17 từ cụ Quan nghè ĐOÀN ĐẠI LANG.