Đoàn Long KARATE-DO

Post date: Jul 18, 2012 6:22:07 AM

Luôn đi ngược định mệnh

Là cách bạn bè và gia đình gọi ông như thế. Theo sự nghiệp võ thay vì lẽ ra phải tránh vận động; uống rượu kèm thuốc trợ tim suốt đời và lao động không ngừng nghỉ, không biết nên gọi đó là phẩm chất hay định mệnh của con người Đoàn Đình Long.

Ở tuổi 63, Đoàn Đình Long mở hệ phái riêng của ông

Khi sự nghiệp võ học ở đỉnh cao nhất, lẫn khi thôi làm huấn luyện viên đội tuyển, khi hai con trai trưởng thành và có gia đình riêng; gia đình và bạn bè những mong sẽ là thời gian ông thực sự được nghỉ ngơi bù đắp cho trái tim tội nghiệp và một cuộc đời vốn đã quá vất vả.

Nhưng với Đoàn Đình Long, nghỉ ngơi nghĩa là chết. Ở tuổi xấp xỉ lục tuần, ông mở nhà hàng khi chưa hề có kinh nghiệm kinh doanh. Công việc thất bại khiến ông mất vài năm vất vả. Không chịu yên, ông lại ngược xuôi tìm những hoạch định mới.

Và đam mê võ chưa bao giờ thôi cháy bỏng trong con người kiên cường ấy. Bao nhiêu năm ông vẫn miệt mài đi về Trung tâm thể thao quận Đống Đa, nơi ông mở võ đường truyền dạy học trò.

Ngày 14/11/2010, ở tuổi 63, Đoàn Đình Long chính thức ra mắt hệ phái Karatedo của chính ông, với mong muốn mang được ngọn lửa võ thuật cháy bỏng của mình truyền lại cho học trò.

Với tất cả thành tựu, nhiệt huyết võ thuật và cuộc chiến số phận quật cường của ông. Trong năm 2010, liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam phong tặng Đoàn Đình Long bằng võ sư cao cấp.

'Di sản' của tôi: trái tim tật nguyền

"Chỉ có cái chết mới giải thoát được!". Những ý nghĩ u tối cứ ám ảnh người thanh niên trẻ. Và trong một buổi chiều buồn, anh nhảy xuống vực, mong kết thúc những ngày sống lê thê, mệt mỏi. Nhưng số mệnh Đoàn Đình Long không thể kết thúc đơn giản như thế.

"Đã hơn hai lần trái tim tôi bị cắt rời cơ thể vài tiếng đồng hồ...", võ sư Đoàn Đình Long, cựu huấn luyện viên trưởng đội Karatedo Việt Nam bắt đầu câu chuyện shock như thế. Chưa để người nghe hết choáng váng, ông tiếp: "Mà việc đó không chỉ xảy ra một lần..."

Sinh năm 1947 trong một gia đình đông anh em, ký ức tuổi thơ của Đoàn Đình Long gắn liền với những tháng ngày vất vả thiếu thốn, từ bát cơm manh áo, đến những niềm vui nho nhỏ của một đứa trẻ. Thật ra, đó cũng là một hoàn cảnh không mấy lạ của xã hội những năm 1960.

Và những ngày cùng cả gia đình di tản lên vùng kinh tế mới. Trọng trách anh cả của một gia đình nghèo, nhiều con đặt lên vai người thiếu niên nhỏ con, yếu sức.

Xen giữa hồi tưởng về những ngày đông đi mót sắn, những buổi đi rừng tìm củ măng củ mài, là những buổi chiều xác xơ trong đói rét; đàn em nheo nhóc nhìn ông trông đợi. Và hình ảnh một chuyến bè ghép bằng những cây nứa, đưa đại gia đình xuôi theo sông Hồng từ Phú Thọ trở về Hà Nội.

Võ sư Đoàn Đình Long, Ảnh Nguyễn Huy Khâm

"Gia tài' của cả nhà sau bao năm làm 'kinh tế mới' chỉ vỏn vẹn mấy chiếc xoong nồi, bát đĩa... Trên chuyến bè đó, có lúc em ông đã bị rơi tõm xuống sông, may được phát hiện kịp.

Sau chuyến bè ấy, cuộc sống của 'ông anh cả' cùng gia đình lại trải qua những khắc nghiệt khác. Đoàn Đình Long lần lượt trải qua đủ các nghề để mưu sinh: chữa xe đạp, bốc vác thuê, quản đốc phân xưởng hóa chất, lái xe tải Lào Cai, đèo sắn khoai về đổi gạo... Những tháng ngày vất vả và kỷ niệm lam lũ cứ đi theo ông suốt đời, đè lên trái tim ông theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Năm 1969, ông xin vào học dự bị trường Đại học Thương nghiệp, vừa học vừa làm nuôi thân và gia đình. Đang học năm thứ ba khoa Hóa thực phẩm, nhà trường phát hiện ông bị bệnh về tim và cho nghỉ học. Tiếp tục ôn thi vào trường Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội, một lần nữa sinh viên Đoàn Đình Long lại bị cho nghỉ học chỉ sau khi nhập học hai tháng. Nhà trường phát hiện ông dùng giấy chứng nhận sức khỏe giả.

Mọi cánh cửa đều đóng, tương lai mờ mịt, nỗi thất vọng chán nản tràn ngập lên trái tim ốm yếu của người đàn ông ngoài 20 tuổi. Đoàn Đình Long mang nỗi niềm của mình lang thang lên Lào Cai, xin làm lái xe ở mỏ Apatit, nhưng cũng chỉ được một thời gian ngắn, bệnh tim lại hất ông ra khỏi vị trí công việc.

Không chịu nổi cảm giác thành người vô dụng khi mới hai mấy tuổi. Ông thực sự suy sụp.

"Chỉ có cái chết mới giải thoát được!". Những ý nghĩ u tối cứ ám ảnh người thanh niên trẻ. Và trong một buổi chiều buồn, ông nhảy xuống vực, mong kết thúc những ngày sống lê thê, mệt mỏi. Nhưng số mệnh Đoàn Đình Long không thể kết thúc đơn giản như thế. Ông không chết, chỉ ngất đi. Những người bạn phát hiện và đưa ông trở lại cuộc đời.

'Nguyện vọng' được chết cũng không thành, trải qua những giờ phút bĩ cực nhất, ông quyết định đứng lên, làm lại cuộc đời. Lại qua những ngày nhờ vả, khó khăn, ông xin được làm công nhân tại Xí nghiệp Silicat. Lần này những tưởng cuộc sống đã dễ chịu hơn với Đoàn Đình Long, khi ông làm được một thời gian ổn định mà ... không bị đuổi.

Nhưng số phận ông sinh ra là để đối diện với thử thách khắc nghiệt. Lần này trái tim 'ọp ẹp' không làm ông mất việc, mà đưa thẳng Đoàn Đình Long lên bàn mổ, trở thành bệnh nhân đặc biệt nhất trong suốt sự nghiệp y học của cố GS, bác sĩ danh tiếng Tôn Thất Bách.

Võ sư Đoàn Đình Long (thứ 5 từ phải sang) cùng các môn sinh, Ảnh Đoàn Long Karatedo.com

Hai lần "mổ phanh" và một lần "mổ moi"

Ca mổ thứ nhất diễn ra năm 1974, do bác sĩ Tôn Thất Bách đảm nhiệm. Sau này Đoàn Đình Long vẫn đùa: đó là lần anh được 'mổ moi'. Như ông giải thích, 'mổ moi' nghĩa là cách mổ qua đường xương sườn, vết mổ rạch từ ngực ra lưng, lật xương sườn lên để lộ quả tim ra. Trong điều kiện y tế những năm đó quá thiếu thốn, ông bị nhiễm trùng. Vết mổ loét rộng ra. Toàn bộ tĩnh mạch hai tay bị viêm tắc khiến hai cánh tay gần như bị liệt cho đến một ngày sáu tháng sau, ông tự ngồi dậy trước sự ngỡ ngàng của nhiều người.

Suốt nửa năm lấy bệnh viện là nhà ấy, một cô y sinh năm thứ 5 đã lặng thầm đem lòng yêu người bệnh nhân đặc biệt, sau là người bạn đời của cô.

Chỉ ba tháng sau khi xuất viện, Đoàn Đình Long quay lại với xấp thiệp mời trên tay, cô dâu không ai khác chính là cô y sinh, người sau này không chỉ là bạn đời, mà còn là 'bác sĩ riêng' suốt đời của ông.Khi thực hiện ca mổ, dù không nói ra nhưng cố GS Tôn Thất Bách và nhiều giáo sư đầu ngành cũng chắc mẩm Đoàn Đình Long chỉ sống thêm từ 5 đến 7 năm nữa trong điều kiện được nghỉ ngơi. Nhưng Đoàn Đình Long có lẽ là mẫu người duy nhất luôn làm ngược lại những cấm kỵ bệnh tật.

Không chỉ lấy vợ, rồi vật lộn với cuộc sống nuôi gia đình, và thay vì ngồi yên nghỉ ngơi như những bệnh nhân tim khác, Đoàn Đình Long tìm đến võ đường tập, hy vọng có thể cải thiện sức khỏe. Thế rồi với ý chí mãnh liệt, bản lĩnh sắt đá, ông quyết tâm đánh đổi 'mấy năm còn lại' của cuộc đời lấy nghiệp võ; để rồi không hiểu chính nghiệp võ hay định mệnh nào đã khiến ông mạnh mẽ. Ông không những sống sót cùng trái tim bệnh tật, mà còn có sự nghiệp võ học rực rỡ, khiến sau này khi gặp lại, GS Tôn Thất Bách hết sức ngỡ ngàng.

Ông lần lượt là võ sinh Karatedo mang huyền đai đệ tam đẳng, võ sư, huấn luyện viên - Chủ tịch Liên đoàn Karatedo Hà Nội, huấn luyện viên đội tuyển Công an nhân dân, rồi trở thành huấn luyện viên trưởng đội Karatedo quốc gia. Tài sản tinh thần ông vô cùng tự hào là những mảng tường treo kín huy chương của chính ông và học trò từ những cuộc thi thể thao trong ngoài nước.

Võ sư Đoàn ĐÌnh Long (thứ 3 từ trái sang) vào Huế thi nhị đẳng tại võ đường 116 Chi Lăng năm 1988, Ảnh Đoàn Long Karatedo.com

Tại SEA Games 1993, trái tim bệnh tật của người HLV trưởng tưởng chừng không thể chịu nổi trước hai niềm vui quá lớn khi học trò ruột Nguyễn Anh Tuấn, Trần Văn Thông đoạt hai HC vàng, nhờ đó mà đoàn thể thao Việt Nam xếp ở vị trí thứ 6, vượt qua Myanmar.

Năm 1994, trước khi dẫn đội tuyển Việt Nam sang Nhật tham dự ASIAD tổ chức tại thành phố Hiroshima, Đoàn Đình Long khiến cánh phóng viên và nhiều người nghi hoặc với phát ngôn: sẽ có giải trong đợt này, vì trên thực tế đến thời điểm đó, Việt Nam chưa bao giờ vượt qua được người Nhật trong môn thể thao xuất thân từ chính quốc gia này.

Thế nhưng, các võ sinh của ông đã làm nên lịch sử với 2 HCB, đánh dấu lần đầu tiên Karatedo Việt Nam 'vuốt mặt' người Nhật. Không những thế, Đoàn Đình Long cũng là một trong những người đầu tiên tìm hiểu và đưa Pencatsilat vào Việt Nam, góp phần làm cho bộ sưu tập huy chương của thầy trò ông thêm phong phú.

Nhưng cũng chính chuyến đi này là lần thứ hai đưa Đoàn Đình Long trở lại... bàn mổ của GS Tôn Thất Bách. Ngay từ khi ở Hiroshima, ông đã cảm thấy sức khỏe có vấn đề. Kết thúc chuyến đi, việc đầu tiên là vào viện.

GS Tôn Thất Bách đã hết sức ngỡ ngàng khi gặp lại người bệnh nhân 20 năm trước, người mà ông đã nghĩ chỉ sống được 5 - 7 năm nữa.

Ca 'mổ phanh' đầu tiên kéo dài 8 tiếng. Khi mở lồng ngực của ông, GS Tôn Thất Bách cùng đồng sự phải thay lưỡi cưa vì chiếc lưỡi cưa bị mẻ khi cưa xương ức. Bản thân GS Bách cũng chưa bao giờ gặp một ca như vậy, lồng ngực cứng như thép của một võ sư.

Trái tim của Đoàn Đình Long được đưa ra khỏi lồng ngực hơn 4 tiếng và được bảo quản lạnh để GS Tôn Thất Bách thay hai chiếc van tim hỏng bằng van sinh học (van tim của động vật).

Ca mổ thành công trong sự vui mừng khôn tả của gia đình, bạn bè và những người học trò của ông. Những người đã xếp hàng dài để tiếp máu cho người thầy đầy bản lĩnh.

Thế nhưng, khác với lần trước, khi các bác sĩ dự liệu trái tim ông chỉ chịu được 5 - 7năm nữa thì Đoàn Đình Long sống tiếp 'một mạch' 20 năm sau.

Lần thứ hai, khi đặt hai chiếc van sinh học vào tim ông, GS Bách và đồng sự hy vọng nó sẽ yên ổn ít nhất trong 20 năm. Thế nhưng chỉ 7 năm sau, năm 2001, Đoàn Đình Long lại phải lên bàn mổ. Hai chiếc van sinh học đã không được tốt như ông và GS Bách mong đợi.

Lần này bên cạnh GS Bách còn có một trợ lý đắc lực là học trò, đồng thời đồng nghiệp của ông là bác sĩ Dương Đức Hùng cùng tham gia ca mổ. Sau này BS Hùng kể lại trong ca mổ kéo dài gần 10 tiếng, họ đã phải 'cắt, xẻo, gọt, vá...' trái tim tội nghiệp của ông. Thời gian và cường độ làm việc của một võ sư đầy nhiệt huyết và những vết sẹo từ cuộc phẫu thuật trước làm trái tim Đoàn Đình Long sần sùi lão hóa.

Lần này là van tim bằng kim loại. Những tiếng lạch xạch như đồng hồ chạy phát ra từ lồng ngực Đoàn Đình Long -người ngồi cạnh cũng có thể nghe thấy - đi theo ông suốt đời.

Không chỉ là bệnh nhân đặc biệt của cố GS Bách, mà có lẽ Đoàn Đình Long cũng là trường hợp hy hữu các bác sĩ bệnh viện Việt Đức chưa từng gặp. Qua mỗi ca mổ, lại nghe các bác sĩ kể về 'cái chết' của ông. 'Thực tế là tôi đã chết ba lần rồi. Lần thứ nhất đang mổ thì tìm ngừng đập phải cấp cứu; lần thứ hai cũng vậy; lần thứ ba khi bác sĩ vừa cưa xương ức thì tim đã ngừng đập. Các bác sĩ đã phải làm hết sức để cứu nó", 'người bệnh nhân vĩ đại' chia sẻ.

Thế nhưng khi tạm yên ổn với trái tim được mổ lần thứ ba, chỉ vài năm sau ca phẫu thuật thì Đoàn Đình Long lại bùi ngùi tiễn đưa GS Tôn Thất Bách, người ân nhân, người bạn đã ba lần giành giật sự sống cho ông qua đời cũng vì bệnh tim.

Nhà sử học Dương Trung Quốc chúc mừng võ sư Đoàn Đình Long trong ngày ông ra mắt hệ phái 14/11/2010, Ảnh Trần Việt Đức