LỊCH SỬ HỌ ĐOÀN VIỆT NAM

Về thời đại Hùng Vương, sách Đại Việt sử ký toàn thư chép tại phần đầu tiên đặt tên là Kỷ Hồng Bàng thị, với 3 tiểu mục là Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và Hùng Vương.

Tuy nhiên, các nhà nhiên cứu đã chỉ ra nghi vấn rằng: Nếu 18 đời vua Hùng kéo dài 2.622 năm, thì trung bình mỗi đời vua trị vì đến 150 năm. Điều này có vẻ không hợp lý và đã dẫn đến nhiều tranh luận trên các diễn đàn lý học và lịch sử.

Công trình nghiên cứu của cụ Biệt Lam Trần Huy Bá về Hùng Vương và cuốn “Hùng Vương sự tích ngọc phả cổ truyện “do Nguyễn Như Đỗ sống vào thời nhà Lê đã góp phần đưa ra một góc nhìn khác về vấn đề này. Theo đó thì chữ “đời “vua thường hay dùng phải hiểu là chữ “thế “trong Hán tự, nghĩa là không phải là một đời người mà là “một dòng gồm nhiều đời “hay “chi “. “Hùng Vương sự tích ngọc phả cổ truyện “chép rằng thời đại Hùng Vương kéo dài 2.622 qua 47 đời vua trị vì với 18 chi, mỗi một chi qua mấy đời vua. Mà “chi “đầu tiên lại được chép là Kinh Dương Vương.

Đơn cử như riêng chi Hùng Vương thứ 18, chi cuối cùng của thời đại Hùng Vương đã gồm 3 đời vua trị vì suốt 150 năm. Hiện nay ở Đình Tây Đằng, huyện Ba Vì, tỉnh Vĩnh Phú, còn bài vị “Tam Vị Quốc Chúa “, thờ 3 vị vua cuối cùng thuộc chi Hùng Vương thứ 18 này. Chi này chấm dứt vào năm 258 TCN, tức là vào cuối đời nhà Chu bên Trung Quốc

18 chi được sắp theo bát quái (8 quái): 1 Càn (trời) (☰), 2 Đoài (đầm) (☱), 3 Ly (hỏa) (☲), 4 Chấn (sấm) (☳), 5 Tốn (gió) (☴), 6 Khảm (nước) (☵), 7 Cấn (núi) (☶), 8 Khôn (đất) (☷) và 10 thiên can Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý.

18 chi thời Vua Hùng theo “Hùng Vương sự tích ngọc phả cổ truyện “lần lượt là:

• Chi Càn: Kinh Dương Vương, sinh năm nhâm ngọ 2919 TCN. Trị vì 86 năm từ Nhâm Tuất 2879 TCN đến Đinh Hợi 2794 TCN.

• Chi Khảm: Lạc Long Quân tên húy là Sùng Lãm tức Hùng Hiền Vương. Chi này kéo dài 269 năm từ Mậu Tý 2793 đến Bính Thìn 2525 TCN. Thời kỳ này được truyện cổ tích họ “Hồng Bàng truyền kỳ “gọi là huyền sử Rồng Tiên.

• Chi Cấn: Hùng Quốc Vương tên húy là Hùng Lân kéo dài 271 năm, từ 2524 đến 2253 TCN. Thời kỳ này theo truyền thuyết thì mẹ Âu dẫn 50 con (Tức 50 tộc người Bách Việt) ở lại vùng cao rồi cùng nhau suy cử người con trưởng lên làm vua, lấy hiệu là Hùng vương đóng đô ở Châu Phong. Cũng từ năm 2524 tên nước được đổi thành Văn Lang.

• Chi Chấn: Hùng Hoa Vương tên húy là Hùng Bửu Lang, chi này kéo dài 342 năm.

• Chi Tốn: Hùng Hi Vương tên húy là Bảo Long, chi này kéo dài 200 năm.

• Chi Ly: Hùng Hồn Vương, tên húy là Long Tiên Lang, chi này gồm 2 đời vua, kéo dài 81 năm.

• Chi Khôn: Hùng Chiêu Vương, tên húy là Quốc Lang, sinh năm 1659 TCN, lên ngôi năm 12 tuổi, gồm 5 đời vua, dài 200 năm.

• Chi Đoài: Hùng Vĩ Vương, tên húy là Văn Lang, chi này gồm 5 đời vua kéo dài 100 năm. Thời kỳ này, truyền kỳ lịch sử kể rằng giặc Ân sang đánh nước ta bị Phù Đổng Thiên Vương đánh cho tan tác. Sử Trung Quốc ghi là đời Cao Tông triều Ân đánh nước Quỷ Phương 3 năm đóng quân ở đất Kinh.

• Chi Giáp: Hùng Định Vương, tên húy là Chân Nhân Lang, Chi này gồm 3 đời vua, kéo dài 80 năm.

• Chi Ất: Hùng Uy Vương tên húy là Hoàng Long Lang, gồm 3 đời vua dài 90 năm.

• Chi Bính: Hùng Trinh Vương húy Hưng Đức Lang, chi này gồm 4 đời vua kéo dài 107 năm.

• Chi Đinh: Hùng Vũ Vương tên húy Đức Hiền Lang, gồm 3 đời vua, kéo dài 96 năm.

• Chi Mậu: Hùng Việt Vương, tên húy là Tuấn Lang, chi này gồm 5 đời vua, kéo dài 105 năm.

• Chi Kỷ: Hùng Anh Vương, tên húy là Viên Lang, gồm 4 đời vua, dài 89 năm.

• Chi Canh: Hùng Triệu Vương, tên húy là Chiêu Lang, chi này gồm 3 đời vua, kéo dài 94 năm.

• Chi Tân: Hùng Tạo Vương, tên húy là Đức Quân Lang, chi này gồm 3 đời vua, kéo dài 92 năm. Trong “Hùng Triều Ngọc Phả “, Thần Phả xã Tiên Lát, huyện Việt Yên, tỉnh Hà Bắc có ghi rõ là đến đời Hùng Vương thứ 16 dời đô xuống Phong Châu Thượng.

• Chi Nhâm: Hùng Nghi Vương, tên húy Bảo Quang, lên ngôi năm 9 tuổi, gồm 4 đời vua, dài 160 năm.

• Chi Quý: Hùng Duệ Vương, tên húy là Huệ Vương Lang, lên ngôi năm 14 tuổi, chi này gồm 3 đời vua, từ năm 337TCN đến năm 258TCN, tức là được 79 năm.

Sách “Đoàn tộc phả ký “của họ Đoàn ở Chạ Mắt (thôn Tu Trình, xã Thụy Hồng, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) do tổ Đoàn Công Phúc Lãnh đỗ khoa thi “Thiên hạ sỹ nhân “năm Bính Tuất 1166, niên hiệu Chính Long Bảo ứng thứ 4 đời vua Lý Anh Tông, làm quan huyện lệnh huyện Trường Tân, lộ Hồng Châu (Gia Lộc, Hải Dương), thăng Đại thần hà đê, tước Hải hâu, chép sách Đoàn tộc phả ký năm Nhâm Thân 1212. Đầu phả có câu:

 “Khôi nguyên Sơn Vi phát tích

Nghĩa Lĩnh chi thủy trường lưu “

Đã nói rõ tổ tiên họ Đoàn phát tích và đã định cư lâu dài sinh tồn, phát triển dòng họ tại Sơn Vi Nghĩa Lĩnh, gọi gộp là Sơn Lĩnh (huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, Việt Nam). Rồi từ nguồn gốc Sơn Vi Nghĩa Lĩnh có nhiều vị đã chuyển cư đến định cư lâu bền ở nhiều nơi trên lãnh thổ của người Lạc Việt, Bách Việt.

Đất Sơn Vi Nghĩa Lĩnh có nhiều di chỉ khảo cổ nhiều tầng văn hóa của người Lạc Việt trung tâm của Bách Việt từ thời Nguyên thủy, thời Hùng Vương...

   Sơn Vi Nghĩa Lĩnh có núi Hùng là đầu Rồng, hướng Nam, mình rồng uốn lượn thành rặng mạch núi Trọc, núi Văn, núi Pheo. Núi Hùng hơ cao 175 mét so mặt nước biển. Từ núi Hùng tỏa sáng tầm nhìn các hướng. Phía trước núi Hùng là ngã 3 Việt Trì (Ao Việt) là nơi tụ thủy hợp lưu 3 dòng sông lớn: sông Thao Giang (đoạn đầu sông Hồng) nước đỏ phù sa bồi đắp ruộng đồng phì nhiêu, sông Lô Giang nước xanh và sông Đà Giang thơ mộng, cùng những phụ nguồn chi lưu như Rồng ngũ sắc. Lại có hàng chục quả đồi lô nhô như đàn Rùa bò từ nước lên làm mình đường khai hoa, tiền án cao phong của núi Hùng. Phía sau núi Hùng là Hy Sơn (Tiên Kiên) như hình chim phượng cặp thư làm hậu chẩm thổ cục tẩm thủy của núi Hùng. Bên trái có quả đồi An Thái hình Rồng làm tả thanh long của núi Hùng. Bên phải núi Hùng có quả đồi Khang Phụ (Chu Hóa) như Hổ phục làm hữu bạch hổ của núi Hùng. Làng cổ Tích ở chân núi Hùng, Phúc Lộc, Thậm Thình có 100 quả đồi như hình Voi có một con lạc đường 99 con chầu núi Hùng.

Theo Ngọc phả thần tính đền Bình Ngô (nay thuộc xã An Bình, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) thờ vua Kinh Dương Vương, vua Lạc Long Quân mẫu Âu Cơ và vua Hùng Quốc Vương, có chép: một trăm mười tám (118) vị vua của 18 triều đại Hùng Vương đều mang quốc tính, họ Hùng biểu thị thời đại Hùng Vương nhất nguyên thể chế, đồng bào nhất tâm xây dựng và bảo vệ nước Văn Lang tồn tại dài 2622 năm từ năm Nhâm Tuất 2879 TCN đến năm Giáp Thìn 257TCN. Các vua Hùng đều chọn con em có tài đức phong làm Lạc tướng sai đi cai quản 15 bộ (hành chính) của nước Văn Lang, rồi định cư lập dòng họ ở đó.

Thái tổ triều đại Hùng Vương thứ ba là Đoàn Lân là hậu duệ ngoại của Thái thượng quốc tổ Kinh Dương Vương Lạc Long Quân, lập ra triều đại Hùng Quốc Vương có 15 đời vua đều mang vương hiệu Hùng Quốc Vương trị vì nước Văn Lang 272 năm từ năm Đinh Tỵ 2524 TCN đến năm Đinh Hợi 2252 TCN cũng theo lệ cử con em là người họ Đoàn làm lạc tướng đi tri nhậm các bộ, đã sản sinh ra những chi họ Đoàn ở Điền Việt, Sở Việt, Mân Việt, Ngô Việt, Động Đình, Vũ Ninh, Dạ Nang, Tây Việt, Tây Vu, Âu Việt, Tây Âu, Tượng Việt, Dương Tuyền, Việt Thường. Theo nhân chủng học, dân tộc học những người họ Đoàn ở các địa danh cổ kể trên đều có gốc từ họ Đoàn ở Lạc Việt cùng có bộ gien di truyền thuộc chủng người Australoid. Từ năm Canh ngọ 111 TCN bị giặc Hán phương bắc xâm lược đô hộ, đến nay những người họ Đoàn từ Lạc Việt (ở lưu vực Hoàng Hà) đến định cư ở lưu vực Trường Giang, lưu vực thượng nguồn Cửu Long (sông Lan Thương Mê Kông) đã bị Hán hóa thành người Tàu (Trung Quốc) gốc Bách Việt. Họ Đoàn mà âm tự Hán gọi là họ Đoạn.

Ngọc phả thần tích Thành hoàng làng Hà Hương Hà Phương chép: “Năm Quý Tị 208 TCN, Thục An Dương Vương trên đường đi đánh dẹp giặc đã dừng chân đồn trú tại khu Gáo đất chạ Hà Hôi (nay là Hà Phương Gáo thôn Hà Hương). Ông Nguyễn Khánh và con trai là Nguyễn Đức, con nuôi là Đoàn Nhất Lang (muội danh) đã đem của cải vận động dân chạ (làng) đóng góp lễ vật, lương thảo cho nhà vua nuôi quân. Các ngài còn tổ chức hơn 2 chục trai tráng bảo vệ an toàn hành cung và đức vua. Cha con ông Nguyễn Khánh, Nguyễn Đức được nhà vua ban sắc phong á thần. Ông Phọ Đoàn được thờ là Hậu thần được hưởng lễ phối tế. Vua An Dương Vương còn tặng 3 ông mỗi người một tấm khăn kim tuyến hiện còn lưu giữ bảo quản tại miếu Hà Phương Bến.

Đình Hà Hương thờ chính vị Thành hoàng bản xã Thục Triều An Dương Vương tên húy là Thục Phán, bằng tượng.

Có một công trình nghiên cứu hơn 50 năm của nhà giáo Đỗ Văn Xuyền và cộng sự với sự gợi ý, chỉ đạo, giúp đỡ của nhiều nhà khoa học cùng các nhóm nghiên cứu đã công bố gần đây, gây sự quan tâm nhiều của xã hội. Công trình đã đưa ra những chứng cứ khai thác từ nhiều vùng trên cả nước, của nhiều dân tộc khác nhau, phân tích một cách khoa học và khẳng định ngay từ thời Hùng Vương, nước ta đã có một nền văn hóa phát triển tiến bộ, có hệ thống giáo dục khá toàn diện, có chữ viết riêng rất khoa học, có thày trò, trường lớp rất qui củ.

Công trình nghiên cứu trên của nhà giáo Đỗ Văn Xuyền cho biết: Từ các thư tịch cổ ở nhiều nơi trong cả nước đã ghi lại danh sách các thầy giáo và học trò thời Hùng Vương. Bước đầu chúng ta biết từ thời Hùng Huy Vương (Hùng Vương thứ 6) đến An Dương Vương có 19 thầy giáo dạy 18 trường học ở kinh đô và địa phương, với số học trò được biết là 23 người.... Ở mục 11 của bài giới thiệu có ghi về 3 người học trò như sau: “Ông Nguyễn Xuân và vợ là Đoàn Thị Nghị ngày 10/3 sinh một bọc được 3 người con giai thật là kỳ vỹ: Tuấn Công, Chiêu Công, Minh Công. Năm lên 9 tuổi cả 3 anh em đều đi học ở làng Cổ Lễ, xã An Canh, huyện Thiên Thi (nay là Ân Thi Hưng Yên), thi đỗ đều là tướng giúp vua Hùng Duệ Vương thứ ba tên húy vua là Hùng Tuần Lang, có công đánh Thục Phán.

Khi hóa được thờ hợp tự tại Cổ Lễ. Thánh hiệu là:

Tuấn Công Đại Vương.

Chiêu Công Đại Vương.

Minh Công Đại Vương.

Ba ông có công đánh quân Thục xâm chiếm, khi hoá nhân dân Cỗ Lễ thờ làm “Tam vị Thành Hoàng “. (ngày 29/01/2013, Nhà xuất bản Hồng Đức phối hợp với Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam đã tổ chức họp báo giới thiệu công trình nghiên cứu này).

Nếu khoa học thừa nhận từ thời Hùng Vương nước ta đã có một hệ thống giáo dục, có chữ viết như công trình nghiên cứu của ông Đỗ Văn Xuyền, thì sự có mặt của người họ Đoàn ở thời đại Hùng Vương (Bà Đoàn Thị Nghị), được coi là “sự thực lịch sử “đã có cả hai yếu tố quan trọng đó là: Bản chữ viết cổ (nêu trên) và thần tích, thần sắc của đình làng cùng lễ hội hàng năm của làng Cổ Lễ, xã An Canh, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên, hiện còn duy trì, tồn tại đến nay. Vậy có thể cho phép chúng ta kết luận? “Họ Đoàn Việt Nam là một trong các dòng họ bản địa, có mặt trên đất Việt từ Thời Hùng Vương dựng nước “.

Mỗi người họ Đoàn đều có quyền tự hào là con Lạc cháu Hồng, dòng họ mình đã cùng Cộng đồng dân tộc đóng góp tích cực vào tiến trình lịch sử ngay từ buổi đầu dựng nước.