BÀI PHÁT BIỂU CỦA ÔNG ĐOÀN DUY THÀNH

Post date: Jul 18, 2012 6:59:06 AM

Thưa các vị khách quý!Thưa các cụ, các bác, bà con nhân dân xã Đoàn Thượng và các địa phương trong cả nước đã về dự Lễ.

Thưa các cụ, các bác, bà con họ Đoàn Việt Nam!

Nhân dịp đầu xuân Tân Mão và ngày Giỗ Cao tổ Đoàn Văn Khâm, tôi xin thay mặt hội đồng Đoàn Tộc Việt Nam, chân thành chúc mừng quý vị đại biểu và bà con địa phương và dòng tộc họ Đoàn năm mới hạnh phúc và thành đạt.

Nhân dịp năm mới, thay mặt các vị có mặt trong buổi lễ long trọng này, tôi nhiệt liệt chào mừng Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XI, họp từ ngày 12-19/01/2011 đã thành công tốt đẹp.

Thưa toàn thể quý vị và bà con!

Cao tổ Đoàn Văn Khâm, sinh ra thời nhà Lý đang thịnh trị, quê chính của Người ở xã Cổ Dũng, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương. Sau một trận lũ lụt lớn, gia đình phải di chuyển sang đất Thái Bình một thời gian, rồi lại chuyển về đất Hải Dương, nhưng Người và gia đình không về chốn cũ ở huyện Kim Thành mà về huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương và định cư ở xã Đoàn Thượng ngày nay. Tại đây, cao tổ vốn là người ham học , Người dự khoa thi nho học đàu tiên của nước Việt Nam, triều Lý. Khoa thi này được gọi là khoa thi Minh Kinh Bác Học ở Văn Miếu Quốc Tử Giám. Cụ đỗ khoa đầu tiên (tương đương Tiến sỹ sau này). Cụ được bổ nhiệm là thượng thư bộ công năm 1075, triều lý nhân tông (1072-1127), tương đương Bộ trưởng bây giờ.

Thưa quý vị, dòng tộc họ Đoàn, các thế hệ sau, tiếp nối truyền thống hiếu học và yêu nước của tổ tiên, đã cùng trăm họ của nước Đại Việt xưa và Việt Nam nay, đã góp công sức vào việc giữ gìn bảo vệ đất nước trong mọi thời kỳ. Cháu đời thứ 5 của Cao tổ Đoàn Văn Khâm là Đông Hải Đại Vương Đoàn Thượng. Người đã có công lớn trong buổi giao thời giữa nhà Lý và nhà Trần.

Trong lúc thế sự nhiễu nhương không ổn định Đông Hải Đại Vương Đoàn Thượng trung thành với nhà Lý. Chiếm giữ đất Hồng Châu 21 năm gồm Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng và một phần Quảng Ninh và Hà Nội ngày nay để an dân, được nhân dân đất Hồng Châu rất quý trọng và tôn kính Người. Sau khi Cụ qua đời được nhân dân quý mến lập đền thờ ở nhiều nơi và được phong là thánh hiển linh. Đến nay mới thống kê được ở 5 tỉnh, thành: Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng và một phần Quảng Ninh và Hà Nội đã có 75 nơi thờ thành hoàng Đông Hải Đại Vương Đoàn Thượng, các triều đại từ triều Trần đến triều Nguyễn đều có sắc phong cho cụ là Thượng Đẳng Thần và là Thành Hoàng ở nhiều nơi.

Tiếp đến là cháu đời thứ 9 của cao tổ Đoàn Văn Khâm là cụ Đoàn Nhữ Hài, mới 21 tuổi đã được vua Trần Anh Tông cho vào cung bàn việc nước (nhập cung hành khiển) đã viết một bản tấu nổi tiếng trần tình cho vua Trần Anh Tông trình lên Thái Thượng Hoàng Trần Nhân Tông, giúp cho sự ổn định ngai vàng của Hoàng đế Trần Anh Tông khỏi bị vua cha quở phạt, vì trễ nại việc nước. Cụ Đoàn Nhữ Hài là một học sỹ nổi tiếng thời Trần, văn võ kiêm toàn được triều giao trấn thủ đất Nghệ Tĩnh, Sau khi cụ qua đời được Hoàng đế Trần Anh Tông quý mến, thương tiếc vô hạn, lập đền thờ lớn ở Nghệ An và nhiều nơi khác.

Đời hậu Lê có tướng Đoàn Phát là phó tướng của quân khởi nghĩa Lam Sơn đã giúp vua Lê Lợi cùng với toàn dân lúc đó đánh tan quân xâm lược phương Bắc, giải phóng đất nước sau 20 năm bị đô hộ của nhà Minh.

Về văn học và khoa cử có Hoàng Giáp Đoàn Đình Chương, sinh năm 1500 quê ở huyện Lang Tài - Bắc Ninh. Cụ đỗ tiến sỹ khoa thi Đình 1523 khi mới 23 tuổi, cụ được cử làm Thượng thư. Khi nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê, cụ mới 27 tuổi. Cụ từ quan về quê, thọ 67 tuổi. Khi nhà Lê được khôi phục đã phong cụ là Phúc Thần, được dân làng thờ cúng ở đình làng Trung Trinh huyện Lang Tài, Bắc Ninh.

Về phụ nữ có thi sỹ là cụ bà Đoàn Thị Điểm quê ở Hưng Yên đã viết nhiều bài thơ nổi tiếng, đặc biệt dịch “ Chinh phụ Ngâm” của Đặng Trần Côn, người đọc thán phục về trình độ diễn giải văn học trong dịch thuật của bà, nên nguời đọc “ Chinh cụ ngâm” nhớ đến thi sỹ Đoàn Thị Điểm nhiều hơn tác giả Đặng Trần Côn.

Thời Nguyễn Triều, có cha con Đoàn Văn Trường và Đoàn Văn Sách. Cụ Đoàn Văn Trường từng giữ chức Thượng thư Bộ binh thời Gia Long và Minh Mệnh, Tuần phủ Ninh Bình, Tổng đốc Hà Nội. Con là cụ Đoàn Văn Sách làm đề đốc Vĩnh Long thời Minh Mệnh, và mất ở An Giang . Họ đoàn ta còn có vị tu hành nổi tiếng ở Đồng Bằng Sông Cửu Long, là cụ Đoàn Minh Huyên, được nhân dân phong tặng là “ Phật thầy Tây An”, là “ Phật Hoạt” (Phật hoạt động) . Cụ còn là thầy thuốc Đông y nổi tiếng. Cụ đã xây ba nông trường, sau này la 3 căn cứ địa cho cụ Nguyễn Trung Trực chống thực dân Pháp.

Về văn học có cụ Đoàn Tử Quang quê ở Hà Tĩnh, 82 tuổi mới vào thi Đình, đỗ Tiến sỹ vào thời vua Thành Thái, được vua ban tặng sáu chữ vàng: “ Bát thập tuế, đối Đại Đình” (Tám mươi tuổi, thi đại khoa ở triều điình) Tên cụ được ghi ở văn bia Quốc Tử Giám. Cụ Đoàn Triển (1854 -1919) tuy chỉ đỗ cử nhân nhung học lực uyên bác, đã được triều đình bổ nhiệm làm Tổng đốc tỉnh Nam Định. Cụ đã viết nhiều sách để giáo dục con cháu, thuộc chi nhánh họ đoàn ở Hà Đông. Cụ đã viết tờ trình về cải cách giáo dục với chế độ thực dân Pháp, xây trường học quốc ngữ ở quê cụ và miễn học phí cho học sinh.

Thời Chúa Nguyễn ở đàng trong (phía Nam sông Gianh) có cụ bà Đoàn Thị Ngọc (1601 - 1661), con cụ Đoàn Công Nhạn, bà rất giỏi về trồng dâu nuôi tằm, được gọi là bà chúa Tầm Tang, quê ở Duy Xuyên, Quảng Nam. Bà là người đẹp và giỏi văn thơ từ 15 tuổi. Bà được chúa Nguyễn Phúc Nguyên là con của chúa Nguyễn Hoàng tuyển về phục vụ trong cung chúa và được Thái tử Nguyễn Phúc Lan yêu mến lấy làm vợ. Khi Nguyễn Phúc Lan lên ngôi chúa, bà trở thành vợ của Hiếu chiêu Hoàng đế Nguyễn Phúc Lan (1563 - 1648) và là mẹ của Hiếu triết Hoàng đế Nguyễn Phúc Tần, bà được phong là Đoàn Quý Phi.

Chúa Nguyễn Phúc Tần, người sinh ra những người con cháu kế nghiệp nhà Nguyễn cho đến vị vua cuối cùng là Bảo Đại nên họ Nguyễn coi họ Đoàn là họ ngoại của nhà Nguyễn. Cho đến đời vua Khải Định vẫn phong sắc tiếp cho Đông Hải Đại Vương Đoàn Thượng. Còn bà Đoàn Quý Phi không ở phủ chúa ở phía Nam mà vẫn ở Duy Xuyên chuyên nghề làm dâu tằm được nhân dân quý mến. Lăng mộ bà cũng được vua chúa nhà Nguyễn xây dựng từ thế kỷ 16, là ngôi mộ cổ nhất của thời nhà Nguyễn, nay được xếp hạng là di tích văn hoá của tỉnh Quảng Nam.

Về học tập thi cử, kể từ đời Trần đến đời Nguyễn, theo thống kê chưa đầy đủ, họ Đoàn đã có 19 vị đỗ tiến sĩ và 54 vị đỗ cử nhân.

Đến thời đại Hồ Chí Minh, Đoàn tộc Việt Nam trong cả nước đã sôi nổi tham gia cuộc Tổng khởi nghĩa 19/8/1945 và xây dựng chính quyền mới, tham gia tích cực trong hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cũng như trong xây dựng phát triển đất nước trong thời bình. Nhiều người con họ Đoàn đã hy sinh anh dũng và lập chiến công hiển hách.

Trong đó có một số con cháu họ Đoàn đã làm tới chức Bộ trưởng, Đại tướng, Trung tướng, Thiếu tướng và nhiều chức vụ quan trọng khác.

Về văn hoá nghệ thuật có nhà văn Đoàn Minh Tuấn ở Quảng Ngãi và chị em bà Đoàn Lê và Đoàn Thị Tảo ở thành phố Hải Phòng giỏi cả về văn, thơ và hoạ.

Về nhạc có nhạc sĩ Thuận Yến (Đoàn Hữu Công) ở Quảng Nam, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn ở Cát Hải, Hải Phòng..v..v...

Ở thành phố Hồ Chí Minh có tiến sĩ hoa hậu Đoàn Thị Kim Hồng, trong cuộc thi hoa hậu Quý bà Đẹp và thành đạt Thế giới tổ chức tại thành phố Bombay, Ấn Độ năm 2005, đã đoạt danh hiệu Hoa hậu quý Bà đẹp được nhiều người yêu mến nhất.

Về kinh tế và học tập, con cháu họ Đoàn thời đại Hồ Chí Minh có nhiều người thành đạt đã góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Về kinh tế đã có những nhà doanh nghiệp lớn như ông Đoàn Văn An - Phó Chủ tịch Ngân hàng Thương mại Cổ phần Toàn cầu (GP Bank), Giám đốc sân golf Chí Linh, Hải Dương. Ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, người có máy bay riêng đầu tiên ở Việt Nam. Có nữ luật sư Đoàn Minh Hà ở thành phố Hồ Chí Minh, kinh doanh khách sạn và bất động sản, cùng rất nhiều doanh nhân thành đạt khác…

Về học tập, đã có hàng chục con cháu họ Đoàn là giáo sư, tiến sĩ thuộc đủ tất cả các ngành.

Trên đây tôi chỉ nêu một số bậc Tiên tổ tiêu biểu dòng họ Đoàn ở từng thời kỳ. Còn rất nhiều, rất nhiều các cụ tiền bối của chúng ta đáng ghi vào sử sách mà trong buổi lễ hôm nay tôi không kể hết được.

Tất cả, tất cả! Sự đóng góp của con cháu họ Đoàn từ khi lập nước đến nay đã làm rạng rỡ dòng tộc họ Đoàn và góp phần làm vẻ vang cho Tổ quốc Việt Nam.

Thưa toàn thể Quý vị và bà con!

Ngày giỗ Cao tổ Đoàn Văn Khâm năm nay cũng là ngày khánh thành toàn bộ các công trình được xây dựng Đền thờ Tổ và Đông Hải Đại Vương Đoàn Thượng.

Để đời đời nhớ ơn Tổ tiên đã sinh thành ra mình, thực hiện lời dạy của Tổ tiên: “Chim có tổ, người có tông”, con cháu họ Đoàn Việt Nam, người ở trong nước cũng như người cư trú ở nước ngoài luôn luôn nhớ về cuội nguồn, đã đóng góp tiền của xây dựng được ngôi đền ở quê hương Cao tổ Đoàn Văn Khâm và Đông Hải Đại Vương Đoàn Thượng. Mỗi người trong họ, gái cũng như trai đã đóng góp, người ít là 10.000 đồng, người nhiều là trên 1 tỷ đồng. Ban liên lạc họ Đoàn Việt Nam đã tổ chức xây dựng nhà thờ Tổ, làm hai đợt. Đợt đầu xây dựng Đền và sân Đền, khởi công từ tháng 4/2004 và khánh thành vào tháng 4/2005. Đợt hai từ tháng 9/2009 đến ngày 10/02/2011, gồm 17 hạng mục công trình lớn nhỏ:

1. Cắm mốc giới, kè đá, xây dựng tường kỹ thuật.

2. Hai nhà Tả vu và Hữu vu.

3. Trồng cây trong khuôn viên Đền.

4. Hai nhà bia.

5. Hồ bán nguyệt

6. Hai cột cờ.

7. Hai cổng Tam quan.

8. Hai cổng hậu, còn gọi là cổng chè.

9. Nhà khách, bếp, bể nước, nhà vệ sinh…

Trong các hạng mục của công trình, thì việc giải phóng mặt bằng, cắm mốc giới, xây kè đá và tường kỹ thuật là phức tạp hơn cả.

Trong quá trình xây dựng cả hai đợt, do sự cố gắng của Ban liên lạc Trung ương và các địa phương, được sự giúp đỡ của Đảng bộ, UBND, HĐND, Mặt trận Tổ quốc xã Đoàn Thượng và toàn thể nhân dân trong xã ủng hộ và tham gia đóng góp công sức nên việc thi công công trình được thuận lợi. Tôi đề nghị chúng ta nhiệt liệt cảm ơn Đảng bộ, Chính quyền, MTTQ và nhân dân xã Đoàn Thượng. (Vỗ tay)

Trong cả hai đợt xây dựng, khi chưa huy động được vốn trong họ để chuyển cho bên B. Họ ta đã được ông Trần Quốc Hùng - Giám đốc Công ty Techsimex thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tạm ứng cho vay 400 triệu đồng, không lấy lãi để đảm bảo tiến độ thi công. Tôi đề nghị chúng ta nhiệt liệt cảm ơn ông Trần Quốc Hùng. (Vỗ tay)

Trong quá trình khởi công xây dựng, quỹ họ chưa đủ vốn để giao cho bên B, ông Bùi Bá Tú - Giám đốc Công ty tôn tạo và sửa chữa các công trình văn hoá nghệ thuật Hải Dương là bên B đã ứng tiền mua vật tư xây dựng và trích 5% kinh phí xây dựng theo thiết kế cho bên A, số tiền này được bổ sung vào quỹ xây dựng nhà Thờ, không chia chác cho cán bộ bên A như ta thường thấy trong xây dựng, tôi đề nghị chúng ta nhiệt liệt cảm ơn ông Bùi Bá Tú. (Vỗ tay)

Các Ban liên lạc họ Đoàn ở 27 tỉnh có người họ Đoàn sinh sống kể cả những bà con sinh sống ở nước ngoài đều tích cực đóng góp quỹ xây dựng Đền. Trong việc đóng góp này, có 3 doanh nghiệp đóng góp từ 1 tỷ đồng trở lên:

1. Ông Đoàn Văn An (Hà Nội) 1 tỷ 500 triệu đồng.

2. Ông Đoàn Nguyên Đức (Hoàng Anh Gia Lai) 1 tỷ 67 triệu đồng.

3. Bà Luật sư Đoàn Minh Hà (TP. Hồ Chí Minh) 1 tỷ đồng.

Có 6 doanh nghiệp đóng góp từ 50 triệu đồng trở lên:

1. Ông Đoàn Hữu Ngạn (Quảng Ninh) 300 triệu đồng.

2. Ông Đoàn Trọng Lý (Hà Tĩnh) hơn 100 triệu đồng.

3. Ông Đoàn Văn Hồng (Quảng Ninh) 100 triệu đồng.

4. Ông Đoàn Xuân Tiếp (Hà Nội) 100 triệu đồng.

5. Ông bà Đoàn Văn Hoàn và Nguyễn Thị Định (Thanh Hoá) cũng tiến bộ Đỉnh hương bằng đá trị giá 65 triệu đồng.

6. Bà Tiến sĩ hoa hậu Đoàn Thị Kim Hồng (TP. Hồ Chí Minh) 50 triệu đồng.

Tôi đề nghị chúng ta nhiệt liệt hoan nghênh và cảm ơn toàn thể các thành viên trong họ Đoàn và ngoài họ Đoàn đã đóng góp công sức, tiền của để xây dựng ngôi Đền tôn nghiêm này. (Vỗ tay)

Trong hai đợt xây dựng, hai ông Đại tá Đoàn Hạp và Đại tá Đoàn Quang Hợp được giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ huy xây dựng đã có nhiều cố gắng trong chỉ đạo để hoàn thành công trình theo đúng tiến độ. Nhất là trong xây dựng đợt 2, việc giải phóng mặt bằng và cắm mốc giới khuôn viên Đền có nhiều khó khăn phức tạp, Đại tá Đoàn Quang Hợp đã cùng với xã Đoàn Thượng và bên B thực hiện tốt. Tôi đề nghị chúng ta nhiệt liệt hoan nghênh hai ông Đoàn Hạp và Đoàn Quang Hợp và tất cả anh chị em trong họ và ngoài họ tham gia xây dựng và quản lý ngôi Đền này. (Vỗ tay)

Về khái toán xây dựng Đền trong 2 đợt hết 5 tỷ 200 triệu đồng. Đợt 1: 1 tỷ 100 triệu đồng (xây dựng: 972 triệu đồng, đồ thờ: 128 triệu đồng), đợt 2: 4 tỷ 100 triệu đồng. Họ ta còn phải huy động vốn để mua 4.000m2 đất sau Đền là 800 triệu đồng. Chống lún, chống dột, sửa xô ngói và đắp lại 2 con rồng hết 800 triệu đồng. Như vậy quỹ xây dựng cần 1 tỷ 600 triệu đồng. Rất mong các doanh nghiệp và bà con đóng góp để hoàn tất ngôi Đền và khuôn viên. Còn việc quyết toán chính thức xây dựng Đền và sử dụng 4.000m2 đất phía sau Đền như thế nào, Hội đồng Gia tộc sẽ bàn và báo cáo với toàn họ vào ngày mùng 8 tháng Giêng năm Nhâm Thìn (2012).

Thưa Quý vị Khách quý và Toàn thể bà con!

Hàng năm cứ đến ngày mùng 8 tháng Giêng, ngày giỗ Cao tổ Đoàn Văn Khâm, đại diện của hơn một triệu con cháu dòng tộc họ Đoàn Việt Nam, một bộ phận của con cháu Lạc Hồng, sinh sống ở 27 tỉnh thành phố trong nước và ở nước ngoài, về tụ họp tại Đền Đông Hải Đại Vương Đoàn Thượng - Tổ ấm của Đại gia đình Đoàn tộc Việt Nam để dâng hương tưởng niệm tổ tiên và giao lưu tình cảm, cùng nhau ôn lại lịch sử dân tộc Việt Nam và lịch sử Đoàn tộc Việt Nam. Để mỗi người chúng ta suy ngẫm về đất nước con người Việt Nam mà họ Đoàn ta cùng hơn 340 dòng tộc khác đã cấu thành nước Việt Nam, trên một giải đất hơn 33 vạn km2 ở Đông Nam Châu Á.

Để xứng đáng với dân tộc Việt Nam và dòng tộc họ Đoàn, mọi người chúng ta ra sức cùng nhau học tập, nâng cao kiến thức về lịch sử dân tộc, văn hoá dân tộc, hiểu biết về cuộc sống dân tộc mình và Thế giới. Mỗi thành viên trong họ ra sức học tập, hiểu biết về Pháp luật, văn hoá, kỹ thuật sản xuất kinh doanh, biết làm ăn sinh sống, làm giầu cho gia đình và góp phần làm cho nước mạnh. Mỗi thành viên dòng tộc cũng là thành viên của quốc gia, cần làm đủ bổn phận của mình để dân tộc mình vững bền, Tổ quốc vững bền, phấn đấu xây dựng một Việt Nam: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” như Nghị quyết Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XI đã đề ra. Phấn đấu đến năm 2020, xây dựng Việt Nam là một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Trong dịp giỗ Cao tổ Đoàn Văn Khâm và khánh thành đền thờ Tổ và Đông Hải Đại Vương Đoàn Thượng, con cháu họ Đoàn nguyện thực hiện 16 chữ:

“Đoàn kết dân tộc

Xoá sạch đói nghèo

Đỡ nghiêng uốn lệch

Không trệch mục tiêu”

“Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”

Chúng ta nguyện đoàn kết cùng nhau thực hiện mục tiêu thiết thực và cụ thể đó, góp phần cùng các dòng tộc khác trong cả nước xây dựng một Việt Nam đàng hoàng to đẹp, sánh vai cùng cường quốc năm châu như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.

Kết thúc bài phát biểu, tôi xin kính chúc các vị đại biểu và bà con một năm mới mạnh khoẻ, hạnh phúc và thành đạt.

Xin trân trọng cảm ơn!