Cổ Loa - Âu Lạc

Post date: Jul 2, 2012 8:17:25 AM

“Thục từ dứt nước Văn Lang

Cải tên Âu Lạc dời sang Loa thành”

(Đại Nam quốc sử diễn ca)

I. Môi trường:

00. Nếu trung tâm xưa của “nước Văn Lang” thời đại “các Vua Hùng” của lịch sử, hay/ và sơ kỳ thời đại Kim khí của khảo cổ học, là vùng Việt Trì – Làng Cả - Bạch Hạc, tức là vùng đồi gò trung du hay/ và vùng đỉnh thứ nhất của tam giác châu sông Nhị (Hồng hà) thì thế lưỡng hợp Âu (Việt) và Lạc (Việt) thành đất Âu Lạc thời đại thục phán – An Dương vương với trung tâm CHẠ/LÀNG CHỦ Cổ Loa, là sự chuyển dịch và phát triển đất nước theo chiều Tây – Đông từ trung du xuống hạ du cận biển Đông khi ấy, có thể là trên tảng nền kinh tế - xã hội của sự phát triển kỹ thuật đúc đồng – rèn sắt, sự phát triển đại trà nghề nông trồng lúa nước, sự phát triển và phân tầng (xã hội) thêm một bước của cấu trúc xã hội trồng lúa nước (Rice growing Society), sự ra đời hay/ và củng cố thêm một bước Nhà nước đầu tiên của cư dân nông nghiệp và Văn minh nông nghiệp lúa nước (Rice growing Âu lạc của Civiligation).

Cái nhìn lịch sử-sinh thái nhân văn hay cái nhìn địa-lịch sử, địa-văn hoá (Geo-history, Geo-culture) buộc chúng ta phải xem xét lại thể cảnh môi sinh vùng Cổ Loa trong bối cảnh (context) tam giác châu Bắc bộ (*)

01. Vị trí

Cổ Loa nằm gọn trong một vùng được giới hạn như sau:

Phía Nam: Vĩ độ 21 độ 05 (vĩ độ của Mai Lâm)

Phía Bắc: Vĩ độ 21 độ 10 (vĩ độ của Thuỵ Lâm)

Phía Đông: kinh tuyến 105 độ 55 Đông (của Ngọc Lôi)

Phía Tây: Kinh tuyến 105 độ 50 Đông (của Cổ Dương)

Đó là một ô vuông, mỗi cạnh khoảng 10km, diện tích khoảng 100 km2. Trung tâm của ô vuông (hay còn gọi là tứ giác nước) này là thành Cổ Loa. Toàn khu vực nằm ở phía Bắc trung tâm Hồ Gươm, thủ đô Hà Nội ngày nay (khoảng 17 km) ở tả ngạn sông Nhị (Hồng) và sông Thiên Đức cũ (sau được đào ngắn thành sông Đuống hiện tại).

Phía Tây Bắc thành Cổ Loa là vùng Tó (Tó, tiếng Tày - Việt cổ có nghĩa “vùng ngoại vi” thành luỹ, nay là thị trấn Đông Anh và các làng xã Cổ Dương, Lương Nỗ, Uy Nỗ…). Phía Tây Cổ Loa là các làng Tiên Dương, Uy Nỗ thượng. Phía Tây Nam có các làng xã Trầm Xá, Đông Hội, Xuân Canh…Phía Đông Nam có các làng Lý Nhân, Lộc Hà…Phía Đông có Dục Tú. Đông Bắc có Dục Tú, Gia Lộc, Dục Nội, Lỗ Giao, Lỗ Khê hay là vùng “Ba làng Quậy, bảy làng Rỗ (Lỗ)”.

02. Địa hình: Cổ Loa có tên dân gian là Chạ/Làng Chủ. Đại Vĩ, Hà vĩ…có tên dân gian là Quậy. Đọc câu thành ngữ dân gian: “Quậy ủ Chủ tươi, Quậy cười Chủ khóc” ta thấy ngay ở vùng thuộc xứ sở “mưa nhiều nắng lắm” này, Cổ Loa là vùng đất cao hay vùng rìa thềm cổ (theo Đinh Văn Nhật) nằm nghiêng nghiêng Tây Bắc - Đông Nam (từ “cốt” 11-12m xuống cốt 5-6m) và vùng Quậy, nay là xã Liên Hà là một “trũng” (ô trũng) của tam giác châu sông Nhị.

0.2.1. Nói đúng theo ngôn ngữ địa lý học hiện đại, Cổ Loa nằm ở một vị trí khá đặc biệt, nó thuộc về phần “thượng đỉnh” của tam giác châu và nằm gần như trên trục chính của tam giác châu sông Hồng.

0.2.2. Nhiều nhà địa lý học (Lê Bá Thảo, Vũ Tự Lập…) phân chia tam giác châu sông Hồng làm ba vùng: vùng cao (thượng), vùng giữa (trung), vùng thấp (hạ) hay là vùng “già” (old delta), vùng “trẻ” (young delta), ứng với ba đỉnh tam giác châu, theo lịch đại, là: Việt Trì-Dâu Canh - Phố Hiến.

0.2.3. Cổ Loa – Hà Nội nằm trong vùng “đất cao Tây Bắc” của tam giác châu sông Hồng. Sự phân chia ấy xuất phát từ nét đặc trưng là độ cao của vùng này hơn hẳn vùng còn lại của châu thổ. Ở đây có những “gờ” “mộc” (Cổ Loa) hay “con trạch”, “sống đất” (bourelete) cao 13 – 15m nằm cạnh những dải đất thấp 5m, thường tụ nước, tạo thành những đầm hồ. Có khi đó là những khúc sông cũ hình móng ngựa của “tứ giác nước” Cà Lồ (Bắc) – Thiên Đức (Dâu, Đuống) (Nam) - Nhị (Hồng) (Tây) – sông Cầu (Nguyệt Đức) (Đông). Dân vùng Cổ Loa – Đông Anh gọi là “sông sau”, Thiên Đức - Dâu - Nhị là “sông trước” với dòng sông Nhỏ - Thiếp (Thiếp, tiếng Tày - Việt cổ chỉ con sông nhỏ - chảy qua thành luỹ Cổ Loa (Hoàng giang) giữa hai con sông lớn Bắc Nam) đã bị “chết” hay bị “bỏ rơi” trong quá trình sông đổi dòng trên bề mặt châu thổ do chính phù sa của chúng tạo thành.

0.2.4. Châu thổ Bắc Bộ, vùng giữa, vùng thấp độ cao (“cốt”) chỉ 4-5m, với một số gờ đất không cao lắm, chênh nhau vài mét với các “trũng” (trũng Ứng Hoà, Hà Tây ( Hà Đông, Sơn Nam Thượng cũ), “cố” chỉ có 1m và giảm dần về phía Đông Nam. Tức là ra phía các cửa sông (“cốt” 0, sông Hồ, Thái Bình thì hoàn toàn không còn thấy những gờ đất cao ven hai bên sông nữa, có chăng sau này chỉ là đê sông, đê biển nhân tắc nhân vi…(tất nhiên ở châu thổ Bắc bộ về mặt địa hình còn phải chú ý đến các đồi núi “sót”, như núi Sái (Thuỵ Lôi) ở Tây Bắc Cổ Loa, Tiêu Sơn, Phật Tích, núi Chè, Long Khám, Hồng Vân - thuộc Tiên Du cũ, Từ Sơn, Bắc Ninh nay - ở nam Cổ Loa…).

03. Theo đường thẳng chim bay, Cổ Loa cách đỉnh thứ nhất Việt Trì của tam giác châu 35km (đấy là cuộc “hành trình lịch sử” từ vua Hùng (Pò Khun) đến vua Thục Phán (Túc Phắn) và cách biển 65km (cuộc “hành trình lịch sử” về sau - đến nay).

0.3.1. Nếu ta đi từ miền núi - miền đồi xuống miền châu thổ xuôi theo lưu vực sông Nhị - Hồng thì ta nhận thấy từ Việt Trì (trung tâm “Văn Lang”) đến Cổ Loa (trung tâm Âu Lạc) rồi đến Thăng Long (trung tâm Đại Việt), thung lũng chưa mở rộng, địa hình còn mấp mô, với những đồi gò sót kéo dài xuống như “cái đuôi” của hai dải Tam Đảo (tả ngạn) Ba Vì (Tản Viên - Hữu Ngạn) đóng khung hai bên rìa châu thổ. Sườn Đông – Nam ( Sóc Sơn) của dải núi Tam Đảo chỉ cách Cổ Loa có 18km. Theo huyền tích dân gian, đấy là đường hành quân của vua Thục Phán -An Dương Vương. Từ “kinh đô nhà Hùng” (Việt Trì) qua núi Đối Mã xuống vùng Tó rồi cuối cùng “định đô” ở Cổ Loa.

0.3.2. Vậy vùng “thượng” hay “thượng đỉnh” của tam giác châu Thao-Hồng này có thể coi là vùng “chuyển tiếp” từ trung du xuống đồng bằng. Nó là khu vực được bồi đắp đầu tiên khi sông Thao (nậm Tao của người Tày - Việt cổ) đã tiếp nhận các phụ lưu lớn của mình là sông Lô (nậm Lù), sông Đà (nậm Tè)và bắt đầu mở rộng thung lũng. Sau khi đã vào hẳn ở châu thổ “cổ” rồi, con sông Nhị - Hồng này mới tách ra các chi lưu (sông Đáy, sông Dâu (Thiên Đức) rồi sông Luộc, sông Châu…) để thoát (nước) lũ…

04. Cổ Loa có những đường thuỷ tự nhiên: nằm kề sông Hoàng giang (sông Thiếp) - bắt nguồn từ Đại Đồng thuộc Yên Lãng – Phúc Yên cũ (nay là Mê Linh – Đông Anh). Nhìn trên ảnh chụp từ vũ trụ (viễn thám), sông Thiếp nối liền Cổ Loa với các vùng trung du (trên) và châu thổ (dưới) lân cận…

Như đã nói ở trên, Cổ Loa nằm giữa sông Cà Lồ (Bắc) và sông Dâu – Thiên Đức - Đuống (Nam) với dòng Hoàng giang kề cận (giữa).

0.4.1. Theo vị trí tưởng – nhìn hồi cố và theo tài liệu của Cục Lưu trữ Trung Ương về ác tỉnh Phúc Yên, Bắc Ninh cũ thì sông này bắt nguồn từ sông Hồng chảy qua các huyện Yên Lãng, Đông Ngàn ( Đông Anh), Tiên Du, Yên Phong, Võ Giàng rồi đổ ra sông Cầu ở vùng Quả Cản, đối diện Thổ Hà. Do vậy nó còn mang tên là ngũ huyện khê. Thực ra cái gọi là sông Ngũ Huyện là một phức hợp những khúc sông tự nhiên được con người tiếp nối bằng những đoạn kênh đào thẳng (y như cái gọi là sông Đuống hiện nay vậy) phân tích ảnh vệ tinh (viễn thám) chụp vùng đồng bằng Bắc bộ váo tháng 12 (mùa khô), vẫn nhìn thấy rất rõ những dấu vết lòng cũ của sông Nhị - Dâu (Thiên Đức) - Thiếp (Hoàng giang) – Tiêu tương: để lại trên đồng bằng đông ngàn - Cổ Loa - Từ Sơn (Tiên Sơn), Gia Lâm, Thuận Thành…hoặc kết hợp giữa cách tiến cận phân tích ảnh vệ tinh và việc đi điền giã với lối nhìn môi trường – sinh thái học nhân văn thì cũng vậy. Đó là những khúc sông “chết” hay bị “bỏ rơi” dưới dạng móng ngựa. Những khúc sông chết này rải rác khá nhiều trên châu thổ Bắc bộ. Nhưng rõ nhất vẫn là ở vùng phía Bắc Hà Nội.

0.4.2. Ba/bốn cái vòng “móng ngựa” khá to, thấy rất rõ trên ảnh vệ tinh và khi đi điền giã ở vùng chung quanh Cổ Loa là:

1. Đầm Vân Trì

2. Vực Dê và đoạn sông Thiếp từ đó đến Mạch Tràng rồi chạy vòng vo xuống phía Nam như là “ngoại hào” của khung thành luỹ Cổ Loa.

3. Vực Tó và những dòng chảy xuống bao quanh phía Bắc khu thành luỹ Cổ Loa.

4. Khúc cong từ Mai Lâm vòng qua đầm cả rẽ lên Dục Tú (dẫy ao dài tách Dục Tú thành hai nửa: thôn Tiền – thôn Hậu) rồi qua Đình Tràng, Châu Khê, Trịnh Tháp, “trũng Vân Điềm” (làng Đóm)…

Phải nói rằng trên bản đồ địa hình dù với tỉ lệ lớn của Cục Bản đồ Nhà nước cũng khó mà phân biệt được giữa sông đào với sông tự nhiên. Ngược lại bằng tư duy điền dã tưởng - nhìn hồi cố, kết hợp với ảnh vệ tinh (dù chụp ở độ cao cả trăm kilômét) vẫn thấy rõ các khúc sông tự nhiên, còn kênh đào nối liền các khúc sông thì không nhìn thấy hoặc rất lờ mờ (đường bộ giao thông cũng vậy). Điều đó nói lên rằng:

- Những thành tạo tự nhiên có nguồn gốc sâu sa hơn nhiều. Chúng có bề dày hàng chục, có khi hàng trăm mét trong lòng đất, trong khi đó kênh đào chỉ ở trên bề mặt.

- Chính nhờ nguồn gốc sâu sa và lịch sử hình thành lâu dài (tầng cuội sỏi và phù sa hạt mịn tổng cộng dày tới 60 đến 70 mét theo tài liệu thăm dò địa chất) nên chúng in đậm nét lên ảnh vệ tinh. Đấy cũng là nhận xét của các chuyên gia địa chất học giải đoán địa - ảnh: “những thành tạo có gốc rễ càng sâu trong lòng đất thì càng in dấu đậm nét trên ảnh chụp từ tầng cao vũ trụ” (càng bay xa lên tầng cao, càng nhìn thấu suốt xuống chiều sâu: đó là bản thể nhận thức luận)

0.4.3. Trong trường hợp cụ thể của sông Thiếp – Hoàng giang, có thể nói (và viết) là nó đã tồn tại từ lâu như một con sông tự nhiê: đó là một chi lưu (refluent) của sông Thao - Nhị - Hồng.

Thế rồi… thế sự thăng trầm… nó bị “bỏ rơi – hay gần như thế (xem Nguyễn Thiệu Lâu : một đoạn sông Hồng, từ cửa sông Lô đến cửa lấp sông Cà Lồ mấy nhận xét về đoạn sông Hồng quanh Hà Nội, từ cửa sông Đuống đến Từ Sơn, Tài liệu Cục Lưu trữ Trung Ương).

05. Phù sa và con người:

0.5.1. Sự có mặt rộng rãi của tầng cuội - sỏi trong cột địa tầng các lỗ khoan thăm dò địa chất vùng quanh Hà Nội - Cổ Loa chứng tỏ lòng sông cũ cửa sông Hồng (chỗ chứa đầy cuội sỏi từ miền núi mang xuống) đã từng di chuyển quét ngang nhiều lần trên bề mặt tam giác châu (GS Nguyễn Viết Phổ nguyên Cục trưởng Cục Thuỷ văn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng - thuỷ văn Việt Nam, trong một tài liệu chưa công bố và trong cuốn sông ngòi Việt Nam (H.1989) đã khẳng định rằng: sông Tô Lịch là lòng cũ sông Hồng, rằng “lòng sông Hồng di chuyển hướng Tây – Đông trong nhiều trăm năm lịch sử”, rằng “sông Thiên Đức xưa hay/và sông Đuống ngày nay (tiêu thụ) tới 2/3 lượng nước sông Hồng trôi ra biển Đông”…

Quá trình dịch chuyển hẳn đã diễn ra trong hàng ngàn năm, vì tầng cuội sỏi cửa lòng sông Hồng xưa đã đạt đến chiều dày hàng chục mét trở lên. Ví dụ: một lỗ khoan ở thôn Mạch Tràng xã Cổ Loa cho thấy tầng cuội dày 14 mét. Sang đến Dục Nội, qua xóm Thư Cưu - Cổ Loa, tầng cuội giảm bề dày còn ≥ 12 m, nhưng tới Dục Tú thì độ dày lên tới ≥ 2m.

Đáy tầng cuội cũng không đồng đều về độ sâu: -49m ở làng Mạch Tràng xã Cổ Loa, -40m ở Dục Nội (có lúc gọi là Việt Hùng) và -68m ở Dục Tú.

0.5.2. Điều đó cho ta thấy địa hình đá gốc, đá mẹ (mother – stone) ở châu thổ - tam giác sông Hồng vốn có bề mặt mấp mô kiểu “lên đồi/xuống gò sót”. Nhờ sự bồi đắp “tích cực” của hệ thống sông Hồng (tuy không “dài nhất thế giới” nhưng thuộc loại “cuồn cuộn phù sa nhiều nhất thế giới”, nhưng thuộc loại địa hình ngày nay có vẻ đã trở nên tương đối bằng phẳng hơn: bề dày tầng phù sa hạt mịn và nhỏ (nằm trên tầng cuội tảng nền cơ sở) tăng dần… từ Mạch Tràng (25m) đến Dục Nội (44m). Khối lượng phù sa “vĩ đại” và chiều dày “lịch sử” của nó là kết quả của hàng ngàn vạn năm bóc mòn núi đồi Vân Quý (Vân Nam – Quý Châu, độ cao hơn 4.000) để bồi đắp cho châu thổ Bắc Bộ Việt Nam.

0.5.3. Mà đã xong đâu…con người Việt cổ từ trước sau Công nguyên đã tràn xuống tam giác châu, rồi đắp bờ vùng - bờ thửa tiến tới đắp đê làng xã – vùng miền-đất nước, khiến châu thổ Bắc Bộ có lẽ là duy nhất ở Đông Nam Á chưa hình thành xong một cách tự nhiên, đã được/bị con người chiếm lĩnh hoặc bằng cách hành động nhân vi nhân tác (đào kênh, khơi ngòi, đào ao, lấp trũng, đắp đê sông, đê biển) đã được chặn đứng quá trình hình thành tự nhiên của một tam giác châu và đã để lại (qua lịch sử con người) nhiều “trũng” mà Quậy cận kề Cổ Loa - Trại Chủ chỉ là một muôn vàn ví dụ.

0.5.4. Sự bồi đắp mạnh mẽ, khác thường ấy có thể do mấy nguyên nhân phối hợp cùng nhau/với nhau mà các nhà địa mạo học đã từng nhắc đến:

- Do đợt biển tiến Flandrian, bắt đầu từ 17.000 năm cách ngày nay (B.P.) và lên/xuống rồi đến cao điểm, ổn định cách ngày nay 2.500 năm (trồi sụt 2 đến 4m so với mực nước biển ngày nay)

- Do con người. từ thời đại đá, (ở Cổ Loa đã tìm được đồ đá cũ Sơn Vi (Cuội ghè) (25.000-10.000 năm B.P.) Tại các di tích Đường Cấm Xứ, Thư Cưu…) ta cũng thấy rìu có vai mài Hậu kỳ Đá Mới ở xóm Nhồi, xóm Thượng …) đã đốt/ phá rừng, làm rẫy trên vùng Thượng - Trung - Hạ du, tạo ra những “đồi trọc” nguyên sơ. Điều kiện nhiệt đới – gió mùa – nóng ẩm đã gây ra sự xâm thực, xói mòn (Erosion) “gia tốc” đầu tiên, góp phần làm tăng lượng phù sa của các dòng sông, khi hội tụ ở đỉnh rồi lan toả xuống châu tam giác. Nhờ đó, tam giác châu được bồi đắp nhanh hơn và tiến ra biển về phía Đông Nam cũng nhanh hơn…

- Do vận động tân kiến tạo (neo-tectonic) lún từ từ … tà tà…của “trũng Hà Nội” nói riêng hay/và “trũng sông Hồng” nói chung , tạo điều kiện cho sự tích tụ phù sa dày.

Như vậy, trong ba nguyên nhân hay nhân tố tạo tam giác châu sông Nhị - Hồng, CON NGƯỜI đã chiếm một tác nhân và không kém phần “tích cực” (Active) so với “các nhân tố tự nhiên”.

0.6 Ngoài các đồi, gò sót hay/và thềm cổ (dễ nhận thấy ở vùng Mạch Tràng, Đầm Cả, Thư Cưu) vùng đất bãi ở Cổ Loa thuộc hệ thống “bãi bồi cao” của hệ thống Nhị - Hồng - Dâu Canh, có tuổi khoảng 2500 (B.P.), tương đương với thời kỳ thành tạo các bãi biển “cát vàng” hiện tại. Đó là thời đoạn “biển tiến” Holoken trung, mực nước đại dương đã lên tới tối đa (khoảng 4m so với mực nước biển ngày nay) và đã rút dần và ổn định, với những dao động nhỏ về sau, không đáng kể.

Nếu không có những đê - luỹ được thiết lập từ trước – sau Công nguyên và hoàn chỉnh thành “hệ” từ sau những thế kỷ X-XI thì vùng Cổ Loa có thể được bồi đắp mỗi khi có lũ tràn về…

II. Con người và văn hóa:

0.0 Cổ Loa còn đó, với tên gọi, với các luỹ thành, ngày càng bị sói mòn bởi thời gian, do tự nhiên và do nhiều tác động nhân vi – nhân tác. Với các Đền (Đền Thượng, thờ An Dương Vương), Đình (cũng thờ An Dương Vương, nhưng ngôi đình hiện tại - với niên đại 1893 (Thành Thái) thì được “mua” từ Việt Trì và dựng lại, có bức “cửa võng” cực đẹp), với Am (thờ Mỵ Châu với pho tượng đá “cụt đầu”, do bị vua cha chừng phạt, thực ra đó là ba tảng đá cuội kết lớn được kết dính lại với nhau)… và nhất là nhiều huyền tích vô thể được “thi vị hoá” thành thiên “tình sử Loa thành” thành tiểu thuyết “Mỵ Châu - Trọng Thuỷ”… được tồn đọng trong dân gian với lệ “ăn sêu bà Chúa” (cả làng ăn bún vào ngày 13 tháng Tám lịch Ta)…

Cổ Loa đã và đang bị biến dạng…

01.1 Cổ Loa với những tên gọi khác nhau “Việt vương cố thành” (Tuỳ thư, VI), “cố Thành của An Dương Vương ở huyện Bình Đạo” (Thuỷ kinh chú, VI), “thành khả lũ” (An Nam chí lược, Lê Trắc, 1333) thuộc trangKim lũ” (thần phả Nguyễn Bính 1572) với “thành Cổ Loa” (tên Cổ Loa) chính thức xuất hiện từ thế kỷ XV với sách An Nam chí nguyên của Cao Hùng Trưng), với “Nàng Ốc”, “thành Ốc” (Thiên Nam ngữ lục, XVII-XVIII) rồi với G.Dumoutier (cuối XIX), với tập không ảnh chụp năm 1940 (không rõ ràng lắm) và tác phẩm của R.Despierres (Cổ Loa, Âu Lạc capitale du Royaume Âu Lạc, H.1943), với Trần Trọng Kim ( Việt Nam sử lược, 1909 và tái bản 1953…) với Đào Duy Anh (Việt Nam sử lược giáo trình, Cổ sử Viêt Nam, quyển thượng, H.1995)vv… và vv.

01.2 Năm 1959 tin tức gây chấn động về việc phát hiện ra kho mũi tên đồng Cổ Loa gần hàng vạn chiếc (hiện tàng trữ tại kho bảo tàng Thăng long, Hà Nội, ở chùa Hưng Ký). Lúc bây giờ Cổ Loa – Đông Anh còn thuộc tỉnh Vĩnh Phúc, và đã được các cụ Văn Tân (Viện Sử học), Đào Từ Khai (Viện Bảo tàng lịch sử) đăng tải các ý kiến riêng/chung trên Tập san Nghiên cứu lịch sử…và đều gắn/gán phát hiện “có một chưa hai” đó với huyền tích “nỏ thần của vua Thục An Dương Vương”.

Chỉ sông, sông cạn

Chỉ núi núi tan

Chỉ ngàn, ngàn cháy…

Rồi sau đó, liên tiếp xuất hiện các bài nghiên cứu về lịch sử huyền tích Mỵ Châu - Trọng Thuỷ ở thập kỷ 60 của các ông Trần Nghĩa, Dương Tất Từ, Trần Quốc Vượng, (Tạp chí văn học, Viện Văn học) trong đó ông Từ nêu ra chứng cứ Lĩnh Nam trích quái (XIII-XV) về Cổ Loa thuộc đất Vịêt Thường thị và ông Vượng nêu ra những thư tịch cổ Trung Hoa từ đầu thiên niên kỷ I nói Trai Ngọc là sản phẩm quý của vùng Biển Đông – nay dân chài vịnh Hạ Long – Bái Tử Long còn gọi là hào Giâu – Giâu – Châu cũng biến âm như Giầu - Trầu (Cau), Giàn – Tràn (nước)…và do vậy các thủ lĩnh Việt cổ sinh còn thường đặt tên là Châu Mỵ (Nương) theo lĩnh ngoại đại đáp của Chu Khứ Phi đời Tống phiên âm là Mễ nang – là một tên Việt - Mường cổ chỉ con gái các thủ lĩnh (lang đạo, lang cun, pò Khun...)

0.1.3. Công cuộc nghiên cứu điền dã Cổ Loa thực sự bắt đầu giữa thập kỷ ‘60 - thời chống Mỹ cứu nước của Đại Học Tổng Hợp Hà Nội, Viện Khảo cổ học, Viện Bảo tàng Lịch sử, Viện Mỹ thuật, Phòng Bảo tồn bảo tàng Sở Văn hóa...

Một Cổ Loa xưa trong lòng Đất và trong lòng Người bước đầu được phát triển và tìm hiểu.

02.1. Khi phân tích truyền thuyết Mỵ Châu - Trọng Thủy, các học giả P.Pelliot, J.Prfyluski, Đào Duy Anh... đã thấy “cốt truyện” này tương tự (cùng cấu trúc với hệ biểu tượng, cổ tượng (mẫu gốc, archetype)...) với câu chuyện “nàng công chúa tanh mùi cá” của Phù Nam (châu thổ Mê-công nay). Học giả Ca Văn Thỉnh thấy giống cốt chuyện “Theo dấu lông ngan” của một đoàn tuồng Quảng Đông. Các GS Từ Chi, Bùi Văn Nguyên, Trần Quốc Vượng đã lần theo “di tích” và cốt truyện này ở ven biển xứ Thanh (Nghi Sơn, Tĩnh Gia), xứ Nghệ (đền Cuông, Đông Thành, Diễn Châu) cho tới ven biển Nam Ấn Độ, vùng châu Phi đen ven biển Đại Tây Dương rồi đến miền Bretagne (Pháp) ven biển Manche...

Chủ đề phổ quát (universel) của câu chuyện này là “Tình yêu và sự Phản bội”, là sự tiết lộ “bí mật nội bộ của một công nương đắm say chàng trai ngoại lai khiến mất “nước” (lãnh thổ) và bị vua-cha trừng phạt hay đó cũng là sự tích “ngọc trai” kết tinh máy huyết và cuộc tình đau khổ của con người (“Yêu vừa là sung sướng vừa là đau khổ” là kết luận của giới Tâm lý học phân tích hay Tâm lý học các chiều sâu)

Huyền tích Mã Viện (“tướng Tàu”) phá tượng đá Mỵ Châu (hay là một tượng đá nào đó) lấy châu ngọc ở Cổ Loa hay/là nơi khác cũng được GS Trần Đức Thảo phân tích như câu chuyện "thạch trung ẩn ngọc” trong đá (cái “thường” có ẩn dấu ngọc “cái quý” việc hình thành các “kho hàng” của tầng lớp thương nhân (hay thủ lĩnh kiêm thợ cả kiêm thương gia) thời đại Sơ kỳ Kim khí và việc đánh phá, chiếm đoạt các kho báu đó của thủ lĩnh đối lập, láng giềng...

Với thời gian, huyền thoại - huyền tích này đã được “lịch sử hóa” (historisé) và thời sự hóa, chính trị hóa (evhémerisé).

02.2 Tiếp theo việc “phục nguyên” về ngôn ngữ học (sémantique) các danh hiệu Hùng vương-Vua (Bua) Hùng-thành Pò Khun (Khun = thủ lĩnh, Pò Khun = thủ lĩnh mạnh nhất/vua như Khan = thủ lĩnh, Tchingit Khan = thủ lĩnh mạnh nhất/vua, mà ta hay phiên âm là Thành-cát-tư-hãn, vua đầu tiên của Mông Cổ), Trần Quốc Vượng và các cộng sự (Cầm Trọng, Phạm Đức Dương, Cao Xuân Hạo...) đã phục nguyên danh hiệu “Thục Phán” (không phải họ Thục, tên Phán, người gốc Tứ Xuyên nước Thục...). Theo tiếng Tày-Việt cổ là “Tuk Phắn”; (Phắn=Phanh, như sử thi Phanh Mương của người Thái) tức là thủ lĩnh chiến tranh “người đi mở đất mở mường”, nó tương ứng với khái niệm thủ lĩnh thời đại “dân chủ-quân sự” của F.Engels (trong Nguồn gốc của gia đình, của riêng và Nhà nước, chương IX Dã man và Văn minh).

02.3 Do vậy, nếu ta/tôi nêu giả thuyết, để tiếp tục nghiên cứu là:

+ VUA HÙNG-PÒ KHUN là THỦ LĨNH TỐI CAO (Mỹ-Anh dịch là overlord) của Hệ thủ lĩnh (Mỹ-Anh dịch là chiefdom (s)) các tộc Việt cổ ở miền lưu vực (trung-hạ lưu) sông Thao (Nhị, Hồng)-Âu Việt, Lạc Việt... đã từng tồn tại từ dăm bẩy thế kỷ trước Công nguyên.

+ ...thế thì cái nhãn/danh hiệu An Dương vương Thục Phán mà lịch sử truyền thống đã chép và huyền tích dân gian đã lưu truyền có thể là sự “Hán hóa” về sau, như các danh hiệu Hùng/Lạc vương, Lạc hầu, Lạc tướng... Cái chức danh Tuk Phắn, một ý niệm Tày-Việt cổ, chỉ người “thủ lĩnh đi mở đất mở mường” hay để dùng khái niệm của F.Engels, là “thủ lĩnh quân sự” của đầu thời đại Sắt, vài ba thế kỷ trước Công nguyên.

Lịch sử nước nào, dân tộc nào cũng có một niên đại sớm nhất được ghi trong biên niên sử đáng tin cậy, tuy đấy là sự thực đã là niên đại muộn mằn. Trong lịch sử Trung Hoa, đó là năm 841 trCN, thời Đông Chu…Trước đó, thời Thương-Ân và có thể cả thời Hạ Vũ…chỉ có niên đại tương đối theo giả thuyết và còn tiếp tục được tranh biện. Ấy là chưa kể Sử ký Tư Mã Thiên còn chép cả các đời “Tam Hoàng-Ngũ đế” thực ra đã thuộc lĩnh vực huyền thoại/và huyền tích.

Ở trường hợp Sử nước Nam, thì cũng vậy. Ta chỉ biết chắc (theo Sử ký Tư Mã Thiên), nhân vật lịch sử Triệu Đà xưng là Nam Việt vương vào năm 183 trc.CN đến cuối năm 180 trc.CN thì xưng Nam Việt Vũ đế và sau đó “dùng binh uy hiếp miền biên cảnh và dùng của cải mua chuộc khiến Mân Việt ở Đông và Âu Lạc ở Tây thần phục” (Sử ký, q.113)

Như vậy, Âu Lạc là một thực thể xã hội - tiền nhà nước hay Nhà nước sơ khai (lại cũng dùng khái niệm của F.Engels)-tồn tại trước năm 189 tr.CN. Ta có thể “đặt” - một cách hợp lý - thực thể Âu Lạc đó vào dòng lịch sử Việt Nam khoảng nửa cuối thế kỷ III đầu thế kỷ IV trc.CN.

Trước đó nữa, là “thời đại các Vua Hùng” nửa huyền tích, nửa lịch sử, mà người đầu tiên ghi thời đó vào biên niên sử Đại Việt là Hồ Tông Thốc (Đại Việt Thế chí, Cương, mục) rồi tác giả khuyết danh Đại Việt sử lược ở khoảng cuối thế kỷ XIV và sau này Ngô Sĩ Liên tác giả đầu tiên của Đại Việt sử ký toàn thư ở nửa cuối thế kỷ XV, đời vua Lê Thánh Tông.

03. Có một thực thể văn hoá làm bệ đỡ cho những suy luận về thực thể xã hội Âu Lạc - Việt cổ, đó là Thực Thể Đông Sơn với những trống đồng loại I Heger nổi tiếng mà trống đồng Cổ Loa phát hiện năm 1982 là một trong ba chiếc trống sớm nhất và đẹp nhất cho đến nay ta biết: Ngọc Lũ-Hoàng Hạ-Cổ Loa.

03.1. Như đã biết, vùng Cổ Loa (nghĩa rộng) là vùng cao cuối cùng ở dãy núi Tam Đảo (Tây Bắc) mở ra vùng trũng Đông Ngà-Từ Sơn mà gờ bên kia (Đông Nam) là dải núi Tiên Du-Phật Tích.

Khi mực nước biển còn thấp, châu thổ đất liền còn tràn ra tới vùng đảo Bạch Long Vĩ hiện nay, thì con người cuối thời Đá cũ (giai đoạn Sơn Vi, khoảng 20.000 năm cách ngày nay) đã cư trú ở khu vực Cổ Loa (“đường Cấm Xứ, gò Thư Cưu…là những thềm sót bậc 1) chữ của các nhà địa lý học Lê Bá Thảo, Dương Đạt Tam) ở miền Đầm Cả, phía Đông thành Cổ Loa ngày sau.

03.2. Khi biển tiến và có thể do khí hậu thay đổi (lạnh hơn, xem Hà Văn Tuấn, Trần Quốc Trị), các cộng đồng người cuối thời ĐÁ CŨ – THU LƯỢM rút về miền núi non-thung lũng phía Đông Bắc và Tây Bắc-Tây Nam châu thổ hiện tại. Ở đó, họ sáng tạo ra các nền văn hoá Hoà Bình-Bắc Sơn, tiền Đá Mới và Đá Mới (trên dưới 10.000 năm cách ngày nay). Cụm di tích Hoà Bình/Bắc Sơn gần châu thổ nhất, gần Cổ Loa nhất là cụm di tích Hương Sơn (Mỹ Đức-Hà Tây), niên đại C14 khoảng trên 11.000 B.P.).

Lúc ấy, bắt đầu khúc nhạc dạo (Prelude) cuộc “cách mạng Đá Mới” (khái niệm của Gordon Childe) trên toàn vùng Đông Nam Á lục địa mà thành quả của văn hoá vĩ đại nhất là sự ra đời của Nghề nông-trồng trọt-chăn nuôi nhỏ) ở vùng thung lũng chân các dải núi đá vôi Kcac-xtic. Người ta còn gọi đó là thời đại Đá-Nông (Agrolithic), bước mở đầu của cả một chặng đường lịch sử văn hoá/văn minh nông nghiệp dày đặc ngàn vạn năm.

Chặng đầu này, gọi là văn hoá Núi, không/chưa tìm thấy di tích ở Cổ Loa. Nó cũng xuất hiện ở một vài miền ven biển, nhất là miền Trung Bộ với Cái Bèo (Cát Bà), Giáp Khẩu (Hạ Long), Bàu Dũ (Quảng Nam) và nhất là cácvăn hóa biển Quỳnh Văn-Pàu Tró ở ven biển các tỉnh Bắc Trung bộ.

03.3 Văn hoá Châu thổ, trong đó có Cổ Loa, chỉ thực sự hiển hiện cách đây trên dưới 4 ngàn năm. Nói thu hẹp và biểu tượng hoá, thì đó là nền văn hoá Lúa, văn hoá Đông Nam Á cổ hay/và văn hoá Việt cổ mà GS Phạm Đức Dương đã thâu gom ý kiến của học giả liên nghành Việt Nam gọi là Cơ tầng Đông Nam Á trong phức hệ văn hoá Việt nam.

03.3.1 Bốn ngàn năm cách ngày nay… là một nhịp thời gian trội vượt của miền đất nước ta trong bối cảnh chung Đông Nam Á.

Lịch sử ở đây diễn ra những quá trình phát tán hội tụ dẫn đến những phức thể văn hoá mới, chung cho toàn vùng nhưng cũng mang nhiều sắc thái địa phương:

Hội tụ Đông Sơn-Sa Huỳnh, Đồng Nai…

Một đặc trưng nổi bật của văn hoá Đông Nam Á, nói theo thi ngữ của người Indonesia là Bhinneka Tunggal Ika: THỐNG NHẤT trong ĐA DẠNG …

03.3.2 Các bước Hội tụ:

+ Phùng Nguyên – Bàu Trám – Cù Lao Rùa

+ Đồng Đậu - đồi Ma Vương – Cái Vạn

+ Gò Mun – Xóm Cồn - Dốc Chùa

+ Đông Sơn - Xa Huỳnh - Giồng Phệt

Bước hội tụ sau cao hơn bước hội tụ trước, mà quá trình hội tụ cũng bắt nguồn từ nhiều trung tâm khác nhau (các địa danh nêu trên chỉ có ý nghĩa giả định, biểu trưng) nó không mang tính tiến hoá đơn tuyến mà là hình thành trong sự tiếp xúc, đan xen, giao thoa văn hoá nhiều chiều, tạo nên những điểm/trục/hệ đồng quy, tạo thành những cấu trúc văn hoá - tộc người đa thành phần. Không nên giản đơn hoá, chẳng hạn trống đồng Đông Sơn = Lạc Việt.

Kết quả là:

a) Tính đa dạng ngày càng mở rộng trong không gian

b) Tính bản chất mẫu số chung được tiềm ẩn sâu trong thời gian, trong vô thức dân gian nối tiếp nhau, đắp đổi nhau qua thời gian và…

c) Tác động qua lại giữa chúng tạo nên một cơ chế tổng hoà phát sinh – phát triển của những Nhà nước/Nước sơ khai (Âu Lạc chẳng hạn) và của cả khu vực Đông Nam Á.

03.3.3. Với những thành tựu nghiên cứu khoa học đa/liên ngành mấy chục năm vừa qua, ta có thể hình dung bức tranh toàn cảnh và/với Diễn trình lịch sử hai thiên niên kỷ trước CN trên đất nước ta, và đặc biệt ở Bắc bộ, để cho sát gần hơn với đề tài Cổ Loa là như sau:

+ Việt Nam gần như ở trung tâm Đông Nam Á (Yver La Coste) hay là một Đông Nam Á bán đảo, “thu nhỏ” (enen mini ature, cả lục địa và hải đảo), có 3 thành phố văn hoá núi-đồi-châu thổ-văn hoá ven biển và biển, có nhiều tộc người thuộc các lữ hệ Nam Á ( austroasiatic) Nam Đảo (austronesian), Tạng - Miến (tibeto-burmefe)… từ trước CN đã là như thế, nay càng như thế.

Đấy là những cộng đồng người làm nương-rẫy, làm ruộng-nà… đi săn và hái lượm, câu cá và chài lưới sông biển, được hình thành trong quá trình khai phá vùng bán đảo Đông Dương (Indochine)

+ Như trên đã nói, từ hai thiên niên kỷ trước CN đã diễn ra quá trình hội tụ văn hoá- tộc người ở châu thổ Thao-Nhị-Hồng, cũng là quá trình hình thành ngôn ngữ tiền Việt-Mường (Phùng Nguyên-Đồng Đậu) rồi Việt-Mường chung (Gò Mun-Đông Sơn) trên cơ sở tác động qua lại, giao thoa của ba dòng ngữ hệ chủ lưu:

Môn-Khơ me cổ (từ Tây Nam lên, Tây Bắc xuống)

Tày-Thái cổ (từ Bắc, Tây, Đông xuống)

Mã Lai cổ (từ biển ngược sông lên)

(không phải không có sự tham gia của các yếu tố ngôn ngữ - văn hoá Tạng Miến và xa hơn, thảo mạc (steppic). Ta gọi chung những cư dân Sơ kỳ thời đại Kim khí đó là NGƯỜI VIỆT CỔ.

+ Đến nửa cuối thiên niên kỷ 2 và cả diễn trình thiên nhiên kỷ I trước Công nguyên tính đến những sự tiếp xúc và giao lưu văn hoá, hội nhập văn hoá giữa Đông Nam á với thế giới Trung Hoa, Ấn Độ.

Nhiều hiện vật của văn hoá Thương – Ân (thế kỷ XVI trước Công nguyên) đã tìm thấy ở châu thổ Bắc bộ, giai đoạn Phùng Nguyên từ An Đạo (Phù Ninh, Vĩnh Phú) đến Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội).

+ Vùng “vịnh Hà Nội” cổ trở thành nơi hội tụ và giao thoa tộc người – văn hoá – ngôn ngữ với nhịp điệu ngày càng nhanh và mạnh.

+ Do sức ép của sự phát triển dân số vùng núi và chân núi trên các thềm cổ quá hẹp của các dòng sông.

Do sức ép “dồn toa” của bành trướng văn minh Hoa Hạ từ phương Bắc xuống.

Đặc biệt, do sự kích thích của năng suất lúa nước, đã được thể nghiệm thành cồn ở vùng thung lũng với mô hình Tày – Thái cổ “mương-phai” “nà-rẫy” với cuộc sống tương đối ổn định của văn hoá – xã hội nông nghiệp lúa nước, cần phát triển đại trà xuống miền châu thổ.

Thế là có sự thiên cư, chuyển cư rồi/và cộng cư của các cộng đồng tộc người trên Núi xuống, từ dưới Biển lên, mật tập chung vùng đất Tổ (Vĩnh Phú - rồi xuống vùng Hà Nội cổ… Tụ thuỷ, tụ nhân, tụ LÀNG rồi tiến lên tụ NƯỚC…

04. Riêng ở vùng Cổ Loa (nghĩa rộng) sau mấy chục năm nghiên cứu, điều tra, khai quật khảo cổ học, ta có thể xác lập được một hệ thống di tích văn hoá khảo cổ học phân bố theo không gian đôi bờ các con sông và theo trình tự thời gian lịch sử như sau: (đây chưa phải là thống kê đầy đủ)

Chính ở thời điểm Đông Sơn giai đoạn muộn (một hai thế kỷ trước sau Công Nguyên) mà ở Cổ Loa chứng kiến sự ra đời của hệ thống thành luỹ hào, và gắn với Nó là nhà nước Âu Lạc và những người thừa kế.

III. Kinh tế xã hội:

Môi trường Cổ Loa như những phần trên ta thấy, là nơi nhiều thế hệ người Việt cổ (tiền Việt Mường-Việt Mường chung - Lạc Việt, Âu Việt) sinh sống, bao gồm mọi thành tựu thực hiện ở Cổ Loa để cải thiện số phận con người.

1. Dân cư và dân số:

1.1 Theo địa lý học lịch sử (xem Đào Duy Anh, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Đinh Văn Nhật…) thì ở thời đại các vua Hùng, tức khoảng thiên niên kỷ thứ I trước CN vùng Cổ Loa thuộc bộ Tây Vu (sau này là huyện Tây Vu thời Nam Việt – Tây Hán đầu Đông Hán). Cũng có người (xem Dương Tất Từ) căn cứ vào huyền thoại núi Thất Diệu (tức hệ núi Sái – Yên Phụ) ở Thuỵ Lôi, Đông Anh, Hà Nội và một phần Yên Phong, Bắc Ninh nay), Phong Khê (vùng đất cốt lõi của Cổ Loa nay với trung điểm là xóm Gà – Quán Kê – Phong Khê), Vọng Hải (chưa rõ, có thể là vùng bắc Đông Anh, Phúc Yên cũ cho tới sông Cà Rồ)

1.2 Theo Sử ký Tư Mã Thiên và Tiền Hán Thư, khi bị lệ thuộc Nam Việt của Triệu Vũ Đế (Triệu Đà) thì Âu Lạc có khoảng hơn 40 vạn dân trong đó có khoảng 1 vạn quân sỹ.

1.3 Theo Hậu Hán Thư ghi lại lời tâu của Mã Viện xin chia tách huyện Tây Vu thì Tây Vu có 32.000 nóc nhà mà biên giới thì ở cách xa huyện trị Cổ Loa? – TQV) đến hơn nghìn dặm.

Nếu cũng theo thống kê của Hậu Hán thư mà đối sách:

Quận Giao Chỉ: 92.440 hộ (Bắc Bộ)

Quận Cửu Chân: 35.743 hộ (Thanh nghệ Tĩnh)

Quận Nhật Nam: 15.460 hộ (Trung Trung bộ)

Thì ta thấy Tây Vu chiếm hơn 1/3 số hộ của Giao Chỉ và gần bằng số hộ của Cửu Chân. Cũng khó mà có thể tin và tính được (do hiểu biết còn hạn chế hiện nay) mật độ dân số từng vùng cụ thể như vùng Cổ Loa cách đây vài nghìn năm.

Nhưng bằng và sự phân bố dày dặc các di chỉ và mộ tán cổ từ Phùng Nguyên đến Đông Sơn ở khu vực này thì có thể nói rằng mật độ dân số Việt cổ ở vùng này cao hơn các vùng khác như ở châu thổ Bắc bộ và Bắc Trung bộ.

1.4. Các di chỉ thường có tầng văn hoá dày (Đình Chàng # 1,7m, Đông Lâm # 1,5m, Đồng Đậu # 6m) và bộ hiện vật gốm, đồng, sắt đa dạng. Nó cho ta thấy lối sống định cư đã hình thành và phát triển ở vùng này.

2. Qua những hiện vật, người ta thấy đấy là những cư dân trồng lúa nước có đan xen chài lưới, câu cá ở sông nước - đầm đìa và hái lượm săn bắt ở nhiều cách rừng lân cận.

2.1 Cũng qua hiện vật, đặc biệt là đồ gốm, đồ đồng (xem Hà Văn Tấn) người ta thấy có sự hội tụ và giao thoa văn hoá tộc người từ biển lên từ núi xuống. Văn hoá Cổ Loa- Âu Lạc là văn hoá lúa nước vùng châu thổ có hội nhập yếu tố văn hoá núi, yếu tố văn hoá biển.

2.2. Nguồn gốc An Dương Vương Thục Phán (Tuk Phắn) và luồng di cư tới Cổ Loa giai đoạn Âu Lạc (thế kỷ III, II TCN) cho đến nay vẫn chưa thể xác quyết được. Nhưng giả thiết ông đứng đầu một cộng đồng Âu Việt từ miền núi Việt Bắc-Tây Bắc theo lưu vực sông Hồng (nậm Tao=Thao) mà tiến xuống miền châu thổ Chạ Chủ-Cổ Loa có nhiều cơ sở khoa học đáng tin cậy.

2.3 Cách mạng luyện kim và trồng cấy lúa nước đại trà là sự bùng nổ dân số đi kèm với nó ở thiên niên kỷ thứ I TCN là những nguyên nhân chính có thể dùng giải thích những luồng di cư Việt cổ tới Cổ Loa.

2.4 Mặt khác như đã nói ở trên về danh hiệu “mở đất mở mường” của vua Âu Lạc, thì đây là thời kỳ xung đột vũ trang, hợp nhất nhiều vùng (với các hệ sinh thái nhân văn khác nhau làm thành một nhà nước quốc gia sơ khởi.

2.5 Vùng núi non phía Bắc Âu Lạc khi ấy cũng như Việt Nam ngày nay là vùng có nhiều mỏ đồng (Tụ Long) và mỏ thiếc (Thi toốc = Tĩnh Túc) tảng nền cho ngành khai khoáng và tiếp theo là nghề luyện kim.

Ngoài các nà-ruộng lúa, nương vườn trồng rau dưa và cây ăn quả, quặng mỏ và đồ kim loại là tài sản quý của đất nước. Ai sở hữu chiếm đoạt được tài sản đó, có tài năng quân chiến người ấy sẽ được lên ngôi vị tối cao.

2.6. Ấy là ta chưa nói đến lâm sản-thuỷ sản và sự giao lưu núi-Biển (cá, muối, măng, mộc nhĩ, nấm…) Theo lịch sử, ở đầu thời đại kim khí, chiến tranh cũng là thương mại. Trong quân đội viễn chinh của Tần Thuỷ Hoàng đế ở đương thời, sử đã chép là có rất nhiều lái buôn!

Cũng theo thư tịch Trung Hoa, các thủ lĩnh Việt cổ vùng dưới (Lạc Việt-Vùng ven sông biển) có nhiều ngọc trai (Châu) là vật quý giá đem đổi trác được trong luồng giao thương quốc tế. Và do vậy, con cái của các thủ lĩnh Việt cổ, nhiều người được đặt tên là Châu. Cư dân vùng ven biển Hạ Long ngày nay phát âm là chữ “Giâu” )

Tên Mỵ Châu (nàng Ngọc Trai) con gái vua Âu Lạc cũng có một cội nguồn là như vậy. Sau này khi nước Âu Lạc bị diệt vong, huyền tích và lịch sử hoà quyện vào với nhau, đều nói và viết rằng: Ông vua gốc miền núi này đã đem con gái ra biển và sau khi chém con gái, ngài dùng sừng tê bảy thước để đi vào với biển.

Cổ Loa- châu thổ tự nó là cầu nối giao lưu Núi-Biển.

3. Theo các nhà địa lý học, nếu trung điểm của các vua Hùng là Việt Trì, đỉnh cao nhất của tam giác châu Bắc Bộ thì Dâu – Cổ Loa là cái đỉnh thứ 2 của tam giác châu thổ ấy.

Sự chuyển giao lịch sử giữa Vua Hùng –Thục Phán, Xét về mặt địa - sử (Leo-historic âu Lạc chính là sự chuyển dịch trung tâm của đất nước Việt cổ, từ đỉnh nhất xuống đỉnh nhì của châu thổ Bắc Bộ, theo sự phát triển của nghề nông trồng lúa nước và sự tăng trưởng dân số.

3.1. Xét về mặt nền tảng kinh tế, phùng nguyên-đất Tổ Trung Du đã có bước nhảy vọt về kỹ thuật gieo trồng, tưới tiêu và thuần hoá kỹ thuật bộ giống cây trồng (cây ăn hạt, cây ăn quả và rau).

Ở Cổ Loa lớp phủ phong hoá thổ nhưỡng thành tạo do thuỷ văn nên đưa tới những khả năng tăng vụ cho nông nghiệp. Sử chép: “Giao chỉ cấy lúa 2 mùa”. Khảo cổ học và nông học chỉ ra rằng: “các vỏ trấu ở di chỉ Đường Mây nằm dưới luỹ thành Ngoại ở Cổ Loa (khu vực Đông, trại xóm Vang) có 2 loại: lúa Mùa: hạt tròn mẩy – lúa Chiêm: hạt thon dài.

3.2. Gắn liền với trồng trọt khảo cổ học đã chứng minh rằng Cổ Loa đã từng là - khoảng trước sau công nguyên - một trung tâm luyện kim đồng sắt quan trọng.

Với hàng trăm lưỡi cày đồng Cổ Loa cùng các loa xẻng cuốc… nhiều cái mới chỉ là bán thành phẩm và nhiều cái khác chỉ là phế phẩm chứng tích hữu thể (tangible) của công nghệ đúc-rèn tại chỗ.

Với hàng vạn mũi tên đồng Cổ Loa (lần đầu tiên tìm thấy năm 1966 ở Đường Vực- Bãi Mèn, lối đi rẽ từ quốc lộ 2 vào khu di tích Đền – Am – Đình Chùa Cổ Loa hàng bó mũi tên đồng dính chặt với nhau (bán thành phẩm và phế phẩm) cũng nói lên rằng việc đúc mũi tên đồng được tiến hành tại chỗ, ở ngay rìa thành Ngoại Cổ Loa.

Với hàng chục đồ sắt cổ Rìu, cuốc… đã han rỉ cùng năm tháng, song lại nằm cùng chỗ với những đồng tiền Bán Lạng trong vuông (lỗ) ngoài tròn (vành) của thời Tần – Hán Trung Hoa (thế kỷ III-II TCN).

3.3. Những đồng tiền ấy và nhiều chứng vật khác và gốm in văn Chiến Quốc, về Bình Hồ chiến quốc-Hán (V-III, II TCN) mà quan hệ giao lưu như sử chép giữa miền GIAO (Bắc bộ Việt Nam) - QUẢNG (Quảng Đông, Quảng Tây) và xa hơn với Kinh Châu (ở ngã ba Hán Khẩu-sông Hán đổ vào Trường Giang) với Dương Châu (hồ Động Đình và hồ Bàng Lão – Phiên Dương Hồ)… là chứng cớ hữu thể và vô thể (intangible) của một nền nội/ngoại thương nghiệp ở khu vực Cổ Loa trước sau Công nguyên vài thế kỷ.

Ấy là chúng ta chưa kể đến các huyền thoại, huyền tích về ông Nỏ (cao Lỗ - tướng của An Dương vương), ông Nồi (Nội hầu, gốc Tam Canh về Xuân Canh giáp Cổ Loa sinh sống, phát triển nghề gốm), ông Trọng (Đức Thánh Chèm, Từ Liêm, Hà Nội) đều được chất kết dính huyền sử gắn với thời huyền sử Thục An Dương Vương tên Phán.

Về cơ bản, huyền tích về các ông này đã cung cấp, đáp ứng được nhiều nhu cầu tâm linh người Việt xưa nay. Chế độ mẫu hệ đã đổi thay sang chế độ phụ hệ dần dần. Cơ tầng người Việt cổ là mẫu hệ. Cơ tầng tồn tại xã hội thời Tần – Hán thời An Dương Vương Thục Phán vẫn là mẫu hệ. Sau Tần Hán dù đã giải thể cấu trúc để trở thành phụ hệ thì bà Trưng bà Triệu còn đó là minh chứng cho mảnh áo mẫu hệ Đông Nam Á được vá vào áo phụ hệ Hoa hoá.

Cư dân Việt Mường chung do yêu cầu thuỷ lợi trị thuỷ đào ao và đắp đê và để bảo vệ vùng đất màu mỡ này, chống sự chèn ép từ phương Bắc xuống, đã liên kết lại trong một hệ thống chính trị gồm nhiều “Bộ” hay “Mường”. Mỗi bộ/mường đứng đầu bằng một thủ lĩnh quân sự “Lạc tướng” và hệ thống cấu trúc chính trị xã hội đó do tù trưởng/thủ lĩnh của bộ/mường lớn, có ưu thế về kinh tế, quân sự, tôn giáo đứng đầu. Người ấy là “siêu thủ lĩnh” (overlord), là “Pò Khun” Là vua Hùng và sau này cũng là Thục Phán (Túk Phắn) mà sử Hán Việt về sau đã Hán Việt hoá các danh hiệu này thành: Lạc tướng, Lạc hầu, Lạc/Hùng Vương, An Dương Vương, Tây Vu Vương…

Nếu làng Cả trên đồi Việt Trì là trung tâm đất Tổ các vua Hùng thì làng Chủ - chạ Chủ = Khả Lũ – Kim Lũ – Cổ Loa (các địa danh diễn triển qua lịch sử) là trung tâm nước Âu Lạc thời Vua Thục Phán.

Huyền tích nói rằng: vua Thục xây thành Cổ Loa. Thành đắp rồi lại đổ do nhiều thế lực – đời thường và “ma quỷ”, sau nhờ thần Rùa Vàng-Kim Quy trừ yêu quái, Vua Thục đã cùng Tướng Cao Lỗ/Cao Thông đắp được thành, chế tạo được nỏ (“nỏ thần”: “chỉ sông sông cạn, chỉ núi núi tan, chỉ ngàn ngàn cháy…” huấn luyện hàng vạn quân sỹ.

Cổ sử Trung Hoa và Việt Nam – từ thế kỷ IV, V đến các thế kỷ XIV, XV và sau này nữa đều nói các Vua Thục An Dương Vương xây thành hình xoáy ốc tên chữ là Loa Thành. Thành xây 9 lớp chu vi 9 dặm…

Từ René Desf (1940) đến Phan Huy Lê (1966) các học giả vẫn nhận ra ở Cổ Loa 3 lớp thành:

Thành Nội có hình chữ nhật (tương đối) với 18 ụ đất (“hỏa hồi” đắp nhô ra thụt vào tạo nên các tử giác (góc chết) xa nhau vừa một tầm tên bắn (# 300m ý kiến tướng quân Chánh văn phòng Bộ Quốc Phòng Nguyễn Trình), chu vi tổng cộng # 1650m

Thành Trung chu vi # 6500m

Thành Ngoại chu vi # 8000m là “những đường cong tự do” khép kín lại với nhau và hẹp dần về phía cửa Nam, để mở cửa nước (Watergate) ở hướng Đông (phía Đầm Cả) và mở thêm cửa đường bộ ở hướng Bắc, Tây Bắc, Tây Nam…

Trong lũy ngoài hào bao bọc từ Tây Bắc đến Đông Nam thành Cổ Loa là con sông Thiếp.

Ngoài 3 vòng thành còn có nhiều ụ lũy bảo vệ, chủ yếu đào đắp ở phía bắc thành.

Những cuộc điều tra điền dã khảo cổ ở khu vực Cổ Loa từ đầu thập kỷ 70 qua cuối thập kỷ 80 đã có lẽ chứng tỏ rằng sự tình không đơn giản như trên đã trình bày.

Địa hình âm sông, rạch đầm hồ ở khu vực Cổ Loa chằng chịt, phức tạp hơn nhiều: vực Dê, đầm Chủ, đầm Cả, vực Tó, đầm Vân Trì, sông Thiếp đến Cổ Loa đã phân thành nhiều nhánh (Đường Mây là ở ngã ba sông) làm 2 rồi sau khi qua “ba làng Quậy, bẩy làng Rỗ (Lỗ) lại hợp nhất về phía sông Cầu.

Địa hình Dương, khu vực Mạch Tràng, đền Thượng là một cái mộc (buclier) rắn mà các sông lạch gặm mòn nó dần dần song vẫn buộc phải chảy vòng vo… có lẽ thành Cổ Loa không chỉ có 3 vòng thành lũy như ta từng mô tả mà là một “phức lũy thành” vừa đóng vai trò quân sự vừa có vai trò trị thủy, thủy lợi (đê, trạch).

Cuối cùng nếu không quá xét nét, giáo điều, ta vẫn có thể coi Cổ Loa là một thành thị, một thủ đô thành thị (Citadel – Capitale), một đô thị (City) vào loại cổ nhất Việt Nam và Đông Nam Á.

(*) Phần viết dưới đây có sự cộng tác của Tiến sĩ địa mạo học Huỳnh Thị Ngọc Hương và cử nhân sử học Vũ Hữu Minh

Theo Hà Nội như tôi hiểu - GS. Trần Quốc Vượng, Nxb Tôn Giáo, 2005, tr5-42