“Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây”, đó là đạo lý của người Việt Nam ta. Cho nên mỗi người Việt Nam dù ở đâu, dù làm việc gì cũng luôn hướng về quê hương bản quán, hướng về tổ tiên để mong đền đáp công ơn sinh thành và nuôi dưỡng, đồng thời lấy đó làm nguồn lực tinh thần, đạo đức phấn đấu vươn lên.
Trong dân gian cũng có câu:
“Hiểu đạo nghĩa sẽ thành gần gũi.
Rõ nguồn cội sẽ chẳng cách xa “.
Tiền nhân có câu:
Thượng bất phụ tiên tổ di lưu chi khánh,
Hạ túc vi hậu nhân chiêm ngưỡng chi tiên.
Nghĩa là:
Trên nôi nghiệp tổ tiên truyền lại,
Dưới nêu gương con cháu noi theo.
Thường nghe:
Người có tông, chim có tổ, nước có nguồn, cây có cội.
Con người có gốc tại tổ tiên, có được con cháu đông vui là nhờ tổ tiên sinh thành dưỡng dục phù hộ, đã làm người phải biết hỏi tổ tìm tông mà báo đền ơn đức mới được.
Mộc xuất thiên chi do hữu bản,
Thuỷ lưu vạn phái tố tòng nguyên.
Nghĩa là:
Cây chung nghìn nhánh sinh từ gốc,
Nước chảy muôn dòng phát tại nguồn.
hoặc:
Cây có gốc nở cành xanh ngọn,
Nước có nguồn, bể rộng sông sâu.
Người ta nguồn gốc bởi đâu
Tổ tiên tích đức để sau đông dòng.
Việc vụ gốc là quan trọng, gốc yên thì cây vững, cành lá mới xanh tốt sum suê, hoa thơm quả ngọt. Con người được sinh ra, tồn tại và phát triển trong xã hội là nhờ công lao của tiền nhân cộng với sự phấn đấu không mệt mỏi tu thiện tích đức để vươn lên của con cháu thì ý nghĩa nguồn gốc càng sâu xa.
Lớp trước mở mang, đức sáng lưu truyền vĩnh viễn.
Đời sau nối tiếp, phúc cao thừa kế huy hoàng.
Gốc rễ của con người rất bao la, rất thiêng liêng mà cũng gần gũi đời thường thân thiết biết bao. Đó là gia đình, dòng họ, mồ mả, nhà thờ, quê hương, đất nước gọi là Tổ quốc dân tộc. Tổ tiên, ông bà sinh ra dòng họ, cha mẹ sinh thành và nuôi dạy ta nên người có ích cho đời chính là cội nguồn chốn tổ của ta.
Nền thọ đức ông cha đã dựng,
Đạo tôn thân con cháu đừng quên.
Nếu không sưu tầm, sao chép để lập phả thì các đời con cháu tìm đâu mà biết gốc tích và đời đời tu tâm dưỡng đức, sự gian khổ của tổ tiên đã học hành, lao động sáng tạo, cần kiệm việc nước, việc nhà, dũng cảm đấu tranh chống địch hoạ, khắc phục thiên tai, gây dựng cơ nghiệp, phát triển dòng họ và những công huân vẻ vang trong xây dựng, bảo vệ quê hương đất nước của tổ tiên, của gia tộc thì thật đáng tiếc.
Nhớ trước tổ tiên gây dựng, kể công tân khổ biết nhường bao.
Hôm nay con cháu dồi dào, hưởng miếng trân cam cần nhớ mãi.
Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ ơn người trồng cây.
Để luôn có ý thức trách nhiệm giữ gìn thành quả của ông cha. Con cháu họ Đoàn dù ở đâu đều phải có công học tập để hiếu thấu lẽ đời, thông hiểu tam cương ngũ thường, ngũ luân, tứ đức. Phải lấy đạo hiếu với ông bà, với cha mẹ làm đầu, lấy nhân nghĩa, trí dũng, trung tín, khoan hoà, công dung ngôn hạnh làm trọng. Phải có lòng hướng về tông tổ cội nguồn, gia đình, dòng họ, quê hương, đất nước. Đó chính là động lực tinh thần mà chăm học chăm làm, rèn luyện tu dưỡng đức trí thế mỹ, phấn đấu làm người có đức có tài, có tâm chính, trong sáng, có năng lực làm mọi việc thiện lợi nhà, ích nước, tốt đời, để có tiếng thơm cho hôm nay và mai sau.
ĐOÀN VĂN MINH
Họ Đoàn ta từ giai đoạn Hùng vương đến giờ đã trải qua nhiều thế hệ, nhiều chi, nhiều nhánh nên không thể xác định cụ nào là thủy tổ. Tuy nhiên, bằng cách để lại thông tin trong các gia phả, câu đối trong các đền thờ họ Đoàn, dường như muốn nhắn nhủ cho chúng ta biết là chúng ta cùng một nguồn cội.
HỌ ĐOÀN VIỆT NAM
Sách “Đoàn tộc phả ký “. Đầu phả có câu:
“Khôi nguyên Sơn Vi phát tích
Nghĩa Lĩnh chi thủy trường lưu “
Đã nói rõ tổ tiên họ Đoàn phát tích và đã định cư lâu dài sinh tồn, phát triển dòng họ tại Sơn Vi Nghĩa Lĩnh, gọi gộp là Sơn Lĩnh (huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, Việt Nam). Rồi từ nguồn gốc Sơn Vi Nghĩa Lĩnh có nhiều vị đã chuyển cư đến định cư lâu bền ở nhiều nơi trên lãnh thổ của người Lạc Việt, Bách Việt.
Đất Sơn Vi Nghĩa Lĩnh có nhiều di chỉ khảo cổ nhiều tầng văn hóa của người Lạc Việt trung tâm của Bách Việt từ thời Nguyên thủy, thời Hùng Vương...
“Họ Đoàn Việt Nam là một trong các dòng họ bản địa, có mặt trên đất Việt từ Thời Hùng Vương dựng nước “.
Mỗi người họ Đoàn đều có quyền tự hào là con Lạc cháu Hồng, dòng họ mình đã cùng Cộng đồng dân tộc đóng góp tích cực vào tiến trình lịch sử ngay từ buổi đầu dựng nước.
ĐỜI THỨ NHẤT: Cụ Đoàn Liêm Duy
Húy Liêm Duy, tự Phúc Thái
Cụ là người làng Lai Cáo (nay thuộc Từ Liêm, Hà Nội). Nhưng tổ tiên của cụ phát tích từ vùng Sơn Lĩnh, sau này mới chuyển về Lai Cáo.
Năm 905, cụ là Thủ lĩnh nghĩa quân, có công giúp phú hào Khúc Thừa Dụ, người làng Phúc Bồ (Ninh Giang, Hải Dương) lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa, tấn công thành Tống Bình (Hà Nội) đánh đuổi giặc nhà Đường (Trung Quốc), khôi phục quyền tự chủ của nước nhà, mở nền độc lập vào năm Bính Dần (906), chấm dứt 1016 năm Bắc thuộc (111 TCN – 906 SCN).
ĐỜI THỨ 2: Cụ Đoàn Huy Lượng
Húy Duy Thượng, tự Phúc Cao
Tổ Đoàn Liêm Duy tự Phúc Thái với phu nhân Lê thị sinh ra Đoàn Duy Thượng vào mùa xuân năm Bính Dần (906).
Tổ Đoàn Duy Thượng tự Phúc Cao, thụy Văn Lượng, văn võ kiêm toàn có tài thao lược, là đại tướng có công giúp Ngô Vương Quyền đánh tan giặc Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm Mậu Tuất (938 SCN) lập triều Ngô đóng đô ở Cổ Loa góp phần giữ vững độc lập non trẻ của nước ta.
Ngài là khai quốc công thần triều Ngô Vương. Ngài được vua Ngô Vương Quyền tặng bốn chữ: “Hữu công hộ quốc “, được thờ ở đình Đoàn Đào, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên, còn được thờ tại các đình miếu Cát Khê, Lương Xâm, Dư Hàng, Miếu Hai Xã (An Hải, Hải Phòng), Đông An (Ngô Quyền, Hải Phòng), Do Nghi (Thủy Nguyên, Hải Phòng), ở Hà Tây và nhiều nơi thờ hợp tự với Ngô Vương thiên tử.
ĐỜI THƯ 3: Cụ Đoàn Văn Lan
Húy Văn Lan. tự Phúc Vạn
Tổ Đoàn Duy Thượng tự Phúc Cao là con của Tổ Đoàn Liêm Duy, kẻ Noi, kẻ Cáo, hương Lai Cáo (Từ Liêm, Hà Nội) với phu nhân Ngô thị sinh ra Đoàn Văn Lan.
Tổ Đoàn Văn Lan tự Phúc Vạn làm đại tướng sứ quân Bố Hải, giúp Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước, xây dựng quốc gia Đại cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư (Gia Viễn, Ninh Bình). Ngài tổ Đoàn Văn Lan là khai quốc công thần triều nhà Đinh, có đền thờ ở Bố Hải (Thái Bình).
ĐỜI THỨ 4: Cụ Đoàn Văn Liễn
Húy Văn Liễn, tự Phúc Trung
Tổ Đoàn Văn Lan với phu nhân Đinh thị sinh ra Đoàn Văn Liễn và Đoàn Văn Liễm.
Cụ là Tướng của Minh công Trần Lãm, sau giúp Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân, hiện có đền thờ ở Lạc Đạo – Thái Bình, Cụ làm tướng nhà Đinh, sau giúp Lê Hoàn đánh giặc Tống được ban 10 chữ.
“Bình tống huân danh tại, phù Lê sử sách thùy “
Tổ là đại tướng giúp vua Lê Đại Hành đánh thắng giặc Tống trên sông Bạch Đằng năm Tân Tị (981 SCN), được vua Lê Đại Hành ban tặng mười chữ: “Bình Tống huân danh tại, Phù Lê sử sách tồn “
Năm Kỷ Dậu (1009), Đại tướng Đoàn Văn Liễn làm quan triều Tiền Lê đứng về phe ủng hộ Lý Công Uấn lên ngôi vua lập vương triều Lý. Tổ có công được vua Lý Thái Tổ cấp thưởng lộc điền ở Tô Xuyên, nay thuộc xã An Mỹ, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình.
ĐỜI THỨ 5_1: Cụ Đoàn Văn Khâm
Húy Văn Khâm, tự Phúc Văn
Tổ Đoàn Văn Liễn với phu nhân Lý Thị sinh ra Đoàn Văn Khâm, Đoàn Duy Hải.
Cụ dự thi khai khoa Minh kinh bác học và nho học Tam trường năm ất Mão (1075) đỗ đệ nhất giáp đệ nhị danh (bảng nhãn), xếp thứ hai sau trạng nguyên Lê Văn Thịnh, đứng hàng tam khôi. Cụ làm quan đại thần đến chức Thượng thư Bộ Công, kiêm Giáo thụ Tư nghiệp Quốc tử, giảng bài cho vua Lý Nhân Tông.
Tổ Đoàn Văn Khâm có tài kinh bang tế thế, văn võ kiêm toàn, thơ văn xuất chúng, là một nhà thơ xuất sắc thời vương triều Lý.
Tổ Đoàn Văn Khâm có tư tưởng Phật học mộ đạo Phật, Tổ Đoàn Văn Khâm có công tham gia chiến dịch “chặn trước “ của Thái uý Lý Thường Kiệt tiến đánh căn cứ xâm lược của nhà Tống ở Khâm Châu, Liêm Châu, Ung Châu (Trung Quốc), xây dựng phòng tuyến sông Như Nguyệt, góp phần đánh thắng giặc Tống năm Bính Thìn (1076) bảo vệ vững chắc nền độc lập quốc gia Đại Việt.
ĐỜI THỨ 6_1: Cụ Đoàn Thiện Hồng
Húy Thiện Hồng tự Phúc Hương
Tổ Đoàn Văn Khâm với phu nhân Lý Thị sinh ra Đoàn Thiện Hồng và Đoàn Thiện Nguyên tại làng Cổ Phục.
Ngài Đoàn Thiện Hồng là Tiền ấm Quan hiệt Trung thần võ tướng đỗ khoa thi năm Bính Dần (1086), niên hiệu Quang Hựu thứ 2 đời vua Lý Nhân Tông, làm đại tướng nhà Lý, có công đánh giặc dẹp loạn ở châu Thượng Nguyện (Thái Nguyên), được cấp thưởng lộc điền ở làng Bổng Độ, huyện Trường Tân, lộ Hồng Châu. Tổ Đoàn Thiện Hồng đã chiêu dân trị thuỷ, khai khẩn đất lộc điền lập ấp thang mộc, phát triển dòng họ, xây dựng xóm làng giàu thịnh. Sau là căn cứ hậu cần quan trọng của quân Hồng Châu phù Lý chống Trần. Nay còn dấu tích chiến luỹ Bắc Đẩu Nam Tào ở dọc bờ sông Bến Tràng như đống Bắc Đẩu, đống Các, đống Am, đống Chót Vót, đống Vương Tự, đống Rùa, đống Nam Tào... kéo dài khoảng 5 cây số do Đông Hải Đại Vương Đoàn Thượng xây dựng từ đầu thế kỷ 13. Phu nhân Đoàn Thiện Hồng là Lý Thị, nhũ mẫu của vua Lý Thần Tông.
ĐỜI THỨ 6_2: Cụ Đoàn Thiện Nguyên
Cụ Nguyên ngụ tại Tô Xuyên và hưởng thừa tự chú là Đoàn Duy Hải.
Tổ Đoàn Thiện Nguyên đã từ Cổ Phục trở về Tô Xuyên để thừa tự chú Đoàn Duy Hải, quản lý ấp lộc điền của tổ phụ. Tổ Đoàn Thiện Nguyên thi đỗ làm quan triều Lý.
ĐỜI THỨ 7_2: Cụ Đoà Đại Cao
Tổ Đoàn Thiện Nguyên với phu nhân Ngô Thị sinh ra Đoàn Đạo Cao. Tổ Đoàn Đạo Cao tên tự hiệu là Nam An làm quan thái y triều Lê, là thầy thuốc giỏi, có tâm đức chữa bệnh cứu người, kê đơn bốc thuốc cho vua quan và nhân dân.
Tổ Đoàn Đạo Cao được cấp lộc điền ở làng Bệ (nay thuộc An Bài, Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình). Tổ có công trị thuỷ khai hoang mở trang ấp lập làng Bệ. Khi Tổ qua đời vua nhà Lý sắc chỉ dân làng Bệ tạc tượng lập miếu thờ, gọi tên nôm là miếu ải, trước cửa miếu có tấm đá lớn gọi là dược thạch. Miếu hiệu ghi “Đoàn Nam An linh từ “. Hàng năm chức sắc và nhân dân mở lễ hội, việc đầu tiên đến miếu ải làm lễ danh y thành hoàng Đoàn Đạo Cao rồi rước thần tượng về đình làng Bệ (An Bài) tế lễ. Các triều đại đều có sắc phong thượng đẳng thần.
ĐỜI THỨ 7_1: Cụ Đoàn Quang Dao
Huý Quang Dao, tự Phúc Trực
Tổ Đoàn Thiện Hồng với phu nhân Lý Thị sinh ra Đoàn Quang Dao, Đoàn Trọng.
Tổ Đoàn tướng công huý Quang Dao danh hiệu Tiền ấm Quan Vi Long Vũ Đại Huân Thần, đỗ khoa thi năm Bính Thân (1116), niên hiệu Hội Tường Đại Khánh thứ 7 làm quan Đô thống trấn thủ đảo quan Vân Đồn (Quảng Ninh) từ năm Kỷ Tỵ (1149). Tổ Đoàn Quang Dao có công khởi dựng thương cảng Vân Đồn mở rộng quan hệ giao thương với các nước, phát triển kinh tế, giữ vững an ninh quốc phòng mặt phía đông của nước Đại Việt. Tước Yên quốc thượng tướng quân, Tổ Đoàn Quang Dao được cấp thưởng lộc điền ở Chạ Mắt (nay là thôn Tu Trình, xã Thuỵ Hồng, huyện Thái Thuỵ, tỉnh Thái Bình). Tổ Đoàn Quang Dao được thờ ở đền Quan Lạn huyện Vân Đồn, Quảng Ninh. Lễ hội hàng năm từ ngày 10 đến 20 tháng 6 âm lịch, có hội đua bơi thuyền Quan Lạn, thông điệp cho hậu thế ''chớ thấy sóng cả mà ngả tay chèo “.
ĐỜI THỨ 7_2: Cụ Đoàn Trọng
Tổ Đoàn Thiện Hồng với phu nhân Lý Thị sinh ra Đoàn Quang Dao, Đoàn Trọng.
Cụ Đoàn Trọng, đỗ đại khoa làm quan nhà Lý. Đoàn Trọng sinh ra Đoàn Đối đỗ Võ biền Tạo sĩ làm tướng nhà Lý. Đoàn Đối sinh ra Đoàn Nhân đỗ Võ biền Tạo sĩ làm tướng nhà Lý. Đoàn Nhân sinh ra Đoàn Kép đỗ khoa thi năm Giáp Tí (1204) làm quan nhà Lý, rồi làm phó tướng của Đông Hải Đại Vương Đoàn Thượng, có công đánh Trần phù Lý, ngài là trung thần của nhà Lý. Ngài được thờ làm thành hoàng ở đình làng Chi Long, xã Hoàng Đôi (xưa là tổng Đồng Than), huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Ngài còn được thờ ở An Hoà, Vĩnh Bảo, Hải Phòng….
ĐỜI THỨ 8_1: Cụ Đoàn Thiện Hổ
Huý Thiện Hổ tự Phúc Thung còn có tên là Đoàn Hiền
Tổ Đoàn Quang Dao với phu nhân Lý Thị sinh ra Đoàn Thiện Hổ, Đoàn Văn An, Đoàn Công Phúc Lãnh, Đoàn Chủ, Đoàn Thị Ngọc.
Tổ Đoàn tướng công huý Thiện Hổ sinh năm Mậu Ngọ (1138), mất năm Giáp Dần (1194), sinh quán làng Bổng Độ, huyện Trường Tân, lộ Hồng Châu
Danh hiệu Tiền ấm Quan Đô đốc Thần vũ Thủy quân Đẳng sứ. Tổ Đoàn Thiện Hổ đỗ khoa thi năm Giáp Tuất (1154), niên hiệu Đại Định thứ 14. Tổ Đoàn Thiện Hổ làm đại tướng nhà Lý, có công đánh giặc dẹp loạn ở Bãi Ngang (nay thuộc xã Quảng Thái, Quảng Xương, Thanh Hoá). Năm ất Dậu (1165) niên hiệu Chính Long Bảo ứng thứ 3, Tổ Đoàn Thiện Hổ được vua Lý Anh Tông cấp thưởng lộc điền ở làng Đoàn Trang, huyện Đường Hào (nay là Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên). Tổ Đoàn Thiện Hổ làm Thái sư tể tướng triều vua Lý Cao Tông.
ĐỜI THỨ 8_2: Cụ Đoàn Văn An
Tổ Đoàn Văn An tự Phúc Quang, sinh quán làng Bồng Độ, huyện Trường Tân, lộ Hồng Châu (ngài là con thứ hai của Yên quốc Thượng tướng Đoàn Quang Dao), nguyên quán làng cổ phục (xã Kim Hưng, Kim Thành, Hải Dương), cựu quán làng Tô Xuyên (An Mỹ, Quỳnh Phụ, Thái Bình), cố quán Kẻ Noi Kẻ, Kẹ Cáo, hương Lai Cáo (Cổ Nhuế, Cáo Đỉnh, Phú Diễn huyện Từ Liêm, Hà Nội). Tổ Đoàn Văn An đỗ khoa thi năm Mậu Dần (1158), niên hiệu Đại Định thứ 19, làm quan nhà Lý, có công dẹp loạn được phong thưởng đất lộc điền ở làng Quyết Thị lộ Hồng Châu
ĐỜI THỨ 8_3: Cụ Đoàn Phúc Lãnh
Húy của cụ là Phúc Lãnh, tự Phúc Hiền, sinh ngày 8 tháng 1 năm Nhâm Tuất (1142) tại làng Bổng Độ, huyện Trường Tân. Là Tiền kinh triệu quân, đỗ khoa thi năm Ất Dậu (1165) – niên hiệu Chính Long Bảo Ứng thứ 3 đời Lý Anh Tông, làm quan tới chức huyện lệnh huyện Trường Tân, lộ Hồng Châu (Gia Lộc, Hải Dương), sau thăng quan Đại thần Hà đê sứ. Niên hiệu Chính Long Bảo Ứng thứ 8 – Canh Dần (1170) đến Tu Trình khai khẩn lộc điền và thực hiện công việc vua Lý Anh Tông giao cho là trị thủy vùng Đông Bắc, lộ Hải Thanh (nay thuộc đất Thái Bình, Nam Định), được phong tước Hải Hầu, Ngài mất ngày mồng 9 tháng 12, cúng giỗ ngày 8 tháng 12 Âm lịch, có nhà thờ cổ kính tại Tu Trình.
ĐỜI THỨ 8_4: Cụ Đoàn Chủ
Cụ làm tướng nhà Lý, tháng 9 năm Đinh Mão (1207) cùng tướng Đoàn Thượng nổi dậy ở Hồng Châu, tháng 4 năm Kỷ Tỵ (1209) bị tử trận.
Tổ Đoàn Chủ, sau khi thi đỗ được làm quan tướng nhà Lý, tháng 9 năm Đinh Mão (1207) cùng tướng Đoàn Thượng được vua Lý Cao Tông cử đi đàn áp cuộc khởi nghĩa của nông dân nhưng các Tổ đã phát hiện thấy đó không phải là giặc gây loạn mà là lực lượng nhân dân đấu tranh chống bọn cường hào ác bá, quan tham lại nhũng nên các Tổ đã chiêu an, mở kho phát chẩn lúc dân đang đói lớn, kêu gọi họ về quê quán làm ăn. Nhưng triều đình đã nghe bọn nịnh thần sàm tấu, nhà vua ép đến cùng khiến các Tổ phải giữ mình ở Hồng Châu để bảo toàn. Tháng 4 năm Kỷ Tỵ (1209) tướng Đoàn Chủ bị trận vong trong khi đánh nhau với Phạm Bỉnh Di ở vùng núi Đông Cứu (Bắc Ninh).
ĐỜI THỨ 8_5: Cụ bà Đoàn Thị Ngọc (đời thứ 8 – 5)
Bà Đoàn Thị Ngọc là hoàng phi vợ vua Lý Anh Tông, bà có đền thờ ở thị trấn Gia Lộc, tỉnh Hải Dương, quanh năm hương khói, nhân dân trong vùng tế lễ tỏ sự tri ơn công đức của bà với dân với nước, với địa phương quê hương.
ĐỜI THỨ 9_1: Cụ Đoàn Thượng
Lý triều Đông hải Đại vương Đoàn thánh tổ
Tổ Đoàn Thiện Hổ với phu nhân Lý Thái Loan tức Nguyễn Thị Thái sinh ra tam kiệt Đoàn Thượng, Đoàn Hoà, Đoàn Đại.
Vua Cao Tôn thấy Đoàn Thượng thông minh tài trí, ứng đối như nước chảy, Vua cho đỗ và phong cho làm “Lang Trung Bình Chương Sự “.
Ông được phong tới tước vương, làm quan đến chức Triều Liệt vinh lộc đại phu là bậc trọng thần trong triều.
Năm Tân Mùi (1211) vua Lý Huệ Tông thăng chức cho làm Phụ quốc Thái uý, Tiết chế thống lĩnh các đạo quân của triều đình.
Tháng 6 năm Đinh Sửu (1217) tướng Đoàn Thượng được triều đình nhà Lý phong tước Đông Hải Đại Vương.
Trận cuối cùng diễn ra tại chùa Kim Quy đất Đồng Đao xứ Mao Điền. Đoàn Đông Hải Đại Vương bị một viên tướng họ Trần lén đằng sau chém bị thương ở cổ và trận vong vào ngày giờ Ngọ ngày mồng 6 tháng Chạp năm Mậu Tý thọ 46 tuổi.
ĐỜI THỨ 9_2 và 3: Cụ Đoàn Hòa và Đoàn Đại
Cụ Câu Mang và Cụ Sùng Châu
Hai cụ là con của Cụ Đoàn Thiện Hổ và là em ruột của Đoàn Thượng, đều có công lớn trong việc giúp anh cai quản đất Hồng Châu trong nhiều năm, nên sau khi mất được nhiều nơi thờ là Thành Hoàng.
Tổ Đoàn Thiện Hổ với phu nhân Lý Thái Loan sinh ra cụ Đoàn Thượng Thượng. Khi cụ Thượng được ba tháng tuổi thì bà Loan mất vì bệnh hậu sản. Đoạn tang vợ, ông Trung tục huyền với bà Lê Thị Quang, người xã Trương Xá, huyện Đông Yên, phủ Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên sinh được hai trai, một là Câu Mang, một là Sùng Châu (tục truyền do bà ăn nằm với giao long khi tắm ở sông Nghĩa Trụ mà có thai). Tuy là mẹ kế nhưng bà Quang yêu thương Thượng không khác gì con đẻ.
Đối với Thành hoàng thôn Bến tổng Cao Đài, huyện Mỹ Lộc, Nam Định thờ 4 vị Thành hoàng là Đông Hải Đại Vương, Câu Mang Đại Vương, Phụng Thiên Đại Vương và Bảo Giám Đại Vương. Bốn vị này đều là nhân thần.
ĐỜI THỨ 9_4: Cụ Đoàn Văn Lôi
(Cụ là con của Đoàn Phúc Lãnh chú ruột Đoàn Thượng).
Tổ Đoàn Văn Lôi đỗ khoa thi Đình “Tam Giáo “năm Giáp Tý (1204) niên hiệu Thiên Gia Bảo Hưu thứ 3 đời vua Lý Cao Tông rồi làm quan đại thần triều Lý, có công hưng doanh Hồng Châu, xây dựng và bảo vệ quốc gia Đại Việt. Đại tướng Dực vũ nguyên soái Đoàn Văn Lôi được vua Lý Huệ Tông phong tước Hồng hầu. Hồng hầu Đoàn Văn Lôi được thờ làm thành hoàng làng Lộ Vị, xã Thăng Long, huyện Tiên Hưng, tỉnh Thái Bình. Các triều đại Trần, Hậu Lê, Tây Sơn, Nguyễn đều tặng sắc phong thượng đẳng phúc thần, nhân dân thờ phụng, hương hoả tuần tiết, hàng năm đại lễ hội khánh hạ, tế rước linh đình theo nghi thức Nhà nước (quốc lễ).
Hồng hầu Đoàn Văn Lôi với chính thất phu nhân Lý thị sinh ra Đoàn cấm, Đoàn Nguyễn.
ĐỜI THỨ 9_2: Cụ Đoàn Thưởng
Cụ, tự là Phúc Quang (Đoàn Văn An đời 8-2), làm quan nhà Lý, phu nhân là Trương Thị Ban, sinh ra Đoàn Thưởng, Thưởng công thi đỗ, làm Thị độc Hàn lâm viện, rồi làm Tả thị lang bộ Hộ.
Khi có sứ giả của Đông Hải Đại Vương Đoàn Thượng đến triệu tập, ngài Đoàn Thưởng cho mấy nghìn quân ở huyện An Ninh đóng hơn ba trăm chiếc thuyền để vượt biển ra bắc. Ngày mùng 10 tháng 9 âm lịch, tướng Đoàn Thưởng cùng đoàn thuyền đến vùng Vạn Giang, bến Thanh Lũng, huyện Thanh Lâm bỗng gặp gió to bão lớn, làm đoàn chiến thuyền tan tác, ngài Đoàn Thưởng đắm thuyền chết.
Nhà Trần sai quan đến tế làm lễ an táng, cấp sắc phong thần, chiếu chỉ cho phường Bộ Công lập đình, đền, miếu thờ ông bà. Các triều đại Trần, Hậu Lê, Tây Sơn, Nguyễn đời vua nào cũng đều cấp sắc phong thượng đẳng thần, gia tặng mỹ tự, hàng năm làm đại lễ theo nghi thức Nhà nước, quanh năm hương hoả, phụng thờ mãi mãi.
ĐỜI THỨ 9_2_2: Cụ Đoàn Quang
Cụ Đoàn Văn An với phu nhân Trương Thị Ban sinh ra cụ Đoàn Thưởng và Đoàn Quang.
Cụ Đoàn Quang cư trú tại làng Hà Xá, lộ Hồng Châu (trang Hà Xá, huyện Đường An, phủ Thượng Hồng, đạo thừa tuyên Hải Dương tên địa danh thời Lê), phu nhân là Đào Thị Phương, gia thế hào cường, phu phụ trung hậu, có lòng từ thiện công đức, nhưng muộn con, khi ông ngoài 50 tuổi, bà ngoài 40 tuổi mới sinh một bọc được hai con trai vào ngày 12 tháng 11 năm Nhâm Tuất 1202, đặt tên anh là Đoàn Bảng, em là Đoàn Lả. Cả hai đều phong tư đĩnh đạc, diện mạo khôi ngô, cầu thày thụ giáo, học lực tinh hiểu văn chương, thục luyện võ nghệ, sức cử đỉnh bạt sơn, kinh thiên vĩ địa, đáng đấng nam nhi, thiên tư hùng vĩ, phong thái mới trông thấy ai cũng kính, cũng yêu. Năm hai Ngài 18 tuổi, cha mẹ qua đời, gia cảnh cô bần, Đoàn Bảng cùng em là Đoàn Lả bỏ quê đến khu Lão cầu, trang Lam cầu, huyện Duy Tân, phủ Lý Nhân, đạo thừa tuyên Sơn Nam (nay thuộc huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) dạy học được 2 năm thì triều đình mở khoa thi kén tuyển nhân tài, hai Ngài đi thi và đều đỗ đại khoa năm Nhâm Ngọ 1222 SCN. Ngài Đoàn Bảng được triều đình bổ làm quan lộ Hồng Châu, Đoàn Lả làm quan cai trị đạo Sơn Nam, đều được cấp thực ấp vạn hộ.
Họ Trần cướp ngôi nhà Lý, hai Ngài đã khỏi binh giúp Thái sư Tể tướng, Phụ quốc Thái uý Đoàn Thượng, đánh nhau với giặc Trần, giặc Nguyễn Nộn ở xứ Đồng Đao (Mao Điền, Cẩm Giàng, Hải Dương) và đã tuẫn tiết hoá theo Ngài chủ tướng Đoàn Thượng vào ngày mồng 6 tháng Chạp năm Mậu Tý (1228), dương lịch là ngày 02 tháng 1 năm 1229.
Lòng trung thành của các Ngài sáng như nhật nguyệt, nghĩa liệt khắp thiên hạ. Trần Thái Tông sắc phong thượng đẳng thần và chiếu chỉ cho khu Lão cầu, trang Lam cầu cùng những nơi đã được ơn các Ngài lên kinh đô rước sắc phong về tạc tượng lập đình miếu phụng thờ, quanh năm hương khói, hàng năm tế lễ theo nghi thức Nhà nước (quốc lễ). Các triều đại Trần, Hậu Lê, Tây Sơn, Nguyễn đều cấp sắc phong thượng đẳng thần, thánh hiệu là:
Đông Bảng anh linh Đại Vương chính trực hùng đoan Đoàn Bảng thượng đẳng thần.
Đông Lả cương nghị Đại Vương hùng lược dũng quyết Đoàn Lả thượng đẳng thần.
Sắc chỉ cấm không được gọi tên huý.
Các đời sau của chi Quyết Thị chưa chắp nối được
Cụ Đoàn Nguyễn (đời thứ 10.4 – 2)
Cụ Hồng hầu Đoàn Văn Lôi với chính thất phu nhân Lý thị sinh ra Đoàn cấm, Đoàn Nguyễn.
Cụ Đoàn Nguyễn thi đỗ làm tướng nhà Lý, có công phù Lý chống Trần. Tháng 4 năm Giáp Tuất (1214), tướng Đoàn Nguyễn đánh nhau với tỳ tướng của Trần Tự Khánh là Nguyễn Nộn ở núi Đông Cứu (Gia Luơng, Bắc Ninh), Tổ Đoàn Nguyễn bị Nguyễn Nộn hãm hại.
Cụ Đoàn Cấm (đời thứ 10.4 – 1)
Cụ Đoàn Cấm thi đỗ rồi làm quan nhà Lý, là trung thần có công phù Lý chống Trần, sử chép: năm Quý Dậu (1213) niên hiệu Kiến Gia thứ 3, vua Lý Huệ Tông thân chinh đi đánh giặc Trần, thì các tướng Hồng Châu là Đoàn cấm, Vũ Hốt, Đinh Cẩm đã giúp vua đánh bọn anh em họ Trần và Nguyễn Nộn, Phan Lân ở Ô Chợ Dừa (Hà Nội) để cứu giá vua Lý Huệ Tông.
Cụ Đoàn Văn (đời thứ 10-2)
Tổ Đoàn Thượng với thứ thất phu nhân Phạm Thị Đoan người làng Gia Viên (chính âm Da Viên), huyện An Dương nay là đất các phường Gia Viên, Lê Lợi, Lương Khánh Thiện, cầu Đất, Phạm Hồng Thái, Máy Tơ, Hoàng Văn Thụ, Minh Khai, Quang Trung, Phan Bội Châu ở Hải Phòng. Bà sinh ra Đoàn Văn, Đoàn Thị Châu. Bà Phạm Thị Đoan được thờ làm thành hoàng làng Lạc Viên (quận Ngô Quyền, Hải Phòng) có thánh hiệu là Nam Dương đệ nhất quý nương Minh Diệu (Đình Lạc Viên thờ Đức thánh Đông Hải Đại Vương Đoàn Thượng và Ngô vương Quyền). Năm 1938 còn giữ được 58 sắc phong các vị thần của các triều Trần, Hậu Lê, Tây Sơn, triều Nguyễn. Làng Lạc Viên được tách lập từ làng Gia Viên thời xưa. Nay Lạc Viên là đất các phường Lạc Viên, Cầu Tre, Máy Chai.
Tướng Đoàn Văn giữ chức Đô thống trấn thủ đảo Vân Đồn còn gọi là Đảo Quan (nay là huyện Vân Đồn, Quảng Ninh). Sau khi Hồng Châu thất thủ, Đoàn Văn chạy lánh nạn vào Núi Ngọc, ái Châu làng Đồng Đội, huyện Ngọc Sơn, phủ Tĩnh Gia, Thanh hóa (nay là xã Tân Dân, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hoá) xây đền thờ cha mẹ ở chân núi Ngọc (bị giặc Minh phá làm đồn binh chống dân ta và nghĩa quân Lê Lợi. Đoàn Văn sinh ra Đoàn Trang Tùng và Đoàn Cao Sơn. Đô thống Đoàn Văn được dân làng Đinh Xá, tổng Văn Mỹ, huyện Bình Lục, Hà Nam thờ cùng với cha là Đông Hải Đại Vương Đoàn Thượng tại đình làm thần Thành Hoàng.
Cụ Đoàn Hưng Nhượng (đời thứ 10 – 1)
Tổ Đoàn Thượng với chính thất phu nhân Lý thị sinh ra Đoàn Hưng Nhượng.
Cụ sinh năm 1194 (Giáp dần) tại Thung Độ xã Gia Phúc Huyện Trường Tân.
Cụ Làm quan nhà Lý Huệ Tông tới chức: “Tiền kinh triệu quận Long Dực Đô Thống Vân Đồn Trấn thủ”.
Năm 1210 về đất Ngọc Trục nay là xã Đông Lỗ huyện Ứng Hòa.
Năm Canh Thìn (1220). Ngài Đoàn Hưng Nhượng làm chủ tướng giữ thành Ngọc Trục để chống Trần phù nhà Lý, Ngài theo lệnh cha lập căn cứ ở vùng đất nay là xã Đông Lỗ, huyện ứng Hoà, Hà Tây Hà Nội.
Cụ Đoàn Hưng Nhượng xây dựng căn cứ có lũy tre xanh bao bọc, trong giao thông thuận lợi, có bến song đủ ẩn dấu hang chục thuền chiến cỡ nhỏ gần đường Quan Báo (Quốc lộ 1) để nắm được diễn biến của Kinh Kỳ Thăng Long và các tỉnh quan trọng phía Tây Nam.
Cụ liên hệ với các tộc trưởng miền núi, nhất là đạo chúa Thao ở huyện Kim Bôi.
Cụ Đoàn Hưng Nhượng hướng dẫn các nghĩa sĩ tập trận, sử dụng thành thạo thuyền nan 3 thang, mỗi gia đình có một con thuyền đi lại trong khi lụt lội, vừa sử dụng trong chiến trận.
Vào tháng 3 âm lịch năm 1223 (Quý Mùi), nước từ thượng nguồn đổ về, một đoàn thuyền của Hoàng tộc nhà Lý đi lễ phật chùa Hương đã bị quân họ Trần lặn xuống đục đáy làm thuyền chìm. Trong sự hoảng loạn, thuyền của cụ Đoàn Hưng Nhượng xông ra cứu trợ. Trần Thủ Độ lặn mình xuống nước thoát chết, Hoàng than Quốc Thích nhà Lý không người nào sống sót.
Đánh nhau với Trần Thủ Độ ở đầm Trằm Lông cách Ngọc Trục ba cây số, Ngài bị tử thương có đền ở Ngọc Trục và Trằm Lộng, tổng Đông Lồ, ứng Hòa, Hà Tây (Hà Nội), các triều đại đều có sắc phong thượng đẳng thần.
Có ngọc phả Thần tích đầy đủ chi tiết còn lưu giữ ở nơi thờ và chép trong sách “Đức Thánh Đông Hải Đại Vương Đoàn Thượng “
Sau khi cụ Đoàn Thượng bị nhà Trần đánh bại và hy sinh. Vợ Con cụ Đoàn Hưng Nhượng cùng tùy tùng chạy vào phía nam đến Châu ái Núi Ngọc khai hoang lập ấp và đổi sang họ Đào.
Khi nhà Hồ mất nước, đất nước thuộc nhà Minh. Trương Phụ đuổi dân làng Đồng cội lấy nơi xây đồn ải tại chân núi Ngọc. con cháu họ Đoàn phải đi ra phía Bắc lập thành làng Thượng Đình phủ Quảng Xương, Thanh Hóa (khoảng năm 1400) Đến nay chưa rõ hậu duệ của tướng Đoàn Hưng Nhượng.
Cụ Đoàn Trang Tùng (đời thứ 11 – 1)
Con trưởng Đoàn Văn là Đoàn Trang Tùng chuyển cư về gần cựu quán ở làng Hội Xuyên, huyện Trường Tân, lộ Hồng Châu (nay là thôn An Tân, xã Gia Tân, huyện Gia Lộc, Hải Dương), trông nom phần mộ và phát triển dòng họ ở vùng này. Hội xuyên về sau chia thành 3 làng Hội Xuyên An Xuyên và Gia Xuyên. Lúc mới về Hội Xuyên thì Trang Tùng ẩn tính Đào (họ Đào) vì e nhà Trần trả thù, sau thấy ổn nên đã công khai danh tính đổi lại họ Đoàn.
Cụ Đoàn Cao Sơn (đời thứ 11 – 2)
Cụ là con của Đoàn Văn, ở lại Thanh Hóa, con cháu phát triển nhanh lập thành làng Đồng Đội. Hồi ấy có viên quan Hoạn gốc Trà phương huyện Vĩnh Bảo dậy nghề trồng thuốc lào làm hàng hóa, nên làng rất trù phú.
Cụ Đoàn Cao Sơn lập làng Đồng Đội, truyền bá nghề trồng cây thuốc làm hàng hoá nên làng rất trù phú. Đầu thế kỷ 15 rất đông hậu duệ của Đoàn Cao Sơn bị giặc Trường Phụ (giặc Minh) đuổi để chúng chiếm vùng đất chân núi Ngọc lập khu đồn trại khống chế nghĩa quân Lê Lợi ở Lam Sơn. Nên người họ Đoàn phải chạy loạn đến vùng đất phía bắc cách làng Đồng Đội 10 cây số, lập làng Thượng Đình, Quảng Xương (Thanh Hoá) và tham gia nghĩa quân Lam Sơn, nổi bật có Đoàn Phát, đỗ Thái học sinh thời Trần mạt, làm quan chức Hàn lâm thị giảng đời nhà Hồ, sau giúp Lê Lợi đánh giặc Minh. Đoàn Phát được phong chức Tham tán quân vụ, lập công góp phần bình Ngô đại thắng năm Mậu Thân (1428). Nhiều hậu duệ của Đoàn Cao Sơn phát triển dòng họ Đoàn ở vùng Quảng Xương, Tĩnh Gia (Thanh Hoá) và còn chuyển cư vào các tỉnh miền Trung bộ, Nam bộ (Việt Nam) rất đông. Hiện nay con cháu đời thứ 32 ở làng Thượng Đình có 5000 đinh nam của 3 chi họ Đoàn Văn, Đoàn Đình, Đoàn Thế. Chi họ Đoàn Văn đông nhất có 3000 đinh.
Thời nhà Trần, trong kháng chiến chống giặc Nguyên Mông năm ất Dậu (1285) và năm Mậu Tí (1288), Tu Trình là hành cung của hai vua Trần và hành doanh của Quốc công tiết chế Trần Hưng Đạo. Nhiều hậu duệ của tổ Đoàn Công Phúc Lãnh ở Tu Trình có điều kiện góp sức phục vụ, bảo vệ hành cung, hành doanh và tòng quân đánh giặc cứu nước. Nhiều người tham gia quân đội nhà Trần, tổ chức huấn luyện đội nghĩa dũng quân do thủ lĩnh Đoàn Đức (Đoàn Công Phúc Đức) chỉ huy, được Quốc công Tiết chế Trần Hưng Đạo giao nhiệm vụ mai phục đánh chặn đường giặc Nguyên do Thoát Hoan dẫn tàn quân rút chạy qua sông Sách (sông Thương). Quân của Đoàn Đức đã tiêu diệt hàng ngàn tên giặc Nguyên Mông khiến Thoát Hoan phải chui vào ống đồng tránh tên sai quân của y khiêng về nước năm ất Dậu (1285).
Cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên Mông lần thứ ba năm Mậu Tí (1288), đoàn nghĩa dũng quân của tướng Đoàn Đức dụng kế đào hầm hố, đặt bẫy chông dọc đường làm kỵ binh của A bát xích sa hố ngã ngựa chết rất nhiều.
Đại tướng Đoàn Thai là hậu duệ của Đoàn Công Phúc Vũ chạy vào ái Châu lập nghiệp sinh họ. Đoàn Thai tòng quân, có công được phong chức tước Đại Liêu ban, được vua Trần và Trần Hưng Đạo cử cầm quân trấn thủ ải Nội Bàng (nay là Kép, Bắc Giang). Đã có công chỉ huy giữ vững phòng tuyến chặn giặc Nguyên Mông lập nhiều thành tích. Khi sa vào tay giặc, Tổ hiên ngang giữ trọn khí tiết người anh hùng không chịu khuất phục giặc Nguyên Mông, giúp giữ được bí mật quân sự, nên ải Nội Bàng vân là pháo đài chiến lược chặn bước xâm lược của giặc Nguyên Mông có hiệu quả.
Cụ Đoàn Nhất Lang và Đoàn Nhị Lang (đời thứ 12-1 và 2)
Ngài Đoàn Trang Tùng sinh ra Đoàn Nhất Lang, Đoàn Nhị Lang, Đoàn Tam Lang. Trong tam kiệt nổi bật là Đoàn Tam Lang tên huý là Đoàn Thiện Hưng (Đoàn Phúc Hưng), chức “Tiền Cai hương, Thiện Hộ Chức, cai cơ Thiên Vũ”. Thế kỷ 13, giặc Nguyên Mông xâm lược nước Đại Việt, nhà Trần mộ binh tuyển tướng, cả 3 anh em Đoàn Nhất Lang, Nhị Lang, Tam Lang đều tòng quân được xung vào quân của phó tướng Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư. Đoàn Thiện Hưng thi đậu cử biền tạo sĩ, được giữ chức cai cơ đội thuỷ binh Thiên Vũ, tham gia đánh giặc Nguyên Mông năm ất Dậu (1285). Trong cuộc kháng chiến đánh giặc Nguyên lần thứ hai, Ngài Đoàn Thiện Hưng lập nhiều chiến công, được phong thưởng cấp đất lộc điền ở miền Đông bên bờ sông Bạch Đằng. Có một số con cháu của Đoàn Trang Tùng, Đoàn Thiện Hưng chuyển cư đến khai thác đất lộc điền đã sinh ra một số dòng họ Đoàn ở đấy.
Các cụ đều là con của cụ Đoàn Trang Tùng, đều có công giúp nhà Trần đánh thắng giặc Nguyên Mông.
Con cháu cụ Đoàn Đại Lang và Đoàn Nhị Lang một phần vẫn sinh sống tại Hội Xuyên một phần di cư ra các nơi.
Trong sử có nghi: Con cháu cụ Đoàn Đại Lang tại Đoàn Tộc Đông Yên có cụ Đoàn Công Huyền Nguyên quán tại Khuông Phụ Huyện Gia Phước Tỉnh Thừa Tuyên Hạ Hồng.
Cụ Đoàn Phúc Hưng (đời thứ 12-3)
Cụ là con thứ 3 của Đoàn Trang Tùng, định cư tại Kinh Môn Hải Dương. Khi quân Nguyên (Trung Quốc) ồ ạt tiến vào xâm chiếm nước ta, Cụ đã cùng 2 người anh xung vào đội quân của Huệ Vương lập nhiều công lớn giúp nhà Trần đánh thắng giặc Nguyên Mông, người đương thời ca ngợi gọi là Tam kiệt họ Đoàn.
Cụ sinh hạ được 2 người con là Đoàn Phúc Trung và Đoàn Phúc Hào.
Cụ Đoàn Phúc Trung (đời thứ 13.3-1)
Cụ Đoàn Phúc Trung sinh năm 1259 (Kỷ Mùi) thừa kế sản nghiệp ở Hội Xuyên và được thừa ấm chức Tiền cai hương Thiên Hộ đăng bộ, kiêm chức Bách chưởng tráng sĩ. Sau làm chức Thừa ấm chức cai hương Thiên Hộ. Phụ trách một đơn vị tham gia đánh giặc Nguyên Mông trên sông Bạch Đằng lần thứ 3 năm Mậu Tí (1288). Được Quốc Công Tiết Chế Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn phong chức Trưởng cơ quân đoàn Luyện; lại được phó tướng Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư giao cho trực tiếp chỉ huy các chiến thuyền đi đầu nhử giặc Nguyên Mông vào bẫy trận cọc. Rồi khi nước xuống đã quay lại cùng các đoàn quân đồng loạt tiêu diệt chiến thuyền giặc Nguyên, bắt sống tướng giặc...
Do lập nhiều công lao trong công cuộc chống giặc, cụ Trung được vua Trần rất ưu ái.
Cụ Đoàn Phúc Trung với phu nhân Nhữ Thị sinh ra Đoàn Nhữ Hài vào năm Canh Thìn (1280) tại làng Hội Xuyên (nay là An Tân, xã Gia Tân, huyện Gia Lộc, Hải Dương).
Cụ Đoàn Phúc Hào (đời thứ 13.3-2)
Cụ là con cụ Đoàn Phúc Hưng, người Hội Xuyên, huyện Trường Tân (nay là Gia Lộc, Hải Dương). Định cư tại Hội Xuyên để phụng sự gia tiên. Con cái của cụ không được sử sách ghi lại.
Cụ Đoàn Nhữ Hài (Đời thứ 14)
(chữ Hán: 段汝諧, 1280-1335)
Cụ là con cụ Đoàn Phúc Trung.
Ngài Đoàn Phúc Trung vói phu nhân Nhữ Thị sinh ra Đoàn Nhữ Hài vào năm Canh Thin (1280) tại làng Hội Xuyên (nay là An Tân, xã Gia Tân, huyện Gia Lộc, Hải Dương).
Thủa nhỏ Đoàn Nhữ Hài học trường làng mười năm, kiến thức, tài năng hơn người cùng học, tỏ rõ văn chương võ nghệ điêu luyện tài kiêm văn thao võ lược, cha mẹ cho Ngài lên kinh đô Thăng Long học trường Quốc tử giám. Năm Kỷ Hợi (l299), lúc Giám sinh Đoàn Nhữ Hài gặp giúp vua Trần Anh Tông làm biếu tạ tội với thượng hoàng Trần Nhân Tông, được đặc cách phong làm quan Ngự sử Trưng tán, rồi thăng làm Tham tri chính sự khu mật viện hàm Thái uý, thượng tướng kiêm thiên tử sứ (tương đương phó thủ tướng bây giờ).
Ngài có nhiều công huân, khi đi sứ Chiêm Thành về được thượng hoàng Trần Nhân Tông khen và gả công chúa Nguyệt Hoa cho Đoàn Như Hài. Vua sai tướng Đoàn Nhữ Hải cầm hai nghìn quân đi dẹp giặc Chiêm Thành, Ngài đã dùng kế không đánh mà thắng năm vạn quân Chiêm Thành của đại tướng Lồi. Khi đánh giặc Ai Lao ở biên giới, tướng Đoàn Nhữ Hài giữ chức Bình tây đại đô đốc quốc công, Ngài bị đấm thuyền chết ở sông Tiết La năm Bính Tí (1336) thọ 56 tuổi.
Triều Trần phong Thượng đẳng phúc thần, nhiều nơi ở Thanh Nghệ Tình, ở Gia Lâm lập đền đình thờ ông. Riêng quê hương Gia Lộc có 84 làng như Hội Xuyên, Hoa Điếm, Tăng Thượng, Phú Triều, Kiêu Kỵ... đều thờ Ông. Hà Nội, Huế, Sài Gòn và nhiều đường phố mang tên Đoàn Nhữ Hài.
Hậu duệ của danh thần Đoàn Nhữ Hài có Đoài Đại Lang từ Khuôn phụ huyện Gia Phúc (Gia Lộc, Hải Dương) tòng quân theo vua Lê Thánh Tông đi đánh dẹp Chiêm Thành lập công bắt Trà Toàn, khải hoàn hồi triều. Đoàn Đại Lang xin được ở lại đất Ba Châu (Duy Xuyên, Quảng Nam) khai hoang lập nghiệp sinh dòng họ Hậu Duệ có Đoàn Công Huyền không rõ năm sinh, mất năm 1516. Hậu Duệ là Đoàn Công Nhạn được chúa Nguyễn phong chức tước Thạch Quận Công. Đoàn Công Nhạn sinh ra con trưởng là Đoàn Công Quảng, làm quan thời chúa Nguyễn, tước Quốc Cữu sầm Oai hầu và Đoàn Thị Ngọc là vợ chúa Nguyễn Phúc Lan, là mẹ chúa Nguyễn Phúc Tần. Bà Đoàn Thị Ngọc có công dạy dân trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ kéo sợi dệt vóc lụa Nguyễn ánh tranh được làm vua hiệu Gia Long đã tôn miếu hiệu cho cụ bà nội là Trịnh thục Từ tĩnh Mẫu duệ Kính hiếu Chiêu Hoàng Thái hậu và xây phần mộ gọi là lăng Vĩnh Diên hiện còn ở Chiêu Sơn là di tích lịch sử văn hoá đã được xếp hạng cấp bằng công nhận cấp Nhà nước. Con cháu chi này vẫn còn nhiều ở Duy Xuyên. Có nhiều người hậu duệ đã chuyến cư vào thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Nam bộ, có người trở ra Bắc Bộ, có số người định cư nước ngoài...