Thục Phán và Âu Lạc

Post date: Jul 2, 2012 8:14:21 AM

Theo các nguồn tư liệu thư tịch cổ của ta và của Trung Quốc phù hợp với những truyền thuyết dân gian phổ biến, thì tiếp theo sau nước Văn Lang đời Hùng Vương là nước Âu Lạc đời An Dương Vương.

(...)

Tuy nhiên, xung quanh lịch sử nước Âu Lạc (...) cho đến nay, vẫn tồn tại nhiều vấn đề chưa được giải quyết triệt để, trước hết là vấn đề nguồn gốc Thục Phán và sự thành lập nước Âu Lạc.

Những tài liệu xưa nhất trong thư tịch cổ của Trung Quốc (...) đều chép, An Dương Vương là “con vua Thục” (Thục Vương tử), nhưng không cho biết rõ xuất xứ của vua Thục, vị trí của nước Thục và cả tên của An Dương Vương.

Bộ sử xưa nhất của ta là Việt sử lược chỉ chép một câu về nguồn gốc của An Dương Vương: “Cuối đời Chu, Hùng Vương bị con vua Thục là Phán đánh đuổi mà lên thay.” (...) Tác giả bộ sử này cho biết (...) An Dương Vương tên là Phán, nhưng cũng không nói rõ người ở đâu.

Từ thế kỷ XV, với Ðại Việt sử ký toàn thư và Lĩnh Nam chích quái thì An Dương Vương xuất hiện một cách rõ ràng trong sử sách: “họ Thục, tên Phán, người đất Ba Thục” (...) niên điểm thành lập nước Âu Lạc được xác định là năm Giáp Thìn, Chu Noãn Vương, thứ 58 (năm 257 tr. CN) (...) đến thế kỷ XIX, thuyết đó (...) bắt đầu bị hoài nghi hoặc phủ định.

Theo sử sách Trung Quốc thì nước Thục ở vùng Tứ Xuyên là một trong những nước thời Xuân Thu - Chiến Quốc. Nước đó đã bị nước Tần tiêu diệt vào (...) năm 316 tr. CN (...) Vua Thục cuối cùng là Thục Khai Minh bị quân Tần giết chết ở Vũ Dương và thái tử con vua Thục cũng bị chết ở Bạch Lộc Sơn (...) Thế mà nước Âu Lạc, theo chính sử của ta, mãi đến năm 257 tr. CN mới thành lập. Vậy sau khi nước Thục bị diệt, “con vua Thục” tồn tại ở đâu và làm sao vượt qua hàng ngàn dặm núi rừng, đi qua địa bàn của nhiều nước (...) để (...) tiến đánh nước Văn Lang của Hùng Vương? (...)

Nguyễn Văn Siêu (1795 - 1872) (...) coi những ghi chép của sử cũ về An Dương Vương là sai lầm.(1)

Các tác giả bộ Việt sử thông giám cương mục (...) dè dặt nêu lên một giả thuyết mới đáng lưu ý: “hoặc giả ngoài cõi tây bắc giáp với nước Văn Lang, còn có họ Thục khác mà sử cũ nhận là Thục Vương chăng?”(2)

Dưới thời Pháp thuộc, xu hướng hoài nghi hoặc phủ định càng có chiều phát triển.Việt Nam sử lược (Trần Trọng Kim) dựa vào Việt sử thông giám cương mục, cho rằng An Dương Vương Thục Phán “không phải là nhà Thục bên Tàu”. Ngô Tất Tố phân tích sâu hơn các luận cứ, khẳng định “Nước Nam không có ông An Dương Vương nhà Thục” (...)

Vào những năm 50, thuyết cổ truyền về nguồn gốc Ba Thục của An Dương Vương (...) được nhiều nhà sử học bảo vệ, nhưng với những cách giải thích mới.

Có người cho (...)

Có người quan niệm, Thục Phán có thể là con hay cháu xa của vua Thục ở Ba Thục, sau khi đất nước bị diệt đã cùng với tộc thuộc chạy xuống vùng Ðiền Trì, rồi theo sông Hồng vào đất Lạc Việt, chiếm vùng Tây Vu ở phía tây bắc trung du Bắc bộ ngày nay. Sau khi lãnh đạo người Lạc Việt và Tây Âu kháng chiến chống quân Tần thắng lợi, Thục Phán gồm chiếm nước Văn Lang của Hùng Vương lập ra nước Âu Lạc vào khoảng năm 208 tr. CN.(3)

Cũng có người, căn cứ vào tình hình phân bố cư dân vùng Tây Nam Di, phỏng đoán rằng Thục Vương trong các thư tịch cổ không phải vua nước Thục ở Ba Thục, mà là tù trưởng của bộ lạc Khương di cư từ đất Thục xuống phía nam và tự xưng là Thục Vương. Bộ lạc Thục đó đi xuống vùng Quảng Tây và đông bắc Bắc bộ, cộng cư và đồng hóa với người Tây Âu ở vùng này. Nước Âu Lạc bao gồm hai thành phần cư dân: Lạc Việt và Tây Âu.(4)

Năm 1963, một tư liệu mới về An Dương Vương Thục Phán được công bố. Ðó là truyền thuyết “Cẩu chủa cheng vùa” (chín chúa tranh vua) của đồng bào Tày ở Cao Bằng. Theo truyền thuyết này thì Thục Phán là con của Thục Chế “vua” của “nước” Nam Cương ở vùng Cao Bằng, Quảng Tây hiện nay mà trung tâm là Hòa An (Cao Bằng). Nam Cương gồm chín xứ Mường. Vào cuối đời Hùng Vương, Thục Chế mất, con là Thục Phán hãy còn ít tuổi. Chín chúa Mường kéo quân về bắt Thục Phán chia nhỏ đất ra cho các chúa cai quản và đòi nhường ngôi “vua”. Thục Phán tuy ít tuổi nhưng rất thông minh, đã bày ra những cuộc đua sức, đua tài và giao hẹn ai thắng cuộc sẽ được nhường ngôi. Thục Phán dùng mưu kế làm cho các chúa mất nhiều công sức, mà không ai thắng cuộc. Cuối cùng, các chúa phải qui phục Thục Phán. Sau đó, “nước” Nam Cương trở nên cường thịnh. Thục Phán, nhân lúc nước Văn Lang suy yếu, đã đánh chiếm lập ra nước Âu Lạc, tự xưng là An Dương Vương, đóng đô ở Cổ Loa.(5)

Trên cơ sở truyền thuyết “Cẩu chủa cheng vùa”, xuất hiện một giả thuyết mới, cho rằng Thục Phán là tù trưởng một liên minh bộ lạc người Tây Âu hay người Tày cổ ở vùng núi rừng phía bắc Bắc bộ và nam Quảng Tây.(6)

Cuối những năm 60 lại xuất hiện thêm hai giả thuyết mới về nguồn gốc của Thục Phán.

Chuyện kể rằng: “… Lạc Long Quân ở với Âu Cơ được ít lâu thì Âu Cơ có mang, sinh ra một cái bọc. Sau bảy ngày cái bọc nở ra một trăm quả trứng. Mỗi trứng nở ra một người con trai. Trăm người con trai đó lớn lên như thổi, tất cả đều xinh đẹp khoẻ mạnh và thông minh tuyệt vời.

Hàng chục năm trôi qua, Lạc Long Quân sống đầm ấm bên cạnh đàn con, nhưng lòng vẫn nhớ thuỷ phủ. Một hôm Lạc Long Quân từ giã Âu Cơ và đàn con, hóa làm một con rồng vụt bay lên mây, bay về biển cả. Âu Cơ và đàn con muốn theo Lạc Long Quân, nhưng không đi được, buồn bã ở lại trên núi. Hết ngày này qua ngày khác, họ mỏi mắt trông chờ mà vẫn biền biệt tăm hơi. Không thấy Lạc Long Quân trở về. Nhớ chồng quá, Âu Cơ đứng trên ngọn núi cao hướng về biển Ðông lên tiếng gọi: "Bố nó ơi! Sao không về để mẹ con chúng tôi sầu khổ thế này".

Lạc Long Quân trở về tức khắc. Âu Cơ trách chồng:

- Thiếp vốn sinh trưởng ở núi cao, động lớn, ăn ở với chàng sinh được trăm trai, thế mà chàng nỡ lòng bỏ đi, để mặc con thiếp sống bơ vơ khổ não.

Lạc Long Quân nói:

- Ta là loài rồng, nàng là giống tiên, khó ở với nhau lâu dài. Nay ta đem năm mươi con về miền biển, còn nàng đem năm mươi con về miền núi, chia nhau trị vì các nơi, kẻ lên núi, người xuống biển, nếu gặp sự nguy hiểm thì báo cho nhau biết, cứu giúp lẫn nhau, đừng có quên.

Hai người từ biệt nhau, trăm người con trai toả đi các nơi, trăm người đó trở thành tổ tiên của người Bách Việt. Người con trưởng ở lại đất Phong Châu, được tôn làm vua nước Văn Lang lấy hiệu là Hùng Vương. Vua Hùng chia ra làm mười năm bộ, đặt tướng văn, võ gọi là lạc hầu, lạc tướng. Con trai vua gọi là quan lang, con gái vua gọi là mỵ nương. Ngôi vua đời đời gọi chung một danh hiệu là Hùng Vương.”

Truyền thuyết được lưu truyền trong dân gian như một điểm tựa tinh thần cho người dân nước Việt. Triết lý đông phương về quá trình Hợp của Âm-Dương, của Rừng – Biển đã sinh ra bách tính (trăm Họ) người Việt (Bách Việt) để rồi sự Tan đi khi đầy đủ điều kiện là cơ sở của câu chuyện phù hợp hoàn toàn với quy luật phát triển của sự vật hiện tượng.

1. Lạc Long Quân lấy Âu Cơ là kết hợp của Âm - Dương, sự kết hợp của 2 tộc người: Lạc Việt – Âu Việt như một điều tất yếu:

1.1. Lạc Việt: là Dân Tộc người sinh sống ở đồng bằng Bắc Bộ hiện nay sinh sống bằng nghề trồng lúa nước.

1.2. Âu Việt là dân tộc sống ở vùng thượng du Bắc Bộ, là tổ tiên của người: Tày Thái và Nùng hiện nay.

Đến đời Hùng Vương thứ 18 thì Thục Phán, một thủ lĩnh của Âu Việt đã thống lĩnh và đóng đô tại Cổ Loa, đổi tên nước thành Âu Lạc ( Sự hòa hợp giữa Âu Việt và Lạc Việt) Xưng là An Dương Vương. Như vậy trong văn hóa tinh thần thì truyền thuyết Âu Cơ lấy Lạc Long Quân sinh ra cái bọc trăm trứng như sự kết hợp của tinh thần Âu Việt và Lạc Việt trong xã hội Bách Việt thời bấy giờ.

2. “…Lạc Long Quân sống đầm ấm bên vợ con nhưng lòng vẫn nhớ thủy phủ…” Trong sự bình ổn bên ngoài là cả những thay đổi ngầm bên trong chứa đựng những biến cố, trên thế giới, không có cái gì là bất biến mà chỉ mang tính chất bình ổn tạm thời, trong sự Hợp đã chứa cái Tan, đó là quy luật của vạn vật.

3. “… Nay ta đem năm mươi con về miền biển, còn nàng đem năm mươi con về miền núi, chia nhau trị vì các nơi, kẻ lên núi, người xuống biển, nếu gặp sự nguy hiểm thì báo cho nhau biết, cứu giúp lẫn nhau, đừng có quên”. Xã hội người Việt cổ tồn tại 2 chế độ : Mẫu hệ và Phụ Hệ

3.1. Mẫu hệ: Là chế độ cổ xưa trong thời kỳ nguyên thủy, quyền hành trong xã hội và gia đình do người phụ nữ nắm giữ. Chế độ Mẫu hệ đã tồn tại tại hầu hết dân tộc sống ở miền núi phía Bắc và hiện nay vẫn còn trong một số dân tộc miền cao Việt Nam: Chăm, Jarai, Êđê, Raglai, Churu. Con cái sinh ra đều mang họ mẹ.

3.2. Phụ Hệ: Cùng với sự phát triển của xã hội loài người thì vai trò người đàn ông càng trở nên quan trọng từ đó các dân tộc đã chuyển sang chế độ phụ hệ, và hầu như các dân tộc sống ở đồng bằng, gần biển đã đi tiên phong trong sự chuyển đổi này. Các con sinh ra đều mang họ cha.

Vấn đề theo mẹ, theo cha cũng là một ý nghĩa sâu sắc của truyền thuyết, dù theo mẹ hay theo cha thì dân Việt vẫn chung một bọc và phải đoàn kết,giúp đỡ nhau. Khi có nguy hiểm, thì dân tộc nào của Người Việt cũng đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau đặc biệt là bảo vệ quê hương đất nước trước giặc ngoại xâm.

Truyền thuyết được lưu truyền mãi cho đến đời nay, trong quá trình này chắc chắn có những thay đổi về tình tiết nhưng cho đến nay câu chuyện về một thời kỳ dựng nước của cả dân tộc với sự phù hợp về quy luật của vạn vật, về văn hóa dân tộc, và cả truyền thống đoàn kết tương trợ của người Việt. Như lời nhắn nhủ của Lạc Long Quân từ ngàn xưa: “ Nếu gặp nguy hiểm thì báo cho nhau biết, cứu giúp lẫn nhau đừng có quên.”

(...)

Tất cả những giả thuyết trên đây chứng tỏ rằng nguồn gốc của Thục Phán và sự ra đời của nước Âu Lạc còn nhiều khía cạnh bí ẩn (...) Nhưng xu hướng chung của các nhà nghiên cứu trong thời gian gần đây, đều bác bỏ thuyết cổ truyền về gốc tích Ba Thục của Thục Phán. Thuyết này không những chứa đựng những điều phi lý, khó giải thích về khoảng cách không gian và thời gian giữa nước Thục ở Tứ Xuyên với nước Âu Lạc ở bắc Việt Nam (...) mà còn trái ngược với nhiều nguồn tư liệu trong nước.

(...)

Tổng hợp những kết quả nghiên cứu cho đến nay, có thể tạm xác lập một giả thuyết như sau:

Cư dân nước Văn Lang đời Hùng Vương chủ yếu là người Lạc Việt và bao gồm cả một bộ phận người Tây Âu (hay còn gọi là Âu Việt) ở miền núi rừng và trung du phía bắc, hai thành phần đó sống xen kẽ với nhau trong nhiều vùng. Phía bắc nước Văn Lang là địa bàn cư trú của người Tây Âu, cũng có những nhóm Lạc Việt sống xen kẽ (...)

Lạc Việt và Tây Âu là hai nhóm phía nam của Bách Việt, sống gần gụi nhau và có vùng xen kẽ nhau, trên lưu vực sông Hồng và Tây Giang. Vừa là đồng chủng, vừa là láng giềng, từ lâu người Lạc Việt và người Tây Âu đã có nhiều quan hệ mật thiết về kinh tế, văn hóa (...)

Thục Phán là thủ lĩnh của một liên minh bộ lạc người Tây Âu ở phía bắc nước Văn Lang, theo truyền thuyết của đồng bào Tày thì liên minh bộ lạc đó là “nước” Nam Cương gồm 10 xứ Mường (9 mường của 9 chúa và 1 mường trung tâm của Thục Phán) tức 10 bộ lạc họp thành, với địa bàn cư trú gồm vùng nam Quảng Tây, Cao Bằng và có thể rộng hơn, cả vùng núi rừng phía bắc Bắc bộ, mà trung tâm là Cao Bằng (...)

Giữa người Lạc Việt và Tây Âu, cũng như giữa Hùng và Thục, đã có nhiều quan hệ gắn bó lâu đời. Huyền thoại Lạc Long Quân - Âu Cơ đã chứa đựng mối quan hệ giữa hai yếu tố Lạc và Âu trong cội nguồn xa xưa của các thành phần dân tộc ở Việt Nam. Nhiều thần tích và truyền thuyết về Hùng Vương và An Dương Vương coi Thục Phán là thuộc “dòng dõi”, “tông phái”, hoặc là “cháu ngoại” của vua Hùng (...)

Nhưng mặt khác, vào cuối đời Hùng Vương, giữa Hùng và Thục xẩy ra một cuộc xung đột kéo dài (...) Ðó là những cuộc xung đột không tránh khỏi trong quá trình tập hợp các bộ lạc và liên minh bộ lạc gần gụi nhau để lập thành Nhà nước và mở rộng phạm vi kiểm soát của Nhà nước đó.

Cuộc xung đột đang tiếp diễn thì (...) người Lạc Việt và Tây Âu, cùng toàn bộ các nhóm người Việt trong khối Bách Việt đứng trước một mối đe dọa cực kỳ nguy hiểm. Ðấy là nạn xâm lược đại qui mô của đế chế Tần. Chính hoàn cảnh lịch sử ấy cắt nghĩa tại sao cuộc xung đột Hùng - Thục lại kết thúc bằng sự nhường ngôi của Hùng Vương cho Thục Phán và sự thành lập nước Âu Lạc như một bước phát triển kế tục của nước Văn Lang, một sự hợp nhất ở mức độ cao hơn, phạm vi rộng hơn, của người Lạc Việt và người Tây Âu.

(...) (trang 179 đến trang 197 nói về “Cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tần”)

Trước cuộc kháng chiến chống Tần, liên minh bộ lạc Tây Âu của Thục Phán đã có nhiều mối quan hệ chặt chẽ với nước Văn Lang của Hùng Vương. Mối quan hệ vừa giao lưu, liên kết, vừa đấu tranh, xung đột giữa hai tộc người gần gụi về dòng máu, về địa vực, về kinh tế, văn hóa như vậy là cơ sở và cũng là bước chuẩn bị cho sự hợp nhất hai tộc người Lạc Việt - Tây Âu để mở rộng và phát triển nước Văn Lang. Cuộc kháng chiến chống Tần càng thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa xu thế phát triển đó.

Khi tiến vào nước ta, quân Tần xâm phạm trước hết địa bàn cư trú của người Tây Âu. Thục Phán với vai trò thủ lĩnh liên minh bộ lạc Tây Âu, dĩ nhiên phải đứng ra tổ chức và chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Tần. Quân Tần càng tiến sâu về phía nam, càng gặp phải sức chống trả quyết liệt của người Tây Âu và người Lạc Việt. Các thủ lĩnh người Việt, do yêu cầu của cuộc chiến đấu, đã suy tôn Thục Phán lên làm người chỉ huy cao nhất. Có lẽ đó là ý nghĩa của việc “họ cùng nhau đặt người kiệt tuấn lên làm tướng” mà Lưu An đã chép trong Hoài Nam Tử.

(...)

(...) việc Thục Phán thay thế Hùng Vương, tự xưng An Dương Vương và lập ra nước Âu Lạc thì có lẽ được thực hiện sau khi kháng chiến thành công (...)

(...) Sự thành lập nước Âu Lạc không phải là kết quả của một cuộc chiến tranh thôn tính, tiêu diệt, mà là một sự hợp nhất cư dân và đất đai của Lạc Việt và Tây Âu, của Hùng và Thục. Vì vậy, nước Âu Lạc là một bước phát triển mới, kế tục và cao hơn nước Văn Lang (...)

Nước Âu Lạc chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn, khoảng gần 30 năm (khoảng 208 - 179 tr. CN). Do đó, thời gian tồn tại của nước Âu Lạc không tách ra thành một thời kỳ lịch sử riêng, mà được coi như một giai đoạn phát triển tiếp tục của nước Văn Lang (...) nằm trong một thời đại chung: thời đại dựng nước đời Hùng Vương và An Dương Vương.

(Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Lương Ninh, Lịch sử Việt Nam, tập I, nxb. Ðại Học và Trung Học Chuyên Nghiệp, Hà Nội, 1983, tr. 169-199)

Nhan đề do người trích tạm đặt.

Chú thích của sách:

(1) Nguyễn Văn Siêu, Phương Ðình dư địa chí.

(2) Việt sử thông giám cương mục, Tiền biên, q. I. 8b.

(3) Ðào Duy Anh, “Vấn đề An Dương Vương và nước Âu Lạc”, Hà Nội 1957 (...) Sau khi phát hiện ra truyền thuyết về nước Nam Cương của người Tày ở Cao Bằng, Ðào Duy Anh có sửa đổi giả thuyết cũ, cho rằng con cháu vua Thục từ Tứ Xuyên xuống Quí Châu, Vân Nam rồi vào nước Nam Cương và Thục Phán trở thành tù trưởng của liên minh bộ lạc người Tây Âu ở đó. Xem: Ðào Duy Anh, Ðất nước Việt Nam qua các đời, Hà Nội, 1964, và “Góp ý kiến về vấn đề An Dương Vương”, Khảo cổ học 3-4, tháng 12-1969.

(4) Trần Quốc Vượng và Hà Văn Tấn, Lịch sử chế độ cộng sản nguyên thủy ở Việt Nam, nxb. Giáo Dục, Hà Nội 1960, tr. 51-56.

(5) Lã Văn Lò, “Quanh vấn đề An Dương Vương Thục Phán hay là truyền thuyết Cẩu chủa cheng vùa của đồng bào Tày”, Nghiên cứu lịch sử 50-51, tháng 6-1963. Ðây là một truyền thuyết dân gian ở vùng Cao Bằng, được Lê Sơn viết thành trường ca hơn nghìn câu tiếng Tày. Lã Văn Lò dịch ra tiếng Việt và công bố. Trước đây, khoảng cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, một số tác giả người Pháp khi viết lịch sử người Tày có nhắc đến thuyết này, nhưng không công bố tư liệu.

(6) Ðặng Nghiêm Vạn và Trần Quốc Vượng, “Vấn đề An Dương Vương và lịch sử dân tộc Tày ở Việt Nam”, Thông báo khoa học - sử học, trường Ðại học Tổng hợp Hà Nội, t. II, 1966 (...)

Ðào Duy Anh, Ðất nước Việt Nam qua các đời, sđd.

Chú thích của người trích:

(*) Mường đây là tiếng Thái có nghĩa là một khu vực, chứ không có liên hệ gì với người Mường. Nói “Nam Cương gồm chín xứ Mường” dễ gây ngộ nhận. Thiết tưởng nên nói “Nam Cương gồm chín mường” rồi cước chú nghĩa của chữ “mường”.