ĐỀ THÁM GỐC HỌ ĐOÀN

Post date: Jul 2, 2012 7:43:13 AM

Xưa nay, các tài liệu viết về Đề Thám đều cho rằng ông gốc họ Trương với quê quán còn nhiều bàn cãi. Đến năm 1962, trên tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, Hoài Nam cho biết thêm, trước khi cải từ họ Trương sang họ Hoàng, Đề Thám còn mang họ Đoàn. Chứng cớ là những người họ Đoàn ở làng Dị Chế, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên có quan hệ máu mủ với Đề Thám cũng vốn có gốc họ Trương và phụ thân của Đề Thám có tên là Trương Thận là người làng ấy.Tuy nhiên, trong Đại Nam thực lục – Chính biên (Quyển CII, CXVIII, CXXIII) lại cho biết Trương Thận chỉ là biệt danh của một thủ lĩnh nông dân để nổi lên chống lại nhà Nguyễn, tên chính là Đoàn Danh Lại, người làng Dị Chế, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên, bị anh em Bùi Duy Kỳ bắt giết đem nộp triều đình vào tháng 9 năm Bính Thân, Minh Mệnh thứ 17 (10-1836). Tại cuốn Gia phả họ Bùi lưu ở Từ đường Bùi Quang Dũng thuộc thôn Đồng Thanh, xã Tân Bình, thành phố Thái Bình, cũng ghi nhận sự kiện vào thời điểm trên, có 2 người trong dòng họ này đã bắt giết được vợ chồng Đoàn Danh Lại (mạo nhận là Trương Thận) nên triều đình ban thưởng rất hậu cả về tiền của và công danh. So sánh với Gia phả họ Đoàn Dị Chế, ta được biết thêm, Đoàn Danh Lại có hai con trai: con lớn tên làĐoàn Văn Lễ (sau cải là Trương Văn Leo, không rõ năm sinh), con thứ làĐoàn Văn Nghĩa (tức Đề Thám sau này, sinh được mấy tháng thì bố mẹ bị giết hại).

Xem thế, những chứng lý về Đề Thám vốn gốc họ Đoàn là khá chắc chắn. Điều khẳng định này đã được Tiến sỹ Khổng Đức Thiêm lý giải và minh chứng đầy đủ, có cơ sở khoa học trong tác phẩm “Hoàng Hoa Thám (1836-1913)” với 12 chương nội dung cùng nhiều phụ bản về tư liệu thành văn, sơ đồ và ảnh, do Nhà xuất bản Tri Thức ấn hành, dầy 740 trang, khổ 16x24cm, phát hành vào tháng 2/2014. Đây là công trình nghiên cứu khoa học đã được Hội đồng khoa học của Hội Sử học Việt Nam nghiệm thu.

Đoàn Thịnh